TCTM – Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), hãy cùng Tạp chí Thang máy tìm hiểu những tờ báo đầu tiên – những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển của báo chí nước nhà.
Báo “Thanh Niên” là tờ báo bí mật đầu tiên của những người cộng sản Việt Nam hoạt động ở nước ngoài, được viết bằng chữ quốc ngữ. Báo là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, trụ sở tại nhà số 13A đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo.
Nguyễn Ái Quốc vừa là người chỉ huy điều khiển đồng thời cũng là cây viết chính của tờ báo này. Báo Thanh Niên ra hàng tuần vào ngày Chủ nhật, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, in tại Quảng Châu. Ngày này cũng được chọn là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trong ảnh là báo Thanh Niên – tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta – do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Báo phát hành 200 – 300 bản/kỳ trong bí mật, mỗi kỳ 2 trang, có lúc 4 trang, khổ giấy 13 x 19cm. Thời gian đầu phát hành 1 kỳ/tuần, về sau do khó khăn về điều kiện in nên có thời kỳ số trước cách số sau từ 3 – 5 tuần.
Thanh Niên đình bản vào tháng 8/1920, sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên giải thể, kết thúc vai trò lịch sử của mình. Báo Thanh Niên được coi là cái nôi của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Sau khi báo xuất bản, nhiều tờ báo cách mạng khác kế tiếp nhau ra đời. Từ năm 1925 đến năm 1930, trong cả nước có hơn 50 tờ báo cách mạng.
Khai sinh sớm nhất trong làng báo quốc ngữ Việt Nam là Gia Định báo. Tờ báo tổng hợp này do Trương Vĩnh Ký khởi xướng và làm Chủ nhiệm. Báo có khuôn khổ 32 x 25 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau khi phát hành số đầu vào ngày 15/4/1865.
Gia Định báo số 22, ra ngày 30/5/1899.
Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân. Phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa – xã hội…
Ngoài vai trò phục vụ mục tiêu chính trị của nó, Gia Định báo đã mở đường và đặt nền móng cho sự phát triển báo chí Việt Nam, góp phần phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí về nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Gia Định báo cũng đã góp công to lớn trong truyền bá, hoàn thiện chữ quốc ngữ trong phát triển văn học sử Việt Nam.
Tờ báo kinh tế đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam là tờ Nông Cổ Mín Đàm, nghĩa là “uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn”. Đây là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio – một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt là các ký giả Dũ Thúc, Lương Khắc Ninh, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt.
Tờ “Nông-Cổ Mín-Đàm” ra ngày 26/1/1905 (năm Giáp Thìn).
Báo có khổ 20×30 cm, với tổng cộng 8 trang và được viết bằng chữ quốc ngữ. Trong đó, Thương cổ luận là một mục quan trọng của báo, thường được đăng ở trang nhất và kéo dài đến trang sau, xuất hiện ngay từ số đầu tiên do tác giả Lương Khắc Ninh làm chủ bút.
Thông qua mục này, Lương Khắc Ninh chủ trương cổ động mạnh mẽ cho việc phát triển nghề nông và kêu gọi thành lập những công ty thương nghiệp để thoát ra khỏi sự bóc lột trên thương trường của người Hoa kiều.
Mục Thương cổ luận tồn tại trong suốt hơn 100 số báo, thẳng thắn tuyên chiến với tư tưởng tứ dân sĩ nông công thương đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt bằng lời khẳng định: Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường – tức kinh doanh thương mại là cách tốt nhất giúp cho dân giàu nước mạnh.
Báo được viết bằng chữ quốc ngữ và phát hành thứ Năm hàng tuần, về sau tăng lên 3 số/tuần. Số đầu tiên được xuất bản ngày 1/8/1901. Trải qua 20 năm tồn tại, sau khi phát hành số ra ngày 4/11/1921 thì báo bị đình bản.
