TCTM – Liên quan đến việc người phụ nữ 31 tuổi tại Đắk Lắk bị liệt cả 2 chân, buộc phải bỏ thai sau tai nạn rơi thang máy tại một cửa hàng, cơ quan công an đã đưa người này đi giám định thương tật.
Ngày 19/4/2024, Công an thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đã đưa Lê Thị Diễm Quỳnh (31 tuổi, trú xã Chư Kbô, huyện Krông Búk) – người phụ nữ bị tai nạn rơi thang máy khi đi mua hàng tại một cửa hàng gia dụng trên địa bàn đến Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk để giám định thương tật nhằm phục vụ quá trình điều tra.
Hình ảnh chị Quỳnh tại Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Báo Pháp luật)
Sau tai nạn rơi thang máy, chị Quỳnh bị liệt 2 chân, mất con sau vụ tai nạn rơi thang máy khi đi mua hàng (Ảnh: Uy Nguyễn).
“Phía cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào kết quả giám định để thực hiện tiếp các quy trình xử lý vụ việc này”, Thượng tá Nguyễn Danh Bằng, Trưởng Công an thị xã Buôn Hồ cho hay.
Theo đó, tai nạn rơi thang máy xảy ra vào ngày 14/7/2023, chị Quỳnh cùng chồng đến của hàng gia dụng C tại phường An Bình, thị xã Buôn Hồ để mua hàng. Tại đây, nhân viên tại cửa hàng hướng dẫn hai vợ chồng chị vào thang máy để di chuyển lên tầng 2 xem hàng. Khi thang máy di chuyển tới tầng 2 thì bất ngờ rơi với lực mạnh.
Theo mô tả của chị Quỳnh, thang máy tại cửa hàng C là “thang máy chuyên chở hàng, không chuyên chở người. Thang là thang cáp ròng rọc, không có cửa và điều khiển lên xuống bằng điều khiển cầm tay.”
Cũng theo chị Quỳnh, khi xảy ra tai nạn, chồng chị Quỳnh phản ứng nhanh nên chỉ bị đau lưng, không bị thương nghiêm trọng. Còn nhân viên của hàng bị gãy gót chân và gãy cột sống kín. Riêng chị bị thương nặng, liệt hai chi dưới và buộc phải bỏ thai hơn 6 tuần tuổi.
Giấy ra viện của chị Quỳnh (Ảnh: Uy Nguyễn).
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị Quỳnh được chẩn đoán liệt hai chân, phải mổ cấp cứu. Hồ sơ bệnh án của bệnh viện thể hiện, chị Quỳnh bị liệt, mất cảm giác hai chân từ đầu gối trở xuống, gãy xẹp thân sống L1, nẹp vít đốt sống.
Chị Quỳnh thông tin, khi thăm khám, bác sĩ phát hiện chị Quỳnh đang mang thai hơn 6 tuần tuổi. Tuy nhiên, do chị Quỳnh bị thương nặng, rơi từ độ cao xuống đất, dùng nhiều thuốc kháng sinh, thai nhi bị ảnh hưởng nhiều nên chị phải bỏ thai.
Sau vụ tai nạn, chị Quỳnh lo chữa trị thương tích đến nay đã gần một năm nhưng chị vẫn phải ngồi xe lăn, chưa thể đi lại được. Do phía chủ cửa hàng C. hứa sẽ đảm bảo quyền lợi cho chị nên gia đình chị Quỳnh không phát đơn khiếu nại.
Tuy nhiên, về sau, gia đình chị nhận thấy chủ cửa hàng C. không thực hiện như những điều đã hứa hẹn trong việc điều trị cũng như thiệt hại của chị nên tháng 1/2024, chị Quỳnh gửi đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân thị xã Buôn Hồ, đề nghị trưng cầu giám định mức độ tổn hại sức khỏe của mình và cầu cứu cơ quan chức năng.
Theo lời chị Quỳnh chia sẻ, khi vợ chồng chị bước vào thang máy có hỏi nhân viên cửa hàng thang máy có đủ tải trọng không thì được nhân viên cửa hàng khẳng định rằng thang máy đủ tải. Tuy nhiên, chị Quỳnh cũng cho biết đây là thang máy chuyên chở hàng chứ không phải thang máy chuyên chở người.
Những thông tin này cần được cơ quan chức năng làm rõ, tuy nhiên, qua sự việc này có thể thấy quyền được biết của người tiêu dùng đang không được đảm bảo.
Theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (QCVN) về an toàn lao động đối với thang máy, Điều 2 Quy định về Kỹ thuật có nếu:
Trong cabin phải gắn nhãn với các thông tin sau:
– Tên nhà sản xuất;
– Tải trọng định mức (tính bằng kilôgam);
– Số lượng người cho phép trong thang máy;
– Bảng hướng dẫn sử dụng thang máy, hướng dẫn xử lý trong trường hợp thang máy gặp sự cố.
– Số điện thoại liên hệ với người chịu trách nhiệm về hoạt động của thang máy.
Ngoài ra, thang máy cần có tem kiểm định thể hiện thông tin về thời hạn kiểm định (ngày kiểm định, ngày hết hạn kiểm định). Tuy nhiên, trong sự vụ trên có thể thấy người sử dụng đang không được đảm bảo về quyền được biết các thông tin này.
Do đó, người dân khi sử dụng thang máy tại các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, khách sạn, cửa hàng bán lẻ,… nên chủ động tìm kiếm các thông tin trên để xác định mức độ an toàn của thang máy, nếu nhận thấy các dấu hiệu không đảm bảo an toàn thì không nên sử dụng thang máy để tránh các tình huống xảy ra sự cố.
Ngoài ra, vì QCVN quy định các thông tin trên được dán trong cabin thang máy, tức khi bước vào cabin mới tiếp nhận được thông tin cũng có thể dẫn đến hạn chế quyền được biết một cách chủ động nhất. Việc sử dụng mã định danh thang máy với mã QR dán ngay tại cửa thang máy và bên trong cabin thang máy giúp người sử dụng dễ dàng tra cứu, nắm bắt các thông tin liên quan đến thang máy và đưa ra quyết định có bước vào thang máy hay không một cách chủ động hơn.
Ngoài ra, nếu nghi ngờ có vấn đề về chất lượng thang máy hãy báo với cơ quan chức năng hoặc phản ánh trên hệ thống mã định danh (nếu thang máy có gắn mã định danh).
Việc quét mã QR ngay từ cửa tầng có thể giúp người sử dụng chủ động nắm bắt thông tin và đưa ra quyết định sử dụng thang máy hay không
Các dữ liệu truy xuất từ mã định danh thang máy
Đọc thêm:
Minh Dương
Thông tin mới cập nhật