TCTM – Thang cuốn được cấp bằng sáng chế vào năm 1892 và trở thành tín hiệu cho khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Chiếc thang cuốn đầu tiên hoạt động tại Coney Island – công viên giải trí tại New York. Kể từ đó đến nay, thang cuốn đã trở nên phổ biến và được sử dụng với mức độ thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta: trong các trung tâm mua sắm, sân bay, bệnh viện, tòa nhà văn phòng,…
Khi thang cuốn trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, tai nạn vẫn xảy ra mặc dù số liệu thống kê cho thấy thương tích và tử vong liên quan đến thang cuốn vẫn khá hiếm gặp. Cùng xem những sự thật “thú vị” về tai nạn thang cuốn có thể giúp chúng ta nhận thức tốt hơn về vấn đề an toàn thang cuốn.
Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC) ước tính trung bình mỗi năm có 6.000 người bị thương khi đi thang cuốn. Tuy nhiên, một trong số ít nghiên cứu về chủ đề này cho kết quả tổng số cao hơn. Được công bố trong Thư viện Y khoa Quốc gia của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), nghiên cứu lưu ý rằng 10.000 thương tích liên quan đến thang cuốn mỗi năm cần được cấp cứu tại Hoa Kỳ.
Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy hai yếu tố đặc biệt làm tăng nguy cơ bị thương khi đi thang cuốn là say rượu và tuổi tác. Dựa trên phát hiện đó, hai nhóm nguy cơ đã được xác định: phụ nữ lớn tuổi và nam giới say rượu dưới 60 tuổi. Ngoài ra, gần 20% số ca thương tích xảy ra với trẻ em dưới 5 tuổi và khoảng 30% số ca thương tích xảy ra với người trên 65 tuổi.
Cứ 4 vụ tai nạn thang cuốn thì có 3 vụ nguyên nhân do ngã. Khi đó, các khiếm khuyết của thang cuốn có thể dẫn đến tai nạn, chẳng hạn như kẹt ngón tay, kẹt giữa các bậc, kẹt tấm lược, trượt và ngã. CPSC ước tính cho đến nay, té ngã là chấn thương phổ biến nhất, chiếm 75% các trường hợp chấn thương khi đi thang cuốn. Những loại tai nạn này xảy ra do tính vui đùa của trẻ em và người lớn, do mất thăng bằng trên thang cuốn.
Tuy nhiên, các vụ tai nạn do mắc kẹt trong thang cuốn (bị mắc kẹt) thường dẫn đến thương tích nghiêm trọng hơn là bị ngã. Có đến 20% số vụ tai nạn thang cuốn liên quan đến bị mắc kẹt. Việc mắc kẹt trang phục hay bộ phận cơ thể vào thang cuốn có xu hướng đặc biệt nghiêm trọng và tỉ lệ cao hơn liên quan đến trẻ nhỏ.
Ngoài ra, việc bước ra khỏi thang cuốn cũng góp phần gây ra tai nạn. Nó phổ biến nhất ở trẻ em, chúng vẫn đứng trên thang cuốn và cố gắng trượt xuống thay vì bước ra khỏi thang cuốn. Điều này dẫn đến việc đôi chân nhỏ bé của chúng bị mắc kẹt vào khoảng trống nơi tấm lược cuối cùng trượt vào.
Thang cuốn được bảo trì kém có nguy cơ trục trặc cao hơn. Nhưng những hư hỏng về cơ và điện cũng có thể xảy ra mà không báo trước. Một số lỗi thường gặp bao gồm: mất răng trên đường ray thang cuốn, lỏng hoặc thiếu ốc vít, bậc bị gãy hoặc thiếu, trục trặc về điện,…
Một trong những sự cố thang cuốn nghiêm trọng xảy ra tại Boston đã khiến 9 người phải nhập viện một cách bi thảm. Đoạn video ghi lại vụ tai nạn cho thấy thang cuốn đột ngột đảo chiều với tốc độ cao khiến mọi người ngã nhào xuống. Hai gia đình bị thương trong vụ việc đã kiện cơ quan giao thông vận tải và công ty bảo trì.
Hình ảnh vụ thang cuốn đảo chiều tại Boston khiến nhiều người bị ngã đè lên nhau
Tai nạn thang cuốn có thể gây hậu quả nghiêm trọng về mặt thể chất. Nghiên cứu do NIH công bố cho thấy tổn thương phần mềm là chấn thương phổ biến nhất. Trong số các vụ việc mà nghiên cứu xem xét, nhiều nạn nhân còn bị thương nặng liên quan đến nhiều bộ phận trên cơ thể. Trong một số trường hợp, vết thương phải nhập viện và phẫu thuật. Dữ liệu của CPSC cho thấy mỗi năm có khoảng hai đến ba người chết do tai nạn thang cuốn tại Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và đặc biệt là California có tiêu chuẩn kiểm tra và bảo trì cao hơn nhiều quốc gia khác. Ở California, thang cuốn được lắp đặt cho mục đích thương mại phải vượt qua cuộc kiểm tra hai năm một lần. Chủ sở hữu/người vận hành những thang cuốn không đạt sẽ phải dừng hoạt động thiết bị trong khi sửa chữa và tiến hành kiểm tra lại. Luật California yêu cầu báo cáo phải được công khai, cho phép người dùng tiếp cận chứng nhận kiểm tra của thang cuốn.
Chủ sở hữu thang cuốn có trách nhiệm duy trì sự an toàn của thiết bị. Nếu tai nạn xảy ra do trục trặc máy móc và chủ sở hữu thang cuốn không bảo trì đúng cách thì chủ sở hữu có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về mọi thương tích do tai nạn gây ra.
Một ví dụ vào năm 2021, khi một cậu bé gặp “sự cố thang cuốn kinh hoàng” do bị mắc kẹt chân vào thang cuốn. Cậu bé đang đi xuống thang cuốn bên trong Trung tâm thương mại Staten Island ở New York thì đột nhiên chân cậu bị kẹt. Những người chứng kiến cuối cùng đã cạy được bức vách của thang cuốn bằng một thanh kim loại để giải thoát cậu bé. Cha của anh đã đệ đơn kiện dân sự, cáo buộc bốn bị cáo là các chủ sở hữu, cho thuê và điều hành trung tâm thương mại và thang cuốn có sơ suất. Đơn kiện lưu ý rằng cậu bé bị “thương tích cá nhân nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các tai nạn, thương tích đều do trục trặc thiết bị. Nếu bạn bị thương trên thang cuốn do hành động của người khác, người đó có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu hành động đó được coi là sơ suất.
Tương tự như trường hợp tai nạn thang cuốn xảy ra tại Thượng Hải, Trung Quốc khi một người phụ nữ bị ngã và bị thương do sự sơ suất của người khác, bà đã được Tòa án yêu cầu người gây ra lỗi bồi thường tổn hại. Đọc thêm tại: Tai nạn thang cuốn: hầu hết do hành vi của người sử dụng
Năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 còn là nỗi sợ trên toàn thế giới, việc nhiều người tại London, Anh lo ngại lây nhiễm bệnh mà không bám vào tay vịn thang cuốn đã khiến số lượng vụ tai nạn thang cuốn gia tăng đánh cảnh báo. Theo các tờ Daily Telegraph và Evening Standard, đã có 12 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 ở hệ thống tàu điện ngầm London. Việc này đã khiến cơ quan giao thông vận tải London thực hiện việc mở rộng lắp đặt đèn chiếu tia cực tím để diệt virus.
Hình ảnh người dân tại London sử dụng thang cuốn mà không bám vào tay vịn do lo ngại việc lây nhiễm dịch bệnh
Minh Dương
Thông tin mới cập nhật