Theo các nhà nghiên cứu thì dù ra đời vào thời kỳ sơ khai của báo chí Việt Nam nhưng Nông cổ mín đàm hội tụ đầy đủ yếu tố của một tờ báo và sống được trong một khoảng thời gian khá dài.
Đông Dương tạp chí (1913 – 1919), là tạp chí tiếng Việt đầu tiên xuất bản tại Hà Nội. Tạp chí ra ngày thứ Năm hàng tuần, do F. H. Schneider, người Pháp gốc Đức, nhà kinh doanh ngành in tại Việt Nam sáng lập, rồi đứng làm chủ nhiệm, giao chức chủ bút cho nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.
Đông Dương tạp chí số 1, ra ngày 15/5/1913
Đông Dương tạp chí vốn là một phụ bản của tờ Lục Tỉnh tân văn xuất bản ở Sài Gòn. Số đầu tiên ra ngày 15/5/1913. Số cuối cùng ra ngày 15/9/1919. Đông Dương tạp chí tồn tại được 6 năm 4 tháng thì đình bản.
Đông Dương tạp chí ra đời không ngoài mục đích chính trị của thực dân Pháp, cho nên ở giai đoạn đầu, tạp chí này đã đăng tải một số bài viết chống lại phong trào cách mạng Việt Nam. Nội dung chỉ thật sự chuyên về văn chương và sư phạm kể từ năm 1915. Các chuyên mục của tạp chí là: lịch sử, phong tục, cổ văn, cổ học, dịch thuật.
Tạp chí Thang máy được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động vào ngày 6/8/2021. Tạp chí Thang máy là tạp chí chuyên ngành đầu tiên tại Việt Nam viết những nội dung chuyên sâu về thang máy và cũng là cơ quan truyền thông của Hiệp hội Thang máy Việt Nam.
Tạp chí có hai ấn bản, ấn bản in được xuất bản định kì 3 tháng một số với hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt. Ngoài ra tạp chí còn có bản điện tử được đăng tải trên website tapchithangmay.vn.
Nội dung của tạp chí xoay quanh những thông tin chuyên sâu, phân tích của các chuyên gia trong ngành; cung cấp kiến thức hữu ích và tin cậy tới người tiêu dùng, doanh nghiệp thang máy… Đồng thời, phản ánh chính xác, khách quan các thông tin, sự việc, vấn đề cấp thiết của ngành thang máy.
Bên cạnh những bài viết kỹ thuật chuyên sâu, tạp chí cũng xuất bản nhiều câu chuyện về thang máy được khai thác dưới góc độ đa chiều, đưa tới bạn đọc một góc nhìn khác về thang máy. Không chỉ là sắt thép vô hồn hay thiết bị di chuyển thông thường mà còn là một phần của kiến trúc, nghệ thuật và cuộc sống.
Ấn phẩm đầu tiên của Tạp chí Thang máy được ra đời dựa trên giấy phép số 510/GP-BTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
Ấn phẩm đầu tiên của Tạp chí Thang máy lấy “Câu chuyện nghệ thuật trăm năm” làm chủ điểm. Ấn phẩm này được công bố ngay tại Lễ ra mắt Tạp chí Thang máy diễn ra ngày 19/11/2021.
Tại Lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh đã đánh giá, sự ra đời của Tạp chí Thang máy là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, có mục tiêu và định hướng rõ ràng của Hiệp hội.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh tin tưởng, Tạp chí Thang máy sẽ luôn thể hiện và khẳng định được vai trò của cơ quan ngôn luận truyền thông chính thống, đảm bảo tính khách quan về góc nhìn, tính chính xác về thông tin.
Đồng thời, Tạp chí Thang máy cũng là cầu nối giữa cộng đồng ngành thang máy không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn tầm ra thế giới, là kênh thông tin hữu ích dành cho người tiêu dùng và là chứng nhân ghi dấu quá trình phát triển mạnh mẽ của ngành thang máy Việt Nam trong thời đại mới.
Linh Phương
Thông tin mới cập nhật