“Chỉ có kiên trì bền bỉ mới đem lại thành công cho doanh nghiệp”. Đó là lời chia sẻ mộc mạc nhưng sâu sắc của ông Trần Thọ Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP thang máy Thiên Nam khi chúng tôi gặp ông ở Sài Gòn trong một buổi sáng tháng 3. Doanh nhân ở độ tuổi 70 nhưng trẻ trung, phong độ đã “kể chuyện đời, chuyện người” về ngành thang máy với những khát vọng cháy bỏng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. HCM, Trần Thọ Huy về công tác ở bệnh viện Chợ Rẫy. Và tại đây, khi Nhật Bản chuyển giao hệ thống các thang máy cho bệnh viện này đã tạo cơ hội cho ông được tiếp cận, tìm hiểu.
Năm 1984, ông Huy chuyển đến làm việc tại Xí nghiệp Sửa chữa trang thiết bị nhà cao tầng, một xí nghiệp Quốc doanh trong đó có lĩnh vực thang máy. Việc tiếp cận kỹ thuật thang máy một cách có hệ thống từ sửa chữa, đại tu đã nhen nhóm ở người đàn ông này những khát vọng để nghiên cứu, sản xuất thang máy trong nước.
Từ 1987, với vài nhân sự trong đó phần đa là các chuyên viên lâu năm trong ngành thang máy tại Sài Gòn trước 1975, đã từ bỏ chiếc áo Quốc doanh chật chội để thành lập Cơ sở Tự động – Cơ sở đầu tiên ngoài Nhà nước sửa chữa, bảo trì cho các thang máy.
Đến tháng 4/1994, công ty CP thang máy Thiên Nam được thành lập. Khởi đầu có 42 nhân sự với việc kinh doanh chính là lắp đặt và bảo trì một số thang máy nhập khẩu. Sau vài năm thành lập, đội ngũ kỹ sư Thiên Nam bắt tay vào sản xuất các thang máy tải hàng phục vụ cho một số yêu cầu của các đơn vị sản xuất. Tiếp đó, Thiên Nam dần sản xuất các thang máy tải khách. Thiên Nam có may mắn trong thời gian ban đầu được lắp đặt, bảo trì nhiều hiệu thang của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp..nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Giai đoạn này, điều kiện trong nước còn rất hạn chế về vật liệu, vật tư, linh kiện. Để chế tạo tủ điện điều khiển, Thiên Nam phải cử người ra phố Huế (Hà Nội) lùng mua các linh kiện điện – điện tử cũ được nhập về theo đường “tàu viễn dương” từ cảng Hải Phòng…
Năm 2006, đối tác nước ngoài mua 15% cổ phần của Thiên nam để hợp tác phân phối và bảo trì sản phẩm. Qua đó, đội ngũ quản lý, kỹ thuật của công ty đã học hỏi, tiếp thu được nhiều điều hữu ích cho việc phát triển sản phẩm của Thiên Nam sau này.
Đến năm 2016, Thiên Nam mua lại cổ phần của đối tác nước ngoài và kiên định chỉ cung cấp sản phẩm do chính Thiên Nam sản xuất. Đó là một sự khẳng định bản lĩnh của doanh nghiệp thang máy Việt.
Gần 30 năm xây dựng, Thiên Nam đã trở thành doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất thang máy trong nước. Hàng nghìn thang với tỷ lệ nội địa hóa cao đã cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
CEO Trần Thọ Huy bên cạnh sản phẩm tủ điều khiển – trái tim của thang máy
do Thiên Nam nghiên cứu, chế tạo
Sự “lột xác” thần kỳ của Hàn Quốc để trở thành nước công nghiệp mới chỉ sau hai thập kỷ là một câu chuyện gây sửng sốt. Và nó đưa ra những gợi ý hết sức sâu sắc cho nhiều quốc gia tham khảo.
Năm 1961, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee quyết định tiến hành công cuộc công nghiệp hóa thần tốc thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ một số tập đoàn tư nhân, có nhiều tiềm năng. Các chính sách về vốn ưu đãi, bảo lãnh nợ nước ngoài…được Chính phủ Hàn Quốc chỉ đạo quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ đó mà Hàn Quốc nhanh chóng tạo ra những SamSung, Huyndai, LG…có tầm cỡ thế giới.
Chính những tổ chức kinh tế tư nhân này đã tạo nên khung xương sống cho nền công nghiệp Hàn Quốc. Chúng chính là các hạt nhân quan trọng, để dần tạo ra các hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ phát triển kéo theo. Những vòng tròn tăng trưởng liên tục được mở rộng để công nghiệp Hàn Quốc phát triển bền vững và tạo giá trị siêu lợi nhuận.
Quay trở lại câu chuyện của ngành thang máy Việt Nam. Những doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất hàng nghìn chiếc thang máy mỗi năm bằng sự tự lực, tự cường như Thiên Nam là rất hiếm hoi.
Chúng ta cần những cánh chim đầu đàn như thế để dẫn dắt, thổi bùng tinh thần tự tôn dân tộc, tự lực tự cường để thức tỉnh tinh thần quốc gia khởi nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Hải Đức mong muốn doanh nghiệp trong ngành sẽ luôn nuôi dưỡng khát vọng lớn – biến thành “ADN văn hóa doanh nghiệp”
Năm 2020, Brand Finance (công ty hàng đầu thế giới về cố vấn và định giá thương hiệu) đã xếp hạng Thương hiệu quốc gia của Việt Nam ở con số 319 tỷ đô la Mỹ, tăng 29% so với năm 2019. Đây là mức tăng trưởng cao nhất thế giới tại thời điểm đánh giá. Uy tín xếp hạng thương hiệu phụ thuộc rất nhiều vào sản phẩm, hàng hóa hay nói chính xác là năng lực và uy tín nền sản xuất của một quốc gia.
Điều này cho thấy các chính sách vĩ mô đã dành nhiều sự quan tâm, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực phát triển. Những “lồi lõm” trong các chính sách đã và đang được gọt bỏ dần để tạo hành lang thông thoáng, bằng phẳng cho các doanh nghiệp tăng tốc. Và đó cũng là sự kỳ vọng ở cấp độ vĩ mô của cả nền kinh tế.
Cuối tháng 3 vừa qua, VinFast (thuộc Tập đoàn VinGroup) đã ký một thỏa thuận sơ bộ để đầu tư 2 tỷ đô la Mỹ xây dựng một nhà máy sản xuất xe ô tô điện, xe buýt điện và pin xe điện tại bang North Carolina, Mỹ. Thỏa thuận này nhận được sự hưởng ứng của Tổng thống Mỹ Joe Biden và được ông chia sẻ trên Twitter vào ngày 30/3.
Một tuần sau đó, VinFast tiếp tục đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Nếu thành công thì đây sẽ là thương vụ IPO lớn đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ. Tầm vóc khát vọng của doanh nghiệp Việt không còn bé nhỏ như trước đây nữa.
Ngành sản xuất thang máy trong nước mới đang ở giai đoạn đầu. Sẽ còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, gian khổ cho các doanh nghiệp dấn thân. Nhưng sự bền bỉ, tự lực, tự cường và khát vọng lớn sẽ mở ra vô vàn cơ hội.
Chúng ta kỳ vọng thang máy Việt nhất định phải có chỗ đứng không chỉ ở thị trường nội mà sẽ có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những sản phẩm “Made by Vietnamese” (Tạo ra bởi người Việt Nam) sẽ hướng doanh nghiệp đến sân chơi toàn cầu hóa.
Sẽ không đơn thuần là vấn đề thương mại mà cao hơn nữa là sự khẳng định trí tuệ, bản lĩnh doanh nhân, sự tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam. Đồng lòng có khát vọng, kỷ luật và sự tự trọng ắt chúng ta sẽ thành công./
Hải Nguyên
Thông tin mới cập nhật