TCTM – Những thay đổi về ưu đãi trong lực chọn nhà thầu và những hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu trong Luật Đấu thầu 2023 liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhà thầu thang máy khi tham gia đấu thầu.
Ngày 23/06/2023, Quốc hội đã ban hành Luật số 22/2023/QH15, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Luật Đấu thầu 2023 gồm: 10 Chương, 96 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024.
Dưới đây là Phần 2 nội dung tổng hợp, đánh giá một số điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 trên cơ sở so sánh với các quy định tại Luật Đấu thầu 2013 mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy cần biết. (Đọc thêm: Những điểm mới trong Luật Đấu thầu 2023 mà doanh nghiệp thang máy cần biết – Phần 1)
– Đối tượng được hưởng ưu đãi:
Luật đấu thầu 2023 bổ sung thêm đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm:
(i) Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam;
(ii) Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
(iii) Nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu;
(iv) Nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ;
(v) Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật;
(vi) Nhà thầu là doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số từ 25% trở lên.
– Các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu:
Luật Đấu thầu 2023 bổ sung thêm các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu so với Luật Đấu thầu 2013, bao gồm:
(i) Xếp hạng cao hơn cho nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong trường hợp nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi và nhà thầu không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được đánh giá ngang nhau;
(ii) Được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu;
(iii) Gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ tham dự thầu. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu.
– Hành vi thông thầu:
Bổ sung quy định về hành vi thông thầu như sau: “Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”. Nhờ đó tăng tính minh bạch trong công tác đấu thầu, có thể giúp hạn chế được tình trạng thông thầu.
– Hành vi cản trở:
Bổ sung quy định về hành vi cản trở như sau: “(i) Cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu; (ii) Có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng”.
– Hành vi không đảm bảo công bằng, minh bạch:
+ Bổ sung thêm quy định hành vi: “Nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 và khoản 2 Điều 48 của Luật này”.
+ Đối với hành vi: “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh”; so với Luật đấu thầu 2013, Luật đấu thầu 2023 đã bổ sung quy định các trường hợp bị loại trừ khi thực hành vi nêu trên, trong đó có 02 trường hợp sau Tập đoàn cần lưu ý khi lập HSMT:
(i) Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 03 hãng sản xuất cho 01 mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, giá thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này;
(ii) Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Trường hợp gói thầu thuộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 và đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ mời thầu được quy định về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa.
– Hành vi chuyển nhượng thầu:
Thay vì quy định cụ thể giá trị phần công việc thuộc gói thầu mà nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác như quy định tại Luật Đấu thầu 2013 (từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết) thì Luật Đấu thầu 2023 đã thay đổi, quy định về giá trị tối đa phần công việc thuộc gói thầu dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt đã nêu trong hợp đồng mà nhà thầu nhượng cho nhà thầu khác.
Theo đó, hành vi chuyển nhượng thầu là hành vi bị cấm, bao gồm:
(i) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt đã nêu trong hợp đồng;
(ii) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu chưa vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng nhưng ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất mà không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận;
(iii) Hành vi của Chủ đầu tư, tư vấn giám sát trong việc chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc quy định tại mục (i) hoặc chuyển nhượng công việc tại mục (ii) mà vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.
Doãn Hường
Thông tin mới cập nhật