TCTM – Với tinh thần khai phá, mở rộng tầm mắt và phá bỏ giới hạn an toàn, những nhà khám phá xưa kia đã mở ra một trang mới cho lịch sử loài người. Và thế kỷ XXI sẽ ra sao nếu thiếu đi những Colombo thời đại mới khao khát khám phá vũ trụ?
Trong lịch sử nhân loại, một bộ phận lớn con người có niềm tin Trái Đất là mặt phẳng với thiên đàng ở trên và địa ngục ở dưới, mọi ngôi sao và Mặt Trời đều quay quanh Trái Đất. Một số nhà thiên văn học xưa kia cho rằng Trái Đất giống như chiếc đĩa nằm ngang. Kinh Thánh của người Do Thái thì quan niệm nó tựa như một mái vòm. Người Trung Quốc cổ lại coi Trái Đất hình vuông.
Với lối nhận thức ấy, rất nhiều người chấp nhận sống với hiện tại, loanh quanh với địa phận của mình và nỗi sợ hãi về đường chân trời của họ ngày càng lớn hơn. Họ sợ rằng nếu đi xa khỏi nơi quê hương xứ sở thì sẽ bị rơi ra ngoài Trái Đất.
Và khi đoàn thủy thủ của Cristoforo Colombo du hành qua đại dương vào năm 1492, chắc hẳn nhiều người cho rằng hẳn là ông ta đã đi tới chân trời, kết quả nhà hàng hải vĩ đại người Ý đã đặt chân tới châu Mỹ. Chuyến đi của Colombo cũng đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng Trái Đất này tròn. Không hề có cái gọi là nơi tận cùng của thế giới.
Tranh vẽ Cristoforo Colombo đến châu Mỹ
Dù tới được châu Mỹ do sự tình cờ, nằm ngoài chủ đích là đi tìm một con đường biển để tới châu Á từ hướng Tây, Colombo đã góp phần tạo ra một bước ngoặt lớn cho lịch sử của châu Âu, đồng thời mở ra trang sử mới cho châu Mỹ.
Với tham vọng chưa từng có cùng sự tham lam vô độ muốn khám phá và chinh phục đã khiến những người châu Âu thời ấy giương buồm đến những vùng đất xa xôi, chưa từng được biết đến. Một kỷ nguyên xâm chiếm và khai phá vùng đất mới của các cường quốc châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Vương Quốc Anh,… đã được mở ra.
Dù từng chìm trong đêm trường Trung Cổ, mọi vấn đề khó khăn của châu Âu lúc bấy giờ đã được giải quyết nhờ những cuộc phát kiến địa lý. Dân số ngày càng tăng không còn đáng lo ngại, sự khai phá tài nguyên, khoáng sản cũng giúp cho châu Âu trở nên giàu có và phồn thịnh.
Có thể thấy rằng, sau khi thoát khỏi tư duy bó buộc về quan niệm Trái Đất phẳng hay chỉ được phép đi về hướng Đông để tới phương Đông, từ năm 1492 đến năm 1914, người châu Âu đã chinh phục 84% thế giới, thiết lập nên các thuộc địa, mở rộng tầm ảnh hưởng của họ tới mọi lục địa có người ở và trở nên hùng mạnh như bây giờ.
Đây là câu chuyện lịch sử và chúng ta đang sống ở thời kỳ Trái Đất được quan niệm là hình phỏng cầu, tưởng tượng không gian vũ trụ bên ngoài Trái Đất là cái gì đó ghê gớm, mạo hiểm và mơ hồ. Chúng ta cũng giống như những con người ở thế kỷ XIII – XIV, đang sống trong những thành lũy của châu Âu và nghĩ rằng “đường chân trời” là nơi tận cùng của Trái Đất.
Chúng ta co cụm, bằng lòng sống với những gì đang có ở hiện tại. Tuy nhiên, “chiếc bánh” Trái Đất có thể phình to ra hay không khi con người đang ngày càng đẩy nhanh quá trình làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu và năng lượng vận hành của nó? Những lời sấm truyền về ngày tận thế của Trái Đất liệu có xảy ra và điều gì sẽ tới?
Trong khi đó, một số người như Elon Musk, Jeff Bezos hay Branson,… lại quyết định nhìn lên bầu trời và khám phá những cơ hội khai thác trong không gian vũ trụ rộng lớn ngoài kia. Không chỉ với tên lửa, ý tưởng đầy táo bạo về thang máy vũ trụ cũng được nhiều nhà khoa học nhen nhóm thực hiện bấy lâu nay.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, việc con người có thể bước vào không gian vũ trụ bằng thang máy là điều hoàn toàn có thể trở thành hiện thực
Tưởng tượng rằng chúng ta có một hệ thống cáp dẫn thẳng vào không gian. Không cần tên lửa, mà chỉ cần nhấn nút, bạn đã có thể du hành vào vũ trụ. Nó không chỉ thay đổi đáng kể cách con người rời khỏi Trái Đất, mà còn có thể hoàn toàn biến đổi mối quan hệ của con người với không gian.
Và biết đâu đó, họ – những người mang tinh thần Colombo của thế kỷ XXI, sẽ tìm thấy những châu Á, châu Mỹ hay châu Phi giàu tài nguyên trong không gian bao la ngoài kia như những gì các nhà khai phá trước đây từng thực hiện.
Trong một nỗ lực không ngừng nghỉ, các nhà khoa học, thiên văn học vẫn đang miệt mài tìm kiếm sự sống bên ngoài hành tinh Trái Đất thông qua nhiều phương thức khác nhau.
Chẳng hạn như mới đây nhất vào hồi cuối 2022, kính thiên văn Transiting Exoplanet Survey Satellite của NASA đã phát hiện một vài hành tinh có hệ hành tinh nhỏ xoay quanh, giống hệt Trái Đất. Điều đặc biệt là các nhà khoa học cho rằng chúng còn có điều kiện thích hợp để loài người sinh sống hơn cả Trái Đất.
Và nếu như có những “châu Mỹ, châu Phi, châu Á” bên ngoài không gian kia, liệu lịch sử “vượt biển di cư” sang những khu vực sinh sống mới có lặp lại?
Có rất nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng, con người chúng ta chỉ đang sử dụng khoảng 10% tiềm năng não bộ. Chúng ta không thể biết được tiềm năng tối đa của nó là bao nhiêu và chúng ta có thể làm gì khi sử dụng hết khả năng của bộ não. So với những sinh vật sống khác, con người có những sức mạnh phi thường.
Chúng ta có thể thả con tàu khổng lồ trên mặt nước, lái những chiếc máy bay trên không trung hay phóng tàu vũ trụ đưa con người vào vũ trụ. Con người có rất nhiều sự sáng tạo, kỹ năng và tiềm năng để có thể vượt mọi rào cản.
Tuy nhiên, rất nhiều người trong chúng ta lại lựa chọn vẽ nên một đường tròn xung quanh sự tồn tại của mình và làm mọi thứ trong vòng tròn này. Vòng tròn này còn được gọi là “vùng an toàn”.
Trong khi tư duy cố định khiến chúng ta mắc kẹt trong nỗi sợ thất bại, thì tư duy phát triển lại mở rộng khả năng có thể của bản thân. Vùng an toàn có thể được vẽ nên bởi sự sợ hãi, e ngại nhưng cũng có thể được hình thành bởi sự thỏa mãn cá nhân.
Sống cũng giống như khi ta đi xe đạp, hoặc là đạp xe liên tục để tiến về phía trước hoặc xe sẽ đổ khi ta dừng lại. Để bước ra khỏi vùng an toàn và phát triển tư duy cầu tiến, ta cần phải thừa nhận sự ngu dốt, yếu kém của bản thân và dám xóa bỏ nỗi sợ hãi, mạnh dạn tiến về phía trước.
Cuộc sống bắt đầu ở điểm cuối của vùng an toàn
Những câu chuyện lịch sử về Colombo hay những con người đang cháy bỏng với khao khát khám phá không gian của thế kỷ XXI đều gợi mở chúng ta về tinh thần khai phá, phá bỏ những giới hạn và bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Cuộc sống vẫn và sẽ luôn thay đổi, dù bạn có thay đổi theo nó hay không, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Không chỉ những bước nhảy vọt hay những điều vĩ đại mới giúp bạn có thể bước ra khỏi vùng an toàn, đi từng bước nhỏ sẽ giúp bạn tiến bộ hơn và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật