TCTM – Sự tắc trách của cán bộ kiểm định sẽ trở thành nguyên nhân của những sự cố thang máy nghiêm trọng mà người dùng phải gánh chịu. Những tiêu cực trong hoạt động này cần những giải pháp mạnh tay để chuẩn hóa con người, tường minh trong xã hội hóa kiểm định.
Thang máy là thiết bị thuộc danh mục trong Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Dù là nhập khẩu hay sản xuất, lắp ráp trong nước, thang máy cũng cần đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật cũng như công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định.
Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng thang máy, thang cuốn trong các trung tâm thương mại, chung cư hay hộ gia đình ngày càng gia tăng. Do đó, việc đáp ứng yêu cầu kiểm định thang máy sẽ ngày càng khó khăn hơn nếu thiếu đi việc xã hội hóa công tác kiểm định.
Mục tiêu của việc xã hội hóa kiểm định là nhằm huy động các tiềm năng về khoa học kỹ thuật và đầu tư các nguồn vốn, trí tuệ của các tổ chức kiểm định trong và ngoài nước tham gia hoạt động kỹ thuật an toàn.
Tuy nhiên, một thực trạng hiện nay là nhiều đơn vị kiểm định thiếu chuyên nghiệp, không đủ nguồn nhân lực, vật lực vẫn tồn tại. Tính trung thực, khách quan trong công tác kiểm tra, kiểm định an toàn thang máy hiện nay cũng cần đặt ra nhiều dấu hỏi.
Chẳng hạn như, trong bài viết “‘Mất ăn, mất ngủ’ vì mua thang máy cả năm trời vẫn chưa kiểm định được” được chúng tôi đăng tải mới đây về trường hợp gia đình ông T., vào tháng 1/2023, dù phía gia đình viết ý kiến không đồng tình với kết quả kiểm định do thang máy vẫn còn nhiều vấn đề chưa được hoàn thiện ngay trong Biên bản kiểm định, nhưng ý kiến của gia đình lại không được ghi nhận, còn bị tẩy xóa và vẫn cấp tem kiểm định như thông thường.
Sau đó, vào hồi cuối tháng 4/2023, gia đình bà L. liên hệ với công ty kiểm định để phản ánh về việc thang máy liên tục phát sinh lỗi, thì phía đơn vị kiểm định đã tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy đã cấp trước đó.
Câu hỏi đặt ra, liệu có cần đánh giá lại công tác kiểm định của đơn vị kiểm định cũng như kiểm định viên này hay không khi mới cấp “đạt” thì chỉ trong 4 tháng sau lại thành “không đạt”?
Vì sao ý kiến của khách hàng trên Biên bản kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy lại bị tẩy xóa? Liệu đây có phải là sự “cố tình” giữa công ty thang máy và kiểm định viên?
Không ít trường hợp thang máy không được lắp đặt một số cảm biến/công tắc (cảm biến quá tải, cảm biến đóng mở cabin, công tắc cảnh báo chùng cáp governor,…) hay bị đấu tắt mạch an toàn khiến thang máy mặc dù vẫn hoạt động nhưng trở nên nguy hiểm.
Với những trường hợp này, nếu đơn vị kiểm định bỏ bớt công đoạn kiểm định, sử dụng kỹ thuật viên chưa đủ điều kiện tham gia kiểm định hoặc kiểm định viên không đúng chuyên ngành thì việc bỏ qua những thiếu sót kỹ thuật trên sẽ tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan sự cố thang máy đã xảy ra. Trong đó có vụ rơi vận thăng lồng đầu năm 2021 tại công trình thi công trụ sở làm việc của Sở Tài chính Nghệ An khiến 3 người chết, 8 người bị thương nặng. Nguyên nhân sự việc do công ty không có thẩm quyền kiểm định nhưng vẫn cung cấp dịch vụ kiểm định nên không phát hiện các lỗi của vận thăng và hậu quả thảm khốc đã xảy ra.
Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một số trung tâm không đủ nguồn nhân lực, vật lực vẫn được quyền hoạt động. Vào hồi tháng 9/2022, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn Hải Phòng đã bị Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ ra nhiều sai phạm.
