TCTM – Bão Yagi làm hư hại nghiêm trọng đến nhiều công trình xây dựng, trong đó thang máy cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Phòng ngừa và xử lý như thế nào?
Theo truyền thông Trung Quốc, tại một căn chung cư 9 tầng nằm ở thành phố Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc), ngày 6/9/2024, khi siêu bão Yagi quét qua nơi đây đã khiến hệ thống thang máy ngoài trời của căn chung cư chỉ còn trơ khung.
Theo người dân sinh sống tại khu vực này, thang máy ngoài trời của tòa chung cư trên bắt đầu lung lay do ảnh hưởng của gió bão từ tối 6/9/2024, sau đó, thang máy này đã hứng chịu gió cấp 13 trong khoảng 6 tiếng đồng hồ và hư hỏng hết toàn bộ phần vách thang máy.
Đến ngày 7/9/2024, khi cơn bão tiến vào Việt Nam cũng đã gây ra hư hại nghiêm trọng đến nhiều công trình xây dựng. Trong đó, tại Hà Nội – khu vực nằm trên đường đi của bão Yagi, cư dân tại nhiều chung cư cho biết thang máy bị rò nước nghiêm trọng.
Ngoài ra, mưa lớn cùng gió mạnh gây rò rỉ, xâm nhập nước vào nhiều ngôi nhà gây ra tình trạng thang máy bị ngập nước giếng thang, hư hỏng cũng xảy ra với thang máy gia đình của nhiều người dân.
Dù cơn bão đã qua đi nhưng trong những ngày tiếp theo tình trạng mưa lớn vẫn tiếp tục tại nhiều tỉnh thành ở khu vực miền Bắc, gây nguy cơ ngập lụt. Tình trạng nhiều thang máy bị hư hại cùng lúc cũng có thể gây chậm trễ cho công tác xử lý, sửa chữa từ đơn vị dịch vụ thang máy. Do đó, người dân có sử dụng thang máy, các tòa nhà chung cư, văn phòng cần lưu ý:
– Trang bị hệ thống cảnh báo ngập nước: Hiện nay đã có những công nghệ hiện đại như hệ thống cảnh báo ngập nước FDS (Flood Detection System). Nguyên lý hoạt động của các hệ thống này là khi có nước bị rò rỉ hoặc khách hàng quên không khoá van nước làm nước tràn vào thang máy thì hệ thống sẽ cảnh báo đến khách hàng, đồng thời tự động đưa cabin từ tầng thấp lên tầng cao hơn để tránh ngập nước, gây ra chập điện, rò rỉ điện.
– Đưa cabin thang máy lên tầng cao: Nếu không có hệ thống cảnh báo tự động thì người dùng cũng nên đưa cabin thang máy lên tầng cao ngay từ khi nước chưa ngập giếng thang. Người dùng nên đưa thang máy lên tầng cao nhất hoặc ít nhất là tầng 2 trở lên, giúp cabin lên càng cao khỏi mặt đất càng tốt để tránh bị ngập nước hoặc ẩm do hơi nước.
– Không sử dụng thang máy khi thiết bị đang ngập nước: Tuyệt đối không bấm nút gọi thang. Sử dụng thang máy trong lúc này không khác gì việc chúng ta tự làm hỏng thiết bị thang máy của chính mình và có nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân.
– Ngắt điện toàn bộ thang máy: Trước khi ngắt điện cần đảm bảo không còn ai ở trong cabin thang. Đây là động thái giữ an toàn cho thiết bị tránh bị sự cố chập, cháy điện khi mưa lớn, sấm chớp có thể ảnh hưởng dòng điện hoặc có nước xâm nhập.
Lưu ý: Một số thang máy được cài đặt chế độ cứu hộ tự động (ARD, SRS,…), cabin thang sẽ được đưa về tầng thấp nhất trong trường hợp bị cắt điện đột ngột. Trong trường hợp này, khi ta ngắt điện thang máy như hướng dẫn phía trên, thang máy sẽ tự động sử dụng nguồn điện dự phòng từ Bộ lưu điện UPS (Uninterruptible Power Supply) để đưa thang về tầng thấp nhất. Vậy nên, bên cạnh việc ngắt điện thang thì phải ngắt cả nguồn điện dự phòng (tắt cầu dao cứu hộ) để tránh tình trạng “thang máy ngập nước chết chìm” dù đã thực hiện phương án bảo vệ theo chỉ dẫn.
– Thực hiện hút nước ra khỏi cabin thang máy: Tránh để thang máy ngập nước quá lâu. Nếu cần thiết, hãy nhờ tới sự hỗ trợ của đơn vị bảo trì, bảo dưỡng thang máy để có cách xử lý kịp thời và chính xác nhất.
– Kiểm tra tình trạng thang: Sau khi nước rút, cần phải gọi nhân viên kỹ thuật thang máy đến kiểm tra toàn bộ thang trước khi đưa thang trở lại hoạt động bình thường.
Khi có hiện tượng nước ngập thang máy, người sử dụng/quản lý thang máy cần liên hệ bộ phận kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng thang máy đến xử lý và kiểm tra trước khi vận hành lại thang máy. Theo chuyên gia Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy, quy trình xử lý của bộ phận kỹ thuật sẽ gồm các bước:
Bước 1: Kiểm tra nguồn điện và các thao tác đã hướng dẫn người sử dụng (ngắt nguồn điện, đưa cabin lên cao, che chắn,…). Nếu người sử dụng chưa thực hiện thì thực hiện ngay lập tức.
Bước 2: Kiểm tra nguyên nhân, vị trí nước xâm nhập, hiện trạng giếng thang (ngập úng, ẩm ướt, đã khô ráo,…).
Bước 3: Xử lý nguyên nhân nước xâm nhập, rò rỉ; xử lý nước còn đọng, úng trong giếng thang.
Bước 4: Kiểm tra linh kiện (lau khô, sấy, hong khô tự nhiên,…).
Bước 5: Đo, kiểm tra linh kiện trước khi mở điện lại để vận hành (kiểm tra nguội).
Bước 6: Kiểm tra vận hành sau khi mở điện lại.
Khi thực hiện đầy đủ các bước trên sẽ giúp cho thang máy hạn chế tối đa những rủi ro trong mùa mưa, tiết kiệm không ít các chi phí sửa chữa và thay thế thiết bị hư hại, hao mòn do nước.
Vũ Dương
Thông tin mới cập nhật