TCTM – Với sáng kiến xây dựng tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam hướng tới bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn an toàn trong quá trình vận hành và lắp đặt thang máy – những vấn đề mà QCVN, TCVN “chưa có” hoặc “có nhưng chưa đầy đủ”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh
Viện trưởng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy – VILEA;
Bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Sheffield – Vương Quốc Anh.
Trong khuôn khổ Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế PALEA/VNEA do Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương (PALEA) và Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) tổ chức vào ngày 5/10 tại Hà Nội vừa qua, các diễn giả đã đưa ra nhiều tham luận, nghiên cứu chuyên sâu nhằm mục tiêu nâng cao an toàn cho ngành thang máy.
Một trong những nội dung tham luận quan trọng tại hội thảo là “Những ‘lỗ hổng’ trong Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Thang máy Việt và Sáng kiến từ VNEA” tập trung vào vấn đề xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở ngành thang máy tại Việt Nam – TCCS/VNEA, do TS. Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA), trực thuộc VNEA trình bày.
Trong bài tham luận của mình, ông Nguyễn Đức Hạnh đã đưa ra những thông tin tổng quan về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và Tiêu chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (TCVN) tại Việt Nam liên quan tới lĩnh vực thang máy đồng thời chỉ rõ những bất cập hiện hành.
Theo Viện trưởng VILEA, với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) liên quan tới ngành thang máy, QCVN 02:2019/BLĐTBXH – An toàn lao động đối với thang máy do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành vào năm 2019 hiện đang là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất đối với ngành thang máy Việt Nam.
Còn đối với Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Việt Nam hiện đã có 30 TCVN về thang máy, thang cuốn và băng tải chở người. Trong đó, hai tiêu chuẩn mới nhất là TCVN 6396-20:2017, Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – Thang máy chở người và hàng – phần 20: Thang máy chở người và thang máy chở người và hàng và TCVN 6396 – 50:2017, Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – Kiểm tra và thử nghiệm – phần 50: Yêu cầu về thiết kế, tính toán, kiểm tra và thử nghiệm các bộ phận của thang máy.
Hai tiêu chuẩn này được xây dựng theo bản quyền của Tiêu chuẩn Châu Âu, EN 81-20:2014 và EN 81-50:2014. Đây cũng là những tiêu chuẩn mới nhất của châu Âu về thang máy và là hai tiêu chuẩn phổ biến nhất, bao quát nhất của TCVN về thang máy cho đến thời điểm hiện tại.
Yêu cầu của các tiêu chuẩn này được cho là khá cao so với mặt bằng chung của môi trường công nghiệp thang máy Việt Nam nhưng một số nội dung của 2 tiêu chuẩn này cũng đã được viện dẫn, đưa vào QCVN 02:2019/BLĐTBXH.
Phân tích chi tiết hơn về hệ thống TCVN liên quan tới thang máy, theo ông Nguyễn Đức Hạnh, trong số 30 TCVN về thang máy, thang cuốn và băng tải chở người có 18 TCVN 6396 đưa ra những tiêu chuẩn an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy; 5 TCVN 7628 đưa ra tiêu chuẩn an toàn trong lắp đặt thang máy; 5 TCVN khác tập trung vào yêu cầu an toàn cho thiết bị thang máy và 2 TCVN đưa ra yêu cầu trong phương pháp thử nghiệm thang máy.
Có thể thấy, các TCVN này đang tập trung chủ yếu vào các tiêu chuẩn trong thiết kế, sản xuất và lắp đặt thang máy. Còn các hướng dẫn bảo trì bảo dưỡng trong quá trình vận hành và sử dụng lại chủ yếu dựa vào các tài liệu từ nhà sản xuất thang máy.
Tựu chung, hệ thống QCVN và TCVN hiện hành liên quan tới các quy định thang máy gồm bộ TCVN 6393:2017 (2020) Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy (gồm 18 TCVN) và QCVN 02:2019/BLĐTBXH – An toàn lao động đối với thang máy.