Chẳng hạn như, trung tâm không có đủ ít nhất 2 kiểm định viên làm việc theo hợp đồng từ 12 tháng trở lên để thực hiện kiểm định đối với mỗi loại đối tượng nêu trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; kiểm định viên Nguyễn Tiến Hùng thực hiện kiểm định đối tượng ngoài phạm vi được phép kiểm định,…
Trong thời gian qua, những khoảng tối được coi là “luật bất thành văn” trong hoạt động đăng kiểm thiết bị xe cơ giới lộ dần sau những tiêu cực, sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm bị phơi bày.
Liệu không ít thang máy cũng được các đơn vị/cá nhân kiểm định cố tình “ngó lơ” các lỗi kỹ thuật một cách dễ dàng nhằm giữ chân khách hàng, cạnh tranh giữa cách doanh nghiệp kiểm định thang máy?
Hiện có rất nhiều bài báo phản ánh về việc thang máy không đạt chất lượng, liên tục gặp sự cố. Trong những ngày gần đây, liên tục có những bài báo liên quan đến việc nhiều người bị mắc kẹt trong thang máy do mất điện đột ngột. Câu hỏi đặt ra, hệ thống cứu hộ tự động (ARD) ở đâu? tại sao công tác kiểm định không phát hiện ra?
Phải chăng phía kiểm định không đủ năng lực, cẩu thả, làm cho có hay móc nối ăn chia với phía nhà thầu để qua mặt người tiêu dùng?
Theo thống kê, cả nước có khoảng 1.200 kiểm định viên và 186 tổ chức được chỉ định kiểm định các thiết bị thang máy, danh sách các tổ chức này được được đăng tải công khai trên website của Cục An toàn lao động http://antoanlaodong.gov.vn/.
Nếu không có xã hội hóa kiểm định như hiện nay thì sẽ rất khó để có thể quản lý số lượng lớn thang máy đang hoạt động và được lắp đặt mỗi ngày. Vấn đề quan trọng nhất là phải xử lý hậu kiểm và mạnh tay với những trung tâm kiểm định làm ăn gian dối, thiếu năng lực, trách nhiệm.
Xã hội hóa kiểm định đến đâu, công tác kiểm tra, giám sát cũng cần phải siết chặt tới đó để cho hoạt động này đi đúng đường ray của pháp luật, không xảy ra tiêu cực. Chế tài xử lý sai phạm cần phải có tính răn đe mạnh mẽ hơn nữa để minh bạch công tác kiểm định, chuẩn hóa con người, thiết bị và tường minh trong xã hội hóa.
Thậm chí, liệu pháp luật có nên quy định về việc trong khi kiểm định, một số công đoạn trong quy trình kiểm định cũng cần phải yêu cầu các video, ảnh chụp kèm theo để lưu hồ sơ, đối chiếu nếu sai phạm?
Song hành với công tác quản lý công tác kiểm định, người dân cũng cần phải tự tìm hiểu thêm kiến thức đa chiều về thang máy. Điều này giúp người dân có thể sử dụng thang máy đúng cách và giám sát các công việc liên quan đến thang máy như bảo trì, sử chữa, kiểm định,…
Ngoài ra, phía doanh nghiệp và nhân viên kiểm định cần phải nâng cao ý thức về năng lực, trách nhiệm, đặt mục tiêu đảm bảo an toàn kỹ thuật lên trên mục tiêu lợi nhuận khi được giao trọng trách đánh giá một phương tiện vận chuyển liên quan tới tính mạng người sử dụng. Dù là vô tình hay cố ý, việc để sót các lỗi sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng như các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng khác cần phải trở thành cầu nối giữa người dân, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, cơ quan chức năng để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi người dân nghi ngại về vấn đề an toàn trong kiểm định, bảo trì, sửa chữa cũng như hàng giả, hàng nhái,… trong lĩnh vực thang máy.
Cũng liên quan tới vấn đề thanh tra công tác kiểm định kỹ thuật an toàn, theo Kế hoạch Thanh tra năm 2023 được Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội ban hành tháng 11/2022, có nhiều đơn vị/doanh nghiệp hoạt động kiểm định, kinh doanh và sản xuất thang máy cũng nằm trong danh sách được thanh tra.
Trong trường hợp người dân, người sử dụng thang máy nghi ngờ chất lượng dịch vụ lắp đặt, kiểm định, bảo trì, sửa chữa,… có thể liên hệ Đường dây nóng Hiệp hội thang máy Việt Nam và Tạp chí Thang máy – Số điện thoại: 02473099868; Email: contact@vnea.com.vn hoặc contact@tapchithangmay.vn
Linh Phương
Thông tin mới cập nhật