TCTM – “Cá hay cần câu” là truyện ngụ ngôn mang triết lý sâu sắc về giải pháp bền vững thay vì cho những thứ chỉ trong ngắn hạn, trước mắt. Nếu suy rộng, cá hay cần câu đều rất cần cho sự phát triển của các doanh nghiệp hiện nay. Đó là việc các chính sách hỗ trợ cần liên tục được cập nhật, thay đổi để tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có ngành thang máy.
Một thanh niên đi câu cá, trên đường về gặp một người ăn xin đang đói lả. Anh bèn cho vài con cá với suy nghĩ sẽ giúp người đó vượt qua cơn đói nhất thời. Khi câu chuyện này được kể lại, bạn anh nói rằng nên cho cần câu thì sẽ tốt hơn với người ăn xin và họ cùng quay trở lại để làm việc thiện. Nhưng rồi sau đó, người ăn xin vẫn cứ ôm cần và đói lả như đã gặp hôm nào.
Một người khác nghe câu chuyện mới nói rằng, nếu chỉ cho cá, cần câu là chưa đủ. Cần dạy cả phương pháp, kỹ năng câu mới giúp được ông ấy. Thậm chí còn phải cầm tay chỉ việc từ dùng mồi gì, mắc lưỡi nào cho từng loại cá…Họ cùng kỳ vọng với những giải pháp liên tục được “cải tiến” của mình sẽ hỗ trợ được cho người ăn xin thiếu may mắn đã gặp.
Đó chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn nhằm đề cập đến một triết lý vô cùng đúng đắn: Cho sản phẩm cụ thể không bằng cho một giải pháp hữu ích!
Trên thực tế, những chính sách mà nhà nước đang thực hiện cũng giống như “cần câu” được ví von trong câu chuyện nói trên. Chúng dần được hoàn thiện qua từng giai đoạn để đáp ứng sự phát triển của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành thang máy để làm “điểm tựa”.
Đó là các chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp ổn định cơ cấu, phát triển sản xuất, tăng doanh số và lợi nhuận. Dân có giàu, nước mới mạnh và các doanh nghiệp có giàu, có phát triển mới đóng góp được cho đất nước, cho cộng đồng.
Như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động từ năm 2009 đã mang lại “làn gió mới” trong suy nghĩ và quyết tâm hành động của rất nhiều doanh nghiệp. Đây chính là “cần câu”, thúc đẩy thay đổi tư duy của thị trường, tạo điều kiện để những sản phẩm do bàn tay, khối óc của người Việt đến với người Việt. Nhưng như thế liệu đã đủ?
Người ta sẽ nói gì khi theo dõi kết quả đấu thầu các dự án mua sắm công từ Trung ương đến địa phương khi có đến hơn 99% số lượng thang máy nhập khẩu trúng thầu? Tại sao phía chủ đầu tư lại cài cắm các điều khoản để loại bỏ hàng sản xuất trong nước trong khi lẽ ra cần ưu tiên hỗ trợ hàng hóa trong nước theo chủ trương của đất nước?
Hay với ngành công nghiệp hỗ trợ được coi như xương sống cho nền công nghiệp, không ít những “cần câu – chính sách” đã được cung cấp nhưng thực tế lại chỉ mang “ý nghĩa động viên về tinh thần” do doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Cụ thể là ưu đãi về thuế trong Luật số 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Ưu đãi này dành cho các doanh nghiệp hỗ trợ được thành lập từ năm 2015 trở về sau nhưng trên thực tế số doanh nghiệp này rất ít. Chính vì thế, hiệu quả áp dụng đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gần như là rất nhỏ, chưa đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của những doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực này.
Và như thế, vô tình thì các chính sách cũng vẫn chỉ “nằm trên giấy”, cũng như có “cần câu” mà doanh nghiệp vẫn bị “đói”.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2021, có tới gần 55 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 18% so với năm 2020); 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 27,8%). Điều này đã cho thấy tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Gần đây, tác động của cuộc xung đột Nga – Ucraina đã làm đứt gãy một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho vận tải biển, càng ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, nhà nước cũng đã cung cấp “cá”, đó chính là tiền hỗ trợ trực tiếp cho những lao động tại các doanh nghiệp bị mất việc làm. Là cấp phát lương thực, nhu yếu phẩm cho các lao động yếu thế. Là thúc đẩy các tổ chức, cá nhân thực hiện các chiến dịch “giải cứu” hàng hóa cho doanh nghiệp…
Nhưng đó cũng sẽ chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời trước mắt. Điều mà doanh nghiệp cần sau “cơn ốm” và quá trình phát triển lâu dài, bền vững sau này chính là các “cần câu – chính sách”, môi trường đầu tư, sản xuất thiết thực, có chiều sâu và dễ đi vào thực tế.
Thứ nhất, doanh nghiệp rất cần những “cần câu” tạo động lực và môi trường phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Chẳng hạn những chính sách hỗ trợ lâu dài, minh bạch, bình đẳng về vốn phát triển sản xuất… vừa có tác dụng tạo điều kiện để các doanh nghiệp mới tham gia thị trường, vừa tạo bệ phóng để các doanh nghiệp cũ phát triển.
Thứ hai – Giảm chi nhân sách. Sự hỗ trợ của nhà nước không thể vô hạn. Không thể cấp mãi “cá” cho các doanh nghiệp khiến ngân sách cạn kiệt. Sự hỗ trợ rõ ràng có tác động rất tích cực để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển được. Nhưng về lâu dài, việc hỗ trợ có thể khiến doanh nghiệp ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách, dẫn đến một sức ì vô hình níu kéo danh nghiệp không thể “đứng vững trên đôi chân của mình” để phát triển. Như thế, sự hỗ trợ sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh vốn có mà còn góp phần làm “yếu” doanh nghiệp và tăng bội chi ngân sách. Bởi vậy, doanh nghiệp muốn “khỏe” lên thì phải chủ động hoạch định chiến lược phát triển phù hợp hiệu quả. Đó là các giải pháp từng bước giảm chi ngân sách, tăng cường xã hội hóa đầu tư, phát huy sự năng động của doanh nghiệp trong quá trình phát triển.
Thứ ba – Những hàng rào phi thuế quan phù hợp. Ở giai đoạn hiện nay, khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết đã “phá vỡ” biên giới cứng giữa các quốc gia. Thế giới trở nên “phẳng hơn”, đẩy thuế suất hàng hóa nhập khẩu về con số 0. Sự cạnh tranh là rất lớn. Theo các điều khoản FTA, chúng ta hoàn toàn có các “biện pháp tương đương” với hàng rào phi thuế quan, căn cứ vào tình hình thị trường, năng lực sản xuất để bảo hộ sản phẩm hàng hóa trong nước nhưng không vi phạm thông lệ quốc tế. Để có những hàng rào này mà vẫn tôn trọng các điều kiện FTA, rất cần tham khảo các nước trong khu vực và ý kiến của các hiệp hội nghề nghiệp để kết nối đến các bộ ngành liên quan xây dựng chính sách phù hợp, lâu dài…
Đối với ngành thang máy, đầu tiên chúng ta cần sự bình đẳng trong kinh doanh. Đa số doanh nghiệp nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam ngoài mục đích lợi nhuận hiện không có hoặc chưa có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững. Nhưng họ lại có thế mạnh về vốn, lợi thế chiến lược marketing, kỹ năng quản trị bài bản. Trong tình hình như thế, “cần câu” chính là quy định chặt chẽ các bước để các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam phải cam kết lộ trình chuyển giao công nghệ. Linh kiện, thiết bị nhập khẩu phải được kiểm tra giám sát theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ. …
Cùng với đó, bổ sung các quy định giám sát về chất lượng, bố trí tiền kiểm lâu dài đối với tất cả các loại thang máy nhập khẩu và sản xuất trong nước. Những năm gần đây, tốc độ xây dựng các TCVN vẫn còn thấp, đồng thời nhiều văn bản của các bộ, ngành chưa được sửa đổi, bổ sung, không theo kịp sự phát triển của công nghệ, thị trường. Nếu nâng cao được các tiêu chuẩn quốc gia và có các biện pháp áp dụng tiền kiểm chặt chẽ, chúng ta vừa hạn chế được những sản phẩm nhập ngoại có chất lượng không cao, vừa kích thích sản phẩm trong nước đạt tới chất lượng có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Động thái này cũng là động tác kiểm soát chặt chẽ chất lượng cả hàng ngoại nhập và sản xuất trong nước ngành thang máy, tạo sân chơi bình đẳng, công bằng và minh bạch…
Các thiết chế, chính sách tạo môi trường sẽ ngày một thuận lợi hơn, đó là điều chắc chắn. Đồng nghĩa với những “chiếc cần câu” trang bị cho doanh nghiệp sẽ tốt hơn để câu được nhiều “cá lớn”. Sẽ không chỉ là việc câu được cá mà vấn đề sẽ là câu cá nào ở những “đại dương” rộng lớn nào trong tương lai? Điều đó sẽ cần sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, vừa để thực hiện sứ mệnh của mình, vừa đóng góp trách nhiệm xây dựng chính sách để ngành công nghiệp thang máy phát triển và sự thịnh vượng của quốc gia./.
Lê Hùng
Thiết kế đồ họa: Trần Trung
Thông tin mới cập nhật