TCTM – Theo dòng lịch sử, tri thức của loài người luôn vận động và phát triển, những khái niệm mới cũng luôn được mở rộng. Có những điều có thể cách đây 100 năm chưa ai từng nghĩ đến nhưng hôm nay lại là một sự thật hiển nhiên. Định nghĩa về “nô lệ” có lẽ cũng bắt đầu được thay đổi.
Độc lập là quyền bất khả xâm phạm của một đất nước, một dân tộc bởi chính nhân dân sinh sống ở đó. Độc lập có thể hiểu là sự không phụ thuộc từ cá nhân, tập thể, xã hội, quốc gia hay dân tộc vào một cá nhân, tập thể, xã hội, quốc gia hay một dân tộc khác.
Theo đó, từ thuở xa xưa khi còn đi ngựa, chạy bộ, chỉ cần bảo vệ trọn vẹn địa phận của mình thì đã có thể hiểu là sự độc lập.
Khi loài người phát minh ra tàu bè thì các quốc gia phải tranh giành và phân chia đường biển, chủ quyền trên vùng biển của mỗi quốc gia được gọi là hải phận. Đương nhiên, chẳng ai quan tâm đến chủ quyền trên đầu của mình cho đến khi máy bay, tên lửa ra đời. Khu vực từng là “miễn phí”, không ai quan tâm lại được các quốc gia căng thẳng phân chia với nhau để tạo nên không phận. Khái niệm xâm lược hay độc lập cũng thay đổi dần theo thời gian ra đời của tàu chiến, máy bay theo cách như vậy.
Quay lại với cách tiếp cận về độc lập. Hãy tưởng tượng, bây giờ chúng ta bị ngắt kết nối internet, bị cấm vận, cấm nhập khẩu xăng dầu,… Chắc hẳn, mọi thứ sẽ trở nên rối loạn và vô cùng khủng khiếp. Khi đó liệu mọi người có lại yêu mến thời kỳ săn bắn hái lượm hoặc tự cung tự cấp hơn chăng?
Những vỏ bọc của hình thái nô lệ mới đã gần như trong suốt. Chúng ta có chịu “mở mắt” hay không mà thôi?
Sẽ không có gì là miễn phí. Sẽ không có gì là chỉ có lợi mà không kèm theo điều kiện hoặc mặt trái của nó.
Hãy cùng nhìn lại một số ví dụ trong lịch sử phát triển của con người.
Thời kỳ trước cách mạng nông nghiệp, con người sinh sống chủ yếu dựa vào săn bắt và hái lượm. Có vẻ họ rất khổ cực nhưng ngược lại họ rất tự do, nguồn thức ăn đa dạng từ các loại củ quả, động vật ngoài tự nhiên. Nhưng rồi họ phát hiện ra cây lúa mì và đã tìm ra những vùng đất phù hợp để canh tác. Điều này dường như đã giúp cho con người no đủ hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nhận ra rằng: con người đã phụ thuộc vào duy nhất một nguồn lương thực là lúa mì và họ có thể chết đói nếu vụ mùa bị mất. Hay chính sự quần tụ thành làng mạc để canh tác đã vô tình tạo điều kiện cho dịch bệnh khu trú thành các ổ, gây nên nhiều đợt dịch nguy hiểm. Điều này hiếm khi xảy ra trong thời kỳ săn bắt, hái lượm, du canh, du cư trước đây.
Bạn có chắc rằng “thế giới phẳng” ngày nay ưu việt hơn đời sống tự cung tự cấp trước đây?
Hay một ví dụ trong thời kỳ hiện đại. Những thiết bị y tế được cho các bệnh viện mượn miễn phí đã trở thành những cái bẫy lệ thuộc. Chúng ta không lạ gì với điều đó. Thực tế hiện nay, khoảng 98% số bệnh viện trên cả nước có sử dụng những thiết bị như vậy. Khi đó, để hoạt động thì máy buộc phải sử dụng hóa chất độc quyền của chỉ duy nhất một nhà cung cấp. Vì vậy, dù đơn vị cung cấp hóa chất độc quyền nâng giá, ép giá, hoặc lãnh đạo hai bên có sự thỏa thuận tiêu cực, thì bệnh viện vẫn phải chịu vì không thể lựa chọn loại hóa chất khác. Và tất nhiên, toàn bộ chi phí tăng sẽ trở thành gánh nặng với người bệnh, với cả quỹ bảo hiểm y tế. Cả người dân, bệnh viện và nhà nước đã trở nên lệ thuộc vào những hãng dược phẩm từ lúc nào.
Ngay như ngành thang máy cũng không ngoại lệ. Loài người trước đây có thể chạy nhảy tung tăng trên những nơi từ bờ cát, sườn đồi đến hẻm núi và họ thực sự tự do đối với tất cả các độ cao. Nhưng ngày nay thì sao? Họ rất sung sướng khi có thang máy nhưng cũng bị phụ thuộc vào nó. Sẽ như thế nào nếu nhà bạn ở tận tầng 40 nhưng thang máy hỏng mỗi khi đi làm về? Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất thang máy. Đột nhiên thang máy hỏng thì bạn phải móc hầu bao để mua linh kiện với giá không thể mặc cả vì linh kiện đã được mã hóa phần mềm tạo nên sự độc quyền hợp lý.
Chúng ta tưởng đã hoàn toàn khống chế được thiên nhiên, nếu trời nóng thì chúng ta làm mát bằng điều hòa hay chống lại gió bão, giá lạnh bằng những ngôi nhà hiện đại và kiên cố? Tất cả những tiện nghi hiện đại này đã xả ra rất nhiều khối khí CO2, tàn phá nhiều thảm xanh thực vật và triệt phá nhiều hệ sinh thái động vật. Và thực tế, đã bắt đầu thấy rằng ngôi nhà kiên cố kia vẫn không đủ sức để chống lại những thiên tai khủng khiếp do biến đổi khí hậu gây ra.
Vậy đấy, mọi thứ đều có cái giá của nó cả. Vấn đề là chúng ta lựa chọn cái giá nào cho phù hợp và đáng để đánh đổi hay phải dựa vào quy luật của tự nhiên để sinh tồn cùng vạn vật.
Để thức tỉnh, chúng ta cùng nhắc lại câu ngạn ngữ của người châu Âu: “Miếng pho-mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”.
Thoát bẫy hay sống cùng với bẫy?
Xu hướng hợp tác để chuyên môn hóa trong chuỗi kinh doanh toàn cầu là tất yếu. Khi đó, năng lực và lợi thế của từng khu vực, từng quốc gia sẽ được phát huy để đưa lại hiệu quả cao nhất cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự phụ thuộc lẫn nhau và điều gì sẽ xảy ra nếu một mắt xích “trở chứng” hay để tình trạng “độc quyền hóa” xảy ra và sức mạnh tập trung vào một quốc gia thì sẽ hết sức nguy hiểm cho hệ sinh thái. Vậy để giải bài toán hòa nhập nhưng không “lệ thuộc” như thế nào?
Thứ nhất, đó là phải khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh quốc gia và đa phương hợp tác. Mỗi quốc gia đều có vị thế địa chính trị và địa kinh tế riêng của mình mà quốc gia khác không có, đó chính là tiền đề để tìm ra những điểm mạnh, cơ hội cho quốc gia, vùng miền. Ngược lại, kéo theo đó là những điểm yếu, những thách thức cần nhận thấy rõ để khắc phục hoặc né tránh.
Ví dụ: Việt Nam có Vịnh Hạ Long với vẻ đẹp đặc biệt được công nhận là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới – một lợi thế riêng biệt. Do vậy, chúng ta phải tìm cách phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch ngày càng khác biệt để phát huy lợi thế cạnh tranh này chứ không học “nhái” theo quốc gia khác để rồi bị “lai căng” đánh mất sự khác biệt đó.
Thứ hai, mỗi quốc gia, khu vực đều có thế mạnh riêng. Tuy nhiên, đời sống của quốc gia đó không thể chỉ dựa vào duy nhất sản phẩm thế mạnh mà sống được. Do vậy, phải xây dựng nền tảng sản xuất cơ bản để đảm bảo được ổn định hoạt động của xã hội, bên cạnh đó phải phát huy tối đa năng lực lõi là nguồn đưa lại thu nhập chính cho quốc gia để phát huy năng lực cạnh tranh.
Ví dụ: Dubai là đất nước của dầu mỏ nhưng người dân không thể uống hay ăn chế phẩm dầu mỏ thay nước và cơm được. Hay Đài Loan không thể dùng chip, linh kiện điện tử thay bánh mỳ được.
Nếu họ chỉ dựa vào kinh tế lõi thì khi biến động thế giới xảy ra khủng hoảng thừa, chiến tranh, cấm vận,… thì nền kinh tế quốc gia sẽ bị khủng hoảng. Các nước châu Âu đang bị chặn nhập khẩu nguồn dầu từ Nga là một ví dụ, hay như gần đây, nền công nghiệp dệt may bị phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc đều bị khủng hoảng vì chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc.
Như vậy, để phục vụ đời sống quốc dân thì phải phát triển một số ngành thiết yếu cơ bản luôn chủ động đời sống trong nước song song với phát triển kinh tế mũi nhọn.
Thứ ba, xây dựng nền văn hóa quốc gia đề cao tinh thần tự tôn dân tộc, tự lực, tự cường.
Hãy nhìn sang Nhật Bản, chúng ta chứng kiến một đất nước đổ nát, hoang tàn sau thế chiến thứ 2. Đây cũng là quốc gia nghèo tài nguyên và chịu nhiều thảm họa thiên nhiên nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhưng Nhật Bản luôn nuôi dưỡng tinh thần dân tộc là dòng dõi của nữ thần Mặt trời phải là dòng dõi dẫn đầu. Điều đó tạo nên một Nhật Bản hùng mạnh hàng đầu, một tinh thần dân tộc mà bất kể dân tộc nào cũng phải ngưỡng mộ, học hỏi.
Chúng ta, những người Việt là con rồng, cháu tiên. Lịch sử Việt Nam kéo dài suốt 4000 năm đã chứng minh một chân lý: Không một xiềng xích nô lệ nào có thể khiến dân tộc ta phải cúi đầu!
Đừng để bị “thôi miên và lệ thuộc”. Đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta!
Sau những năm 2000, lĩnh vực thang máy mới phát triển mạnh với nhiều doanh nghiệp ngoại tấn công và chiếm lĩnh thị trường Việt. Từ hệ thống công đến người tiêu dùng cá nhân, chúng ta hân hoan chào đón những điều như thế bởi đất nước, nhân dân ta có điều kiện được hưởng thụ những sản phẩm, dịch vụ tốt đến từ những quốc gia phát triển. Nhưng đi kèm đó là những “thòng lọng vô hình” đang dần siết chặt vào cổ khách hàng Việt từ lúc nào không hay.
Ngay khi quyết định mua sản phẩm của một số hãng thang máy ngoại, khách hàng buộc phải sử dụng dịch vụ độc quyền về bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện của họ trong suốt vòng đời của sản phẩm. Những năm đầu tiên, khi thang máy hoạt động trơn tru, sẽ không có vấn đề gì lớn đối với khách hàng. Tuy nhiên, theo thời gian thì sự lão hóa và tần suất hư hỏng thiết bị linh kiện sẽ tăng dần, thang máy ngoại dù tốt đến mấy cũng sẽ đến lúc “đổ bệnh”. Những khoản chi phí cho “thuốc độc quyền” kể từ đây sẽ hành hạ ví tiền và thậm chí cả những yếu tố không thể mua được bằng tiền của khách hàng. Không ít những chung cư ở Hà Nội phải nằm chờ thiết bị độc quyền chính hãng được nhập khẩu để thay thế trong khi người dân phải khóc dở, mếu dở leo bộ hàng chục tầng mỗi ngày là một ví dụ.
Nói như vậy để thấy, vấn đề cuối cùng vẫn phải nhìn lại một cách nghiêm túc là độc lập, tự chủ trong thời kỳ mới, để thoát “ách nô lệ mới”. Đó phải là hiện thực hóa các chính sách phù hợp phát triển ngành công nghiệp thang máy nội địa từ lĩnh vực chính đến công nghiệp hỗ trợ. Là cơ chế chính sách đủ sự quan tâm đưa lĩnh vực thang máy vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Là phát huy cao tinh thần tự hào dân tộc, người Việt Nam ưu tiên dùng thang máy Việt Nam,…
Thay cho lời kết, xin trích dẫn câu danh ngôn của Maria Montessori: “Little children, from the moment they are weaned, are making their way toward independence” (tạm dịch: “Trẻ con, ngay từ khi cai sữa đã bắt đầu tiến về phía sự độc lập”).
Vậy chúng ta thì sao?
An Tuệ
Thông tin mới cập nhật