TCTM – Chỉ thị thang máy hiện tại của châu Âu (2014/33/EU) không có tính chất hồi tố mà chỉ quy định đối với việc lắp đặt thang máy mới và sản xuất các thiết bị mới cho ngành thang máy kể từ sau năm 2014. Điều này đặt ra những vấn đề về việc cải tiến thang máy cũ để đảm bảo tính an toàn và hiệu suất cao.
Trong số các thang máy đang được sử dụng hiện nay ở châu Âu, chỉ một tỷ lệ nhỏ đã được lắp đặt kể từ khi áp dụng chỉ thị mới – Chỉ thị Thang máy và Thiết bị an toàn thang máy (Gọi tắt là Chỉ thị). Đa số thang đều đã được lắp đặt trước năm 2014. Sự khác biệt về công nghệ đã thể hiện rõ khoảng cách về mức độ an toàn và hiệu suất giữa thang cũ và thang mới.
Các chuyên gia trong ngành thang máy đã biên soạn một danh sách 85 rủi ro có thể tồn tại trên các thang máy cũ, được đánh giá theo khung phân tích thường được gọi là EN 81-80 SNEL (Tiêu chuẩn An toàn cho Thang máy cũ) và là một phần của Tiêu chuẩn châu Âu EN 81. Một số trong 85 rủi ro được xác định này có thể dẫn đến tai nạn chết người và cần được giải quyết khẩn cấp.
Mặc dù công nghệ thang máy đang ngày càng phát triển, vẫn có nhiều tai nạn xảy ra đối với hơn 6.000.000 thang máy đang vận hành ở châu Âu
Khó khăn là ở châu Âu, việc áp dụng quy định, tiêu chuẩn chung cho an toàn thang máy hiện có là chưa bắt buộc. Đây là điều hoàn toàn tự nguyện, việc tiếp thu phụ thuộc vào luật pháp quốc gia và ở các khu vực khác nhau.
Một số quốc gia châu Âu có yêu cầu pháp lý bắt buộc thực hiện đánh giá tiêu chuẩn EN 81-80. Ở Đức chẳng hạn, việc đánh giá rủi ro này đối với bất kỳ thang máy hiện có nào là một phần của luật pháp quốc gia. Bất kỳ sự sai lệch nào so với các tiêu chuẩn hiện đại sẽ được ghi nhận trong các cuộc kiểm tra định kỳ do các cơ quan kiểm định quốc gia thực hiện. Chủ sở hữu thang máy sau đó sẽ được đưa ra thời hạn để xử lí thang máy theo yêu cầu tối thiểu.
Ngay cả ở các quốc gia EU khác dù không bắt buộc thì việc đánh giá rủi ro của thang máy vẫn được khuyến nghị để duy trì sự an toàn và hiệu suất của thang máy theo thời gian.
Năm 2018, ghi nhận nhiều vụ việc tai nạn do thang máy với con số 1.180 vụ, 20 người tử vong và 60 người bị thương tích nghiêm trọng. Khi nguyên nhân gốc rễ của những vụ tai nạn này được điều tra, gần một nửa trong số này có thể tránh được nếu chủ sở hữu thang máy thực hiện các biện pháp hiện đại hóa thang máy của họ dựa trên phân tích SNEL.
Nhóm công tác về An toàn, Khả năng tiếp cận và Hiệu quả năng lượng trong các thang máy hiện có (SAEL – Safety, Accessibility and Energy effiency in existing Lifts) và Hiệp hội Thang máy châu Âu (ELA – European Lift Association) với tư cách là tiếng nói của ngành thang máy ở châu Âu đã phải nỗ lực để hướng tới việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn nhằm bảo đảm an toàn và hiệu suất cao cho thang máy.
Mặc dù ELA tiếp tục ủng hộ việc chấp nhận và thực hiện hài hòa luật SNEL ở khắp các quốc gia thành viên EU đối với các hệ thống lắp đặt thang máy hiện có, các chủ sở hữu thang máy cá nhân cũng được khuyến khích hiện đại hóa thang máy của họ để ngăn ngừa tử vong, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận cho người dùng khuyết tật và cải thiện hiệu quả năng lượng tổng thể trong các tòa nhà của họ. Các chủ đầu tư có thể chia nhỏ các bước thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện tài chính./.
Hà My (Theo Elevator World)
Thông tin mới cập nhật