TCTM – Luật Đấu thầu 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 với một số điểm mới so với Luật Đấu thầu 2013. Việc nắm rõ những điểm đổi mới này sẽ giúp các doanh nghiệp thang máy tham gia đấu thầu thực hiện đúng các quy định.
Ngày 23/06/2023, Quốc hội đã ban hành Luật số 22/2023/QH15, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Luật Đấu thầu 2023 gồm: 10 Chương, 96 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024.
Dưới đây là tổng hợp, đánh giá một số điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 trên cơ sở so sánh với các quy định tại Luật Đấu thầu 2013 mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy cần biết như sau:
So với Luật Đấu thầu 2013 thì Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung thêm đối tượng áp dụng là doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Do vậy, nếu thực hiện các dự án đầu tư, các công ty con do Tập đoàn, Tổng công ty (doanh nghiệp nhà nước) nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng thuộc đối tượng áp dụng của quy định này.
Trong nội dung về kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT), Luật Đấu thầu 2023 đã có những thay đổi, điều chỉnh, bổ sung so với Luật Đấu thầu 2013 tại các quy định như sau:
– Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu: KHLCNT phải nêu rõ thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu và thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu.
– Bỏ quy định về thời gian thực hiện hợp đồng, thay vào đó Luật đấu thầu 2023 đã bổ sung về thời gian thực hiện gói thầu như sau: “Thời gian thực hiện gói thầu được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày nghiệm thu hoàn thành công trình, hàng hóa (bao gồm cả dịch vụ liên quan, nếu có), dịch vụ phi tư vấn, tư vấn. Thời gian thực hiện gói thầu được tính theo số ngày, số tuần, số tháng hoặc số năm, không bao gồm thời gian hoàn thành nghĩa vụ bảo hành, thời gian giám sát tác giả đối với gói thầu tư vấn (nếu có).”
– Bổ sung quy định về việc “mua thêm” để chủ đầu tư có thể tùy chọn khi Chủ đầu tư xác định có khả năng mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn của gói thầu ngoài khối lượng nêu trong hợp đồng. Như vậy, để gói thầu có thể áp dụng tùy chọn mua thêm, khi lập và phê duyệt KHLCNT, Chủ đầu tư phải ghi rõ khối lượng, số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm trong nội dung KHLCNT.
Phương thức lựa chọn nhà thầu đã quy định thay đổi về các trường hợp áp dụng, chi tiết tại các nội dung sau:
– Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ: Luật Đấu thầu 2023 không giới hạn quy mô của các gói thầu, trừ trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.
– Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ: Luật Đấu thầu 2023 quy định đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.
– Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ: Theo Luật Đấu thầu 2023 quy định đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu tại thời điểm tổ chức đấu thầu. Trong khi đó, Luật Đấu thầu 2013 quy định Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô lớn, phức tạp.
Các thay đổi về bảo đảm dự thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng được thể hiện qua 2 nội dung chính bao gồm:
– Trước đây, Luật Đấu thầu 2013 quy định thương thảo hợp đồng là bước bắt buộc đối với tất cả các gói thầu thuộc trường hợp đấu thầu rộng rãi, hạn chế. Theo Luật Đấu thầu 2023, thương thảo hợp đồng là bước bắt buộc đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cung cấp dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu quốc tế, gói thầu hỗn hợp và gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, trường hợp cần thiết, bên mời thầu có thể thương thảo hợp đồng với nhà thầu xếp hạng thứ nhất.
– Luật Đấu thầu 2023 cũng không còn quy định riêng cho chào hàng cạnh tranh theo thủ tục rút gọn.
– Luật Đấu thầu 2023 đã luật hóa các quy định liên quan đến việc đấu thầu qua mạng bao gồm lộ trình, các nội dung lựa chọn nhà thầu thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thay vì quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/05/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo đó, từ ngày 01/01/2025, áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của Chính phủ.
– Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đấu thầu, Luật đấu thầu 2023 đã hoàn thiện quy định về hợp đồng theo hướng: Phân biệt rõ các trường hợp áp dụng loại hợp đồng với nhà thầu. Theo đó, ngoài các loại Hợp đồng: Hợp đồng trọn gói, Hợp đồng theo đơn giá cố định, Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Hợp đồng theo thời gian, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung thêm một số loại hợp đồng trên cơ sở thực tiễn bao gồm: Hợp đồng theo chi phí cộng phí, Hợp đồng theo kết quả đầu ra, Hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm, Hợp đồng hỗn hợp.
– Đối với hợp đồng trọn gói, Luật Đấu thầu 2023 cũng đã bãi bỏ quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản.
– Bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện hợp đồng. Theo đó, Điều 69 Luật Đấu thầu 2023 quy định các bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, bảo đảm trung thực, hợp tác và đúng pháp luật, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
– Bổ sung quy định về các trường hợp sửa đổi hợp đồng thay cho nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng đã được quy định tại Luật Đấu thầu 2013. Theo đó, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung quy định như sau: Nội dung sửa đổi hợp đồng có thể bao gồm: khối lượng, tiến độ, giá, áp dụng tùy chọn mua thêm và các nội dung khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết trừ trường hợp việc thay đổi giá hợp đồng, khối lượng và nội dung khác đã được quy định trong hợp đồng đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
(i) Không vượt giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp dự toán gói thầu được phê duyệt sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì không vượt dự toán gói thầu;
(ii) Không vượt thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng;
(iii) Phương pháp, công thức, hạng mục và các nội dung cần thiết để điều chỉnh đã quy định trong hợp đồng thì các bên không phải ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng.
Như vậy, theo Luật Đấu thầu 2023 việc sửa đổi hợp đồng liên quan đến giá hợp đồng áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng thay vì quy định việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ được áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian như quy định tại Luật đấu thầu 2013.
Đọc thêm:
Những điểm mới trong Luật Đấu thầu 2023 mà doanh nghiệp thang máy cần biết – Phần 2
Doãn Hường
Thông tin mới cập nhật