Viện trưởng VILEA nhận định: “Hiện các QCVN và TCVN liên quan tới thang máy đều đang tập trung chủ yếu vào các yêu cầu an toàn về thiết kế và lắp đặt – giai đoạn trước khi thang máy được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, các yêu cầu về an toàn trong quá trình vận hành và sử dụng thang máy lại chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ”.
Đứng trước những hạn chế trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thang máy tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hạnh đã trình bày về những sáng kiến trong xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở cho ngành thang máy Việt Nam – TCCS/VNEA do VILEA xây dựng, VNEA chủ trì hoạch định.
Theo đó, TCCS là một phần của hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam. TCCS bao gồm các tiêu chuẩn do các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công bố để áp dụng trong các hoạt động của tổ chức đó. TCCS chỉ được áp dụng trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố TCCS và được áp dụng một cách tự nguyện.
Cụ thể với TCCS do VILEA xây dựng, TCCS vẫn tuân thủ hệ thống QCVN, TCVN hiện hành; đồng thời lấy TCVN làm gốc và bổ khuyết cho TCVN, phù hợp với đặc thù văn hóa và khả năng phát triển công nghệ trong nước.
TCCS không chỉ tập trung vào các yêu cầu an toàn trong giai đoạn sản xuất và lắp đặt mà cả trong quá trình sử dụng, tổ chức vận hành, bảo trì sửa chữa.
Viện trưởng VILEA cũng cho biết, bộ Tiêu chuẩn TCCS do VILEA và VNEA xây dựng dự kiến gồm 4 tiêu chuẩn chính với các nội dung:
• Yêu cầu về an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì sửa chữa thang máy – Tập trung vào tuổi thọ linh kiện, thiết bị.
• Yêu cầu về kỹ năng nghề thang máy – Tập trung vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề
• Yêu cầu về định mức lao động trong bảo dưỡng sửa chữa thang máy – Tập trung vào định mức lao động
• Yêu cầu về tiêu chuẩn vật tư, phụ tùng thay thế trong bảo trì thang máy – Tập trung vào định mức vật tư, phụ tùng.
Trong đó, bản dự thảo cho tiêu chuẩn cơ sở thứ nhất – TCCS 01:2023/VNEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” hiện đã hoàn thành và đang xin ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và doanh nghiệp, tổ chức thang máy.
Với tiêu chí lấy thang máy làm cốt lõi, người sử dụng thang máy làm trung tâm, TCCS hướng tới giải quyết các vấn đề của các bên liên quan khác trong việc bảo đảm an toàn thang máy: chủ sở hữu, người sử dụng, cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất và các công ty dịch vụ thang máy.
Chẳng hạn như, việc TCCS tập trung xây dựng các tiêu chuẩn trong quá trình vận hành và sử dụng sẽ giúp đảm bảo người dùng thang máy sử dụng đúng cách, đảm bảo an toàn.
Tiếp đến là chủ sở hữu hay cơ quan quản lý nhà nước, TCCS sẽ là cơ sở quan trọng, hữu ích để thiết lập ngân sách và mức giá cho việc bảo trì, sửa chữa cũng như tổ chức các bộ phận quản lý và vận hành thang máy đúng cách.
Bên cạnh đó, đây cũng là nền tảng để nhà sản xuất cũng như các công ty dịch vụ thang máy lập sổ tay tài liệu liên quan và hướng dẫn vận hành thang máy cũng như lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Đánh giá về sáng kiến TCCS từ VNEA, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương Graham Worthington cũng đánh giá cao những sáng kiến và nỗ lực của VILEA cũng như VNEA trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn thang máy tại Việt Nam. Ông cũng hy vọng, bộ TCCS sau khi hoàn thành có thể nhân rộng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác.
Thông qua hội thảo, VNEA cũng như VILEA cũng đã thu nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp, chia sẻ từ các chuyên gia trong và ngoài nưóc về việc xây dựng bộ Tiêu chuẩn Cơ sở cho ngành thang máy Việt Nam – TCCS mà VNEA đã chủ trì hoạch định, giao cho VILEA tiến hành xây dựng.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật