TCTM – Chiều 8/6/2023, tòa nhà Keangnam Landmark 72 (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mất điện đột ngột. Sự cố này khiến thang máy tòa nhà đang di chuyển thì dừng đột ngột ở tầng 17 khiến nhiều người bị kẹt bên trong.
Qua video do người dân tại hiện trường sự việc quay lại, việc mất điện diễn ra đột ngột khiến nhiều người đang dùng thang máy bị kẹt trong buồng thang tại tầng 17. Đội kỹ thuật tòa nhà đã xử lý, kịp thời mở cửa đưa người dân ra ngoài an toàn.
Hình ảnh cắt từ video người dân quay lại, cabin thang máy dừng lơ lửng cách sàn tầng 17 khoảng hơn nửa mét. Đội kỹ thuật tòa nhà đã xử lý mở cửa, dùng ghế để người dân bước xuống, thoát ra khỏi cabin.
Các sự cố kẹt thang máy do mất điện đột ngột đang trở thành vấn đề nóng gần đây khi cả thang máy gia đình, thang máy chung cư đều liên tục xảy ra sự cố.
– Sáng ngày 3/6, một cháu bé 11 tuổi mắc kẹt trong thang máy do sự cố về điện tại nhà riêng của một người thân ở Nghệ An, sau đó đã được lực lượng chức năng giải cứu. Bị nhốt trong cabin thang máy tối và nóng bức, bé có dấu hiệu hoảng sợ.
– Ngày 4/6/2023, 2 vụ kẹt thang máy do mất điện đột ngột xảy ra tại Nghệ An khiến một nam thanh niên 28 tuổi bị mắc kẹt trong thang máy khi di chuyển từ tầng 1 lên tầng 4 của một khách sạn tại phường Trung Đô, ngay sau đó, thiếu niên 17 tuổi cũng bị kẹt trong thang máy tầng 3 của một Trung tâm Anh ngữ tại phường Trường Thi, TP Vinh.
– Chiều ngày 5/6/2023, sự cố kẹt thang máy do mất điện đột ngột xảy ra tại Hải Phòng khiến 4 người bị mắc kẹt. Khi được giải cứu, một người có biểu hiện khó thở, hiện sức khỏe cả 4 người đều bình thường.
– Sáng 7/6/2023, Đ.T.N (trú tại P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi đang di chuyển từ tầng 4 xuống tầng 1 bằng thang máy thì đột ngột mất điện, chị mắc kẹt trong thang máy và liên hệ đến quản lý tòa nhà nhưng phải 1 giờ sau chị mới được giải cứu ra ngoài.
Ngoài ra, có nhiều thông tin ghi nhận tại nhiều tòa chung cư, tòa nhà văn phòng khác tại Hà Nội trong những ngày qua cũng xảy ra tình trạng mất điện đột ngột khiến thang máy dừng bất ngờ khi đang di chuyển, những nơi này hệ thống cứu hộ tự động đã đưa thang máy về bằng tầng để người bên trong thoát ra ngoài an toàn, tuy nhiên, quá trình này cũng khiến người dùng có phần hoảng sợ.
Nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố kể trên đều là mất điện đột ngột trong thời gian cao điểm về cung ứng điện, nhiều địa phương cắt giảm điện một số khu vực nhằm đảm bảo an toàn vận hành lưới điện. Tuy nhiên, xét về các yếu tố kỹ thuật thang máy thì nguyên nhân dẫn đến việc kẹt thang máy là do tính năng cứu hộ tự động gặp trục trặc kỹ thuật (hỏng hóc, không đủ nguồn điện dự phòng,…).
Cụ thể, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các thang máy đều được yêu cầu trang bị bộ cứu hộ tự động (ARD – Automatic Rescue Device hoặc ERD – Elevator Rescue Device) cung cấp điện dự trữ cho hệ thống thang máy khi mất điện nhờ năng lượng dự trữ cho ác quy. Khi mất điện đột ngột, thiết bị tự cứu hộ này tự động cung cấp điện để đưa thang máy về tầng gần nhất và mở cửa cho người thoát ra ngoài. Tổng thời gian từ lúc mất điện cho đến lúc cửa mở ra chỉ ước chừng một phút và hệ thống ARD/ERD hoạt động trên một nguồn ắc quy dự phòng. Ngoài ra, còn cần hệ thống cứu hộ bằng tay trong trường hợp hệ thống cứu hộ tự động không hoạt động.
Do đó, dù là thang máy gia đình hay thang máy tại các tòa nhà công cộng, việc đảm bảo hệ thống cứu hộ tự động luôn sẵn sàng hoạt động là điều bắt buộc.
– Người sử dụng (chủ sở hữu với thang máy gia đình, cư dân tại các chung cư,…) cần yêu cầu thử nghiệm hệ thống cứu hộ tự động này trong tình huống giả lập mất điện đột ngột.
– Kỹ thuật viên bảo trì – bảo dưỡng chủ động thử nghiệm hệ thống cứu hộ tự động định kỳ theo thời hạn bảo trì (không quá 03 tháng/lần).
– Tương tự, kiểm định viên cũng bắt buộc phải thử nghiệm các tình huống giả lập sự cố có thể xảy ra.
Việc thử nghiệm các tình huống giả lập không chỉ đảm bảo hệ thống cứu hộ tự động sẵn sàng sử dụng mà các thiết bị khác như đèn chiếu sáng khẩn cấp và quạt thông gió vẫn phải hoạt động khi mất điện nhờ hệ thống ắc quy dự phòng để tránh trạng thái hoảng sợ.
Ngoài ra, để đề phòng trục trặc kỹ thuật bất ngờ, thang máy có thể trang bị thêm các tính năng cứu hộ, tính năng liên lạc khẩn cấp,… khác như:
– Nếu là thang máy thủy lực, trang bị thêm hệ thống cứu hộ chủ động SRS (Self Rescue System).
– Cuộc gọi nội bộ cần luôn sẵn sàng, ngoài ra có thể trang bị thêm tính năng cuộc gọi khẩn cấp Emcall (Emegency Call) để báo lỗi kỹ thuật về Trung tâm dịch vụ và chức năng liên hệ khẩn cấp (lần lượt gọi đến 5 số điện thoại bao gồm trung tâm cứu hộ và người thân).
– Trang bị thêm thiết bị cảnh báo nguồn điện dự phòng của hệ thống cứu hộ tự động không đảm bảo. Thiết bị này sẽ ra cảnh báo khi nguồn điện dự phòng cạn dưới mức có thể kích hoạt hệ thống cứu hộ tự động, từ đó người dùng chủ động bổ sung năng lượng.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong mùa nắng nóng, nguồn nhiên liệu thiếu ổn định như hiện nay, các gia đình có sử dụng thang máy cần lưu ý lịch cắt điện theo khu vực để dự phòng, dự kiến trong các khoảng thời gian có khả năng cắt điện thì tạm thời không sử dụng thang máy.
Các gia đình cũng có thể trang bị thêm máy phát điện hoặc nguồn dự trữ điện dự phòng khác đề phòng tình huống mất điện đột ngột, đáp ứng nhu cầu sử dụng các thiết bị khác trong gia đình và cả thang máy. Để thang máy có thể linh hoạt chuyển đổi nguồn điện từ nguồn định chính là điện lưới tòa nhà sang nguồn điện dự phòng từ máy phát điện, cần trang bị thêm thiết bị chuyển đổi nguồn điện ATS (Automactic Transfer Switch), thiết bị chuyên dùng để chuyển đổi nguồn tự động từ nguồn chính sang nguồn dự phòng khi nguồn chính có sự cố (mất pha, ngược pha, mất nguồn) và sẽ chuyển lại khi nguồn điện chính bình thường. ATS cũng có thể điều khiển chuyển nguồn bằng tay.
Đồng thời, việc bảo trì – bảo dưỡng thang máy cũng cần thực hiện định kỳ đúng theo quy định để đảm bảo các thiết bị an toàn của thang máy luôn sẵn sàng hoạt động trong tình huống bất thường. Sau mỗi lần bảo trì – bảo dưỡng thang máy, người dùng thang máy cũng cần kiểm tra các tình huống giả định mất điện để kiểm tra các tính năng an toàn ARD, đèn và quạt chiếu sáng khẩn cấp khi mất điện, hệ thống liên lạc Emcall, thiết bị điều chuyển nguồn điện ATS,…
Cùng với đó, đội ngũ kỹ thuật viên cứu hộ tại các tòa nhà, đơn vị dịch vụ thang máy hay lực lượng cứu nạn cứu hộ cũng cần được đào tạo, khi cứu hộ phải đưa sàn cabin về vùng mở cửa an toàn (bằng tầng hoặc cao/thấp hơn sàn tầng không quá 0,2m) để cứu hộ an toàn, cùng các biện pháp kỹ thuật khác để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người và hạn chế tác động hư hỏng thang máy.
Vũ Dương
Thông tin mới cập nhật
Trịnh Lệ
Bài viết rất hữu ích, kịp thời, phản ánh vấn đề nóng hổi trong thời gian gần đây.