TCTM – Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều sự cố, tai nạn thang máy, nhiều người đặt câu hỏi: Khi xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người sử dụng thì trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về ai?
TRẢ LỜI: Căn cứ tại Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 29 sự cố, tai nạn liên quan đến thang máy. (Trong hình là sự cố thang máy chung cư HH Linh Đàm suýt “nuốt chửng” hành khách hồi cuối năm 2024).
Như vậy, khi xảy ra tai nạn thang máy, cần làm rõ ai là chủ sở hữu, ai là người được giao quản lý, vận hành,… đồng thời xác định lỗi của mỗi chủ thể đối với thiệt hại đã xảy ra. Nguyên tắc chung là ai có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm. Các đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm bao gồm:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của của chủ sở hữu công trình sẽ xảy ra khi thang máy thuộc diện sở hữu riêng của chủ đầu tư.
Đối với nhà chung cư, trường hợp này xảy ra khi chung cư không thuộc diện bắt buộc phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư hoặc có Ban quản trị nhưng thành lập tự phát và không theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 103 Luật Nhà ở, với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập ban quản trị nhà chung cư.
Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được tổ chức và hoạt động theo mô hình Hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc mô hình Ban chủ nhiệm của hợp tác xã, có tư cách pháp nhân, có con dấu và thực hiện các quyền, trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 104 của Luật Nhà ở.
Theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD (đã được sửa đổi, bổ sung), ban quản trị nhà chung cư có kinh phí hoạt động do chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp hàng năm trên cơ sở quyết định của hