TCTM – Mặc dù các doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy luôn mong muốn tính đa dạng, cân bằng về giới thì đây là một vấn đề luôn tồn tại. Nhân lực nữ vẫn chiếm số lượng ít và gặp rất nhiều thách thức để phát triển sự nghiệp. Tại sao?
58% doanh nghiệp được khảo sát nói họ tuyển dụng nhân lực nữ cho các vị trí kĩ thuật như kĩ sư cơ khí, giám sát, người học nghề. 90% nói rằng nhân lực nữ có ở một vài vị trí lãnh đạo như quản lí, giám đốc, phó chủ tịch, giám đốc điều hành và chủ tịch.
Đối với các công ty có số lượng nhân viên từ 100 người trở xuống, các con số vẽ nên một bức tranh hơi khác. 45% sử dụng nhân sự nữ cho các vị trí kỹ thuật. 91% công ty cho biết phụ nữ chiếm chưa đến 1/10 lực lượng lao động tại công trình. 98% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tỷ lệ lãnh đạo nữ luôn nhỏ hơn 1/10 số lượng nhân sự ở công ty họ.
Con số thống kê cho thấy, các công ty nhỏ có tỷ lệ lao động nữ cao hơn các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, nó còn cho chúng ta những kết quả thú vị khác:
– Độ tuổi trung bình của một nhân viên nữ là 43 và 41% phụ nữ có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành.
– 13% phụ nữ đã được tuyển dụng thông qua học nghề hoặc thực tập, 31% thông qua các mối quan hệ gia đình và 49% thông qua các chương trình tuyển dụng truyền thống.
– 67% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết số lượng nhân viên nữ của họ đã tăng lên trong 10 năm qua và 69% cho biết họ có kế hoạch tuyển dụng thêm phụ nữ trong tương lai.
Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ là họ tạo chính sách để nhân lực nữ có cơ hội như nam giới khi xin việc, nhưng đơn giản là không có nhiều ứng viên nữ gửi hồ sơ. Bên cạnh đó cũng còn nhiều định kiến từ không ít doanh nghiệp khác khi coi trọng nam giới hơn. Các tổ chức này cần nỗ lực hơn nữa để trao quyền cho nhân viên nữ của họ và giúp họ lên được vai trò là người cố vấn, nhà lãnh đạo để phá vỡ định kiến.
Một số người được hỏi cũng chỉ ra rằng có một yếu tố thiên vị vô thức khi nói đến phụ nữ trong các vai trò kỹ thuật. Như với tất cả các nhóm ít được đại diện, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần tích cực tạo ra một nơi làm việc mà ở đó mọi người đều cảm thấy thoải mái và được chào đón. Một số người được hỏi nhấn mạnh rằng cần phải hướng tới một nơi làm việc công bằng hơn, mang lại sự cân bằng giữa công việc và gia đình, cũng như tạo ra các nguyên tắc, đào tạo và nói không với các hành vi thiếu tôn trọng, cùng với các chính sách không khoan nhượng đối với hành vi quấy rối. Cuộc khảo sát này cũng đã cho thấy là tỷ lệ nữ giới trong ngành đang tăng lên và dự kiến sẽ tiếp tục như vậy nhờ những nỗ lực đã được lên kế hoạch trong tương lai.
Theo một báo cáo về nhân khẩu học, 2% thợ máy thang máy ở Hoa Kỳ là phụ nữ. Độ tuổi trung bình của một thợ máy thang máy được tuyển dụng là 46, phổ biến nhất là người da trắng (72,3%), tiếp theo là người gốc Tây Ban Nha hoặc La tinh (16,8%) và người châu Á (4,2%). 5% các thợ máy thang máy được xác định thuộc LGBTQ(*).
Năm 2021, phụ nữ kiếm được 93% số tiền mà nam giới kiếm được trong ngành.
Mặc dù ngành thang máy nói riêng và ngành xây dựng nói chung được coi là nghề nghiệp điển hình của nam giới, nhưng vị trí kỹ thuật thang máy lại thu hút nhiều phụ nữ quan tâm đến điện tử, kỹ thuật và giải quyết vấn đề.
Một trong những phụ nữ đã mô tả tình huống này từ vị trí của nam giới, nhận ra thách thức mà các đồng nghiệp của cô ấy phải đối mặt.
“Khi bạn đang làm việc với một phụ nữ trong hố thang, bạn rất dễ cảm thấy không thoải mái. Họ có thể lo lắng về việc bị buộc tội vì làm điều gì đó không phù hợp, hoặc có lẽ họ không biết cách cư xử với đồng nghiệp nữ”
“Một số nam giới bị buộc tội quấy rối tình dục và những người khác sợ hãi điều đó xảy ra với họ”
“Các đồng nghiệp nam có thể cảm thấy ức chế trong công việc, luôn phải cẩn thận trong lời nói, lo lắng về những gì mình được và không được nói. Sẽ dễ dàng hơn cho chúng nếu không có những người phụ nữ làm việc cùng”
Không ít chia sẻ của nam giới kiểu như thế khi họ được hỏi về việc có các đồng nghiệp nữ tham gia cùng trong công việc.
Nhiều phụ nữ đã phải trải qua những định kiến đã hằn sâu trong văn hóa từ đồng nghiệp cũng như khách hàng. Tất cả họ đều đã từng có những tình huống bị coi là không được chào đón hoặc không phù hợp với công việc hiện tại. Một người học việc đã mô tả cách một khách hàng ngăn cản cô leo lên nóc toa thang máy, vì đó “không phải là chỗ dành cho phụ nữ”, mặc dù đây là công việc mà cô đã được đào tạo.
Một thợ cơ khí cho biết: “Để đạt được mức độ tin cậy và tự tin tương đương với một thợ máy nam, bạn phải làm việc chăm chỉ hơn gấp 10 lần”.
“Bạn phải liên tục chứng tỏ bản thân. Thông thường, một chàng trai có thể bắt đầu và nghiễm nhiên trở thành một phần của đội nhóm. Là phụ nữ, bạn bước vào và bạn là thành viên của một nhóm nhỏ ở chỗ này, một nhóm nhỏ ở chỗ khác, với bất kỳ ai là những người sẵn sàng dạy cho bạn một điều gì đó. Bạn thường cảm thấy như mình là người ngoài cuộc”.
Một thách thức khác mà phụ nữ chỉ ra là khó khăn để có được kinh nghiệm và mức độ đào tạo trong công việc giống như các đồng nghiệp nam của họ. “Thường thì bạn không có được trải nghiệm thực hành như các nam giới” một kỹ thuật viên nữ chia sẻ.
“Bạn phải liên tục chứng tỏ bản thân. Thông thường, một chàng trai có thể bắt đầu và nghiễm nhiên trở thành một phần của đội nhóm. Là phụ nữ, bạn bước vào và bạn là thành viên của một nhóm nhỏ ở chỗ này, một nhóm nhỏ ở chỗ khác, với bất kỳ ai là những người sẵn sàng dạy cho bạn một điều gì đó. Bạn thường cảm thấy như mình là người ngoài cuộc”.
“Tôi đang làm việc cùng với một nam học việc. Người này được hướng dẫn mọi việc trong khi tôi thì chẳng biết gì cả. Tôi tự hỏi, họ nghĩ tôi ở đây để làm gì – chỉ để cầm đèn pin thôi sao? Nhưng bạn phải thực sự cẩn thận về cách bạn phản ứng với những tình huống như thế. Bạn không muốn bị coi là khó tính và một người chỉ biết phàn nàn”.
Nỗi sợ bị coi là đồng nghiệp có vấn đề là điều mà tất cả những người được hỏi đều có. Tất cả họ đều đã có những tình huống mà họ chọn cách kìm nén những lời chỉ trích của mình, không muốn làm lớn chuyện.
“Khi tôi lên tiếng cho chính mình, tôi bị coi là ‘khó hợp tác’, điều đó thật không công bằng,” một thợ cơ khí nói thêm.
“Đây là kế sinh nhai của tôi và tôi cần phải học hỏi. Tôi cần các đồng nghiệp nam của mình dạy tôi những thứ giống như họ dạy một học viên nam. Mọi người cần phải hiểu rằng tôi đơn giản là một phụ nữ làm công việc này.”
Một học viên nữ khác đã tóm tắt tình hình một cách ngắn gọn:
“Tôi không ở đây chỉ để đủ chỉ tiêu về chủng tộc, tuổi tác hay giới tính. Tôi ở đây để học nghề. Tôi không muốn làm việc hai năm mà vẫn là người cầm đèn pin, nhìn người khác làm. Hãy để tôi học nó, sau đó để tôi thực hiện công việc của mình”
Tư vấn
“Rất nhiều phụ nữ cho rằng thang máy là một công việc khó khăn, nhưng nó thực sự không khó nếu bạn được đào tạo đúng cách và có sự hướng dẫn đúng đắn từ những người có kinh nghiệm. Bạn phải biết những gì cần tìm, cách đọc bộ điều khiển và cách làm việc an toàn. Lời khuyên của tôi luôn là dành thời gian để xem, lắng nghe và học hỏi”, một thợ cơ khí nữ giới chia sẻ.
“Cứ làm đi, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần để học hỏi” cô ấy nói thêm.
Ở Mỹ, có nhiều con đường để trở thành kỹ sư thang máy. Tuy nhiên, tất cả những người được phỏng vấn đều đồng ý rằng không có đủ thông tin về việc làm trong ngành. Một thợ cơ khí cho biết: “Rất nhiều người trẻ tuổi không biết họ có thể làm việc trong thang máy”.
“Các công ty phải nhắm mục tiêu vào các trường trung học và bắt đầu xây dựng lộ trình đến những công việc này. Không phải ai cũng đủ điều kiện học đại học vậy nên chương trình học nghề là một giải pháp thay thế tuyệt vời.”
Hiện nay, vấn đề bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở việc tuyển dụng đủ chỉ tiêu nhân lực nữ. Các công ty đang được yêu cầu quan tâm hơn đến trải nghiệm trong công việc, nhận biết khả năng, kinh nghiệm của nhân lực nữ để họ phát triển trong sự nghiệp của mình. Các công ty cần tuyển dụng và đề bạt nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí quản lý cấp cao. Điều này mang đến cơ hội cho các công ty tiếp cận tài năng mới và cũng đảm bảo công ty đạt một trong các tiêu chí của tiêu chuẩn ESG(**) đối tính bền vững của doanh nghiệp.
(*) LGBTQ+ là các chữ cái viết tắt của Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) và Queer (có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân)
(**) ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Hà My
Thông tin mới cập nhật