TCTM – Thay vì tư duy muốn làm mọi thứ và khổng lồ, những công ty này lại lựa chọn đi theo hướng tập trung và chuyên môn hóa sâu hơn trong lĩnh vực và sản phẩm cốt lõi của mình.
Để nhắc tên các thương hiệu xúc xích nổi tiếng có lẽ là điều dễ dàng đối với nhiều người, thế nhưng, để kể tên nhà sản xuất các nút kim loại dùng để buộc hai đầu xúc xích thì chắc hẳn lại là một câu hỏi khó khăn.
Trong khi nhiều công ty đổ xô vào sản xuất xúc xích và các chế phẩm từ thịt, thì Công ty Poly-Clip System ở thị trấn Hattersheim (Đức) lại dành hơn trăm năm hoạt động của mình để nghiên cứu và sản xuất các nút kim loại cũng như các giải pháp đóng gói khác cho sản phầm xúc xích và các chế phẩn từ thịt.
Bạn thử nhẩm tính: 1 chiếc kẹp kim loại thì nhỏ, nhưng 1 chiếc xúc xích hay 1 túi xúc xích thì cần bao nhiêu cái kẹp ghim? 1 công ty thì sản xuất bao nhiêu chiếc xúc xích và 1 quốc gia thì có bao nhiêu công ty sản xuất xúc xích,… và nhìn rộng hơn thì cả thế giới có bao nhiêu quốc gia.
Sẽ thế nào nếu bạn là “nhà vô địch” về một sản phẩm kẹp kim loại nhỏ xíu như vậy với quy mô cả thế giới?
Và đây cũng chính là câu chuyện thành công của Poly-Clip System, với việc lựa chọn sản phẩm cốt lõi là chiếc kẹp kim loại tưởng chừng như nhỏ xíu đã giúp doanh nghiệp này trở thành nhà dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực đóng gói thực phẩm, tạo ra gần 90% doanh thu bên ngoài nước Đức và phân phối độc quyền tại 145 quốc gia trên toàn thế giới.
Câu chuyện về Poly-Clip System – một doanh nghiệp với hơn một trăm năm nghiên cứu và sản xuất các giải pháp kẹp kim loại đóng gói cùng 800 bằng sáng chế – gợi đến nhiều suy nghĩ về thành ngữ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đã được người xưa đúc kết, ghi nhận sự thành công của những người tinh thông trong công việc của mình.
Chiếc kẹp kim loại buộc hai đầu xúc xích chỉ chiếm khoảng 1% giá thành của một chiếc xúc xích nhưng lại là sản phẩm cốt lõi tạo nên thành công của Poly-Clip System
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” không chỉ là câu chuyện thành công của Công ty Poly-Clip System, có rất nhiều công ty khác trên thế giới chỉ chọn một hoặc một ít sản phẩm để tập trung vào tăng cường chuyên môn, chất lượng và dựa trên đó để mở rộng rồi ôm cả thị trường trong nước, châu lục rồi cả thế giới.
Những công ty ấy được Hermann Simon – một trong 20 nhà tư tưởng quản lý hàng đầu thế giới, mô tả là “Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỷ XXI” trong một cuốn sách cùng tên.
Thuật ngữ “nhà vô địch ẩn danh” do Hermann Simon đưa ra nhằm chỉ những công ty nằm trong top 3 trên thị trường toàn cầu hoặc châu lục của mình, tương đương với 50% hay thậm chí 70 – 80% trên phân khúc thị trường. Nhưng điều đặc biệt là các công ty này có doanh thu dưới 4 tỷ USD và rất ít được dư luận xã hội biết đến.
Từ những tiêu chí trên, Hermann Simon đã xác định được tổng cộng 2.734 công ty thuộc loại này trên thế giới. Và một nửa trong số đó, tương ứng với 1.307 công ty có trụ sở tại Đức. Trong khi, con số này tại Mỹ là 336 công ty, Nhật Bản có 220 công ty,…
Để minh họa tính đa dạng và sự “ẩn danh” của những công ty này, hãy xem qua một số nhà vô địch ẩn danh từ những nước khác nhau và đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ở Iceland, những người thợ máy có chứng chỉ được mọi người gọi là “dân Baader” vì họ được huấn luyện trên hệ thống của Baader. Nhà cung cấp hệ thống chế biến cá hàng đầu thế giới, Baader chiếm tới 80% thị phần trong lĩnh vực này.
Đây là công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp trang thiết bị nội thất máy bay theo yêu cầu. Lantal nắm giữ 60% thị phần với 300 hãng hàng không quốc tế, trong đó có Boeing và Airbus là khách hàng của họ.
Có thể bạn không biết, nội thất trong những chiếc máy bay Boeing là sản phẩm của Công ty Lantal.
Hơn 50% thiết bị sưởi ấm trong các xe ô tô của chúng ta là do Hệ thống tự động W.E.T cung cấp, đây là công ty hàng đầu trên thị trường toàn cầu trong lĩnh vực này. Còn nếu bạn muốn ô tô của mình có thiết bị sưởi ấm điều khiển từ xa thì Webasto chính là nhà cung cấp số 1 trong lĩnh vực này.
Gerriets sản xuất phông màn và dụng cụ sân khấu cho nhà hát. Là nhà sản xuất duy nhất trên thế giới chuyên về phông màn cho sân khấu lớn, công ty này nắm giữ 100% thị phần trong lĩnh vực này.
Nắm tới 60% thị phần toàn cầu, Electro-Nite – một công ty của Bỉ – không chỉ là công ty số một thế giới chuyên cung cấp thiết bị cảm biến trong ngành luyện thép mà còn là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này tại hơn 60 quốc gia nơi họ hoạt động.
Khi uống Coca-Cola có thể bạn không nhớ tới tên Jungbunzlauer. Nhưng công ty có nguồn gốc từ nước Áo và Thụy Sĩ này lại là nhà cung cấp chất axit citric cho tất cả các lon Coca-Cola từng được sản xuất và được bán.
Đây là công ty Thụy Sĩ nắm đến 90% thị phần trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất bộ phận điều tiết bên trong những chiếc đồng hồ đeo tay. Và có bao giờ bạn nghĩ xem ai là người làm ra vòng ngoài (vòng bezel) của chiếc đồng hồ đeo tay không? Dẫn đầu thị trường này là Công ty Universo.
Các bộ phận điều tiết của đồng hồ đeo tay trên khắp thế giới – 90% là sản phẩm của Công ty Nivarox
Mặc dù không được nhiều người tiêu dùng để ý, nhưng các chất keo dán của Delo đã trở thành thứ không thể thiết trong nhiều lĩnh vực từ con chip gắn vào thẻ ATM tới một nửa số điện thoại cầm tay trên khắp thế giới. Hơn 80% thẻ điện tử trên thế giới sử dụng chất kết dính của Delo.
Tiền được in ở đâu? Ở De La Rue: Công ty của Anh này là nhà in lớn nhất và nhà sản xuất giấy an toàn lớn nhất thế giới, họ cung cấp tiền giấy cho hơn 150 quốc gia.
Thông qua một số nhà vô địch ẩn danh được kể trên, có thể thấy rằng họ có mặt trên khắp thế giới và hầu hết đều hoạt động ở “vùng sâu, vùng xa” của chuỗi giá trị. Các công ty này cung cấp những loại máy móc, thiết bị và quy trình sản xuất mà người tiêu dùng không nhận thấy được trong các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng.
Các dòng phanh của Mayr được nhiều hãng máy kéo nổi tiếng như Montanari, Ziehl-Abegg,… sử dụng. Trong hình, máy kéo của hãng thang máy Orona sử dụng phanh ROBA-duplostop của Mayr
Trong ngành thang máy cũng vậy, thường khách hàng cuối cùng chỉ biết tới những thương hiệu thang máy nổi tiếng như Otis, Orona, Thyssenkrupp hay Kone,…
Và nếu không phải là chuyên gia trong ngành, có lẽ bạn sẽ không biết tới những thương hiệu như Mayr (Đức), Warner Electric (Mỹ) hay Twiflex (Mỹ) – đây đều là những thương hiệu chuyên cung cấp các bộ phanh thang máy cho hầu hết các hãng thang máy trên toàn thế giới.
Máy kéo của thang máy cũng vậy, nhiều người tiêu dùng cuối sẽ không hề biết tới các thương hiệu máy kéo nổi tiếng đang được sử dụng trong chính chiếc thang máy mình đang đi hàng ngày là sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng trong ngành như Sicor (Ý), Ziehl-Abegg (Đức) hay Montanari (Ý).
Công ty Shimada Denki Seisakusho là một doanh nghiệp chuyên sản xuất nút bấm tại Nhật Bản, được thành lập từ năm 1933.
Và trong lần gần đây nhất đi thang máy, có thể những nút bấm trên bảng điều khiển thang máy mà bạn chạm vào chính là sản phẩm của Công ty Shimada Denki Seisakusho (Nhật Bản) – một công ty đã hoạt động 90 năm trong lĩnh vực sản xuất nút bấm thang máy, hoặc Công ty Schaefer (Đức) – một công ty sản xuất nút bấm thang máy và bảng điều khiển khác đã hoạt động gần 60 năm.
Vậy điều gì khiến những công ty này – những người nắm trong tay thị phần lớn – trở nên thành công dù không mấy người tiêu dùng hay các phương tiện truyền thông toàn cầu biết đến tên tuổi?
Chiến lược của họ rất đơn giản: chỉ làm một thứ, nhưng đó phải là thứ tốt nhất – “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Các nhà vô địch ẩn danh có thể nhỏ nhưng họ lại cạnh tranh trên quy mô toàn cầu bằng cách tạo ra những sản phẩm chất lượng, đẳng cấp thế giới thông qua việc giữ cho mình một tiêu điểm hẹp. Trọng tâm là yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược của một nhà vô địch.
Sản phẩm của các doanh nghiệp này tuy nhỏ – thậm chí là những linh kiện, thiết bị độc nhất, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và trong thế giới toàn cầu hóa vốn có nhiều người khổng lồ tầm cỡ toàn cầu thống trị, những doanh nghiệp nhỏ và vừa này lại xuất sắc để trở thành những “nhà vô địch ẩn danh”.
Thị trường càng lớn thì tính chuyên môn hóa càng cao và ngược lại, thị trường càng nhỏ tính chuyên môn hóa càng thấp. Khi nền kinh tế thế giới chuyển sang toàn cầu hóa các công ty sẽ phải chuyên môn hóa sâu hơn
Hầu hết các công ty đều bắt đầu với việc tập trung chuyên môn cao độ vào một loại hàng hóa dịch vụ hay thị trường nhất định nào đó. Sau khi gặt hái được thành công lớn, các công ty có nhiều động lực thúc đẩy mở rộng. Nhưng rồi, không ít trường hợp trở nên tệ đi do thiếu tính tập trung.
Các doanh nghiệp cứ mở rộng mãi sản phẩm của mình, cố gắng “ôm đồm” mọi thứ và rồi đánh mất tính hiệu quả cạnh tranh, rơi vào sự lúng túng khi quản lý một bộ sưu tập sản phẩm và dịch vụ quá phức tạp, và điều này không liên quan đến sản phẩm cốt lõi, khiến công ty cồng kềnh và đi chệch hướng.
Các nhà vô địch ẩn danh thì khác, họ lại đi theo hướng ngược lại, quay về với những sản phẩm cốt lõi của mình, tập trung tỏa sáng có trọng tâm như những tia laze trong nền kinh tế toàn cầu hóa. Thay vì tư duy muốn làm mọi thứ và khổng lồ, các nhà vô địch ẩn danh lại lựa chọn tính tập trung và chuyên môn hóa sâu hơn trong lĩnh vực, sản phẩm cốt lõi của mình.
Và đây cũng chính là cách thức chinh phục thế giới hiện đại của những “chú bé hạt tiêu” – những doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng luôn đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng – những nhà vô địch ẩn danh của nền kinh tế toàn cầu hóa.
Joachim Kreuzburg, Giám đốc điều hành của Sartorius
Joachim Kreuzburg, Giám đốc điều hành của Sartorius, một công ty chuyên sản xuất thiết bị thí nghiệm hàng đầu tại Đức cho biết: “Chúng tôi không cố gắng cạnh tranh trong một ngành kinh doanh béo bở. Chúng tôi chỉ cung cấp thiết bị cho những người đang cạnh tranh cho ngành kinh doanh đó”.
Và như thế, trong khi tất cả đang cạnh tranh ở những lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng thì các nhà vô địch ẩn danh lại ưu tiên đầu tư vào những thị trường ngách, các linh kiện thiết bị nhỏ nhất trong chuỗi cung ứng và trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình
Câu chuyện của những nhà vô địch ẩn danh trên thế giới cũng rất đúng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện tại. Thay vì tập trung nguồn lực hạn chế của mình vào những sản phẩm to lớn, hoành tráng thì các doanh nghiệp cần phải học cách điều chỉnh trọng tâm vào những sản phẩm cốt lõi và có tính chuyên môn hóa sâu hơn, phù hợp với tài chính và năng lực của doanh nghiệp.
Bài học rút ra chính là hãy đi thật sâu, tìm thứ gì đó mà bạn thực sự có thể trở thành người giỏi nhất thế giới và kiên trì với nó.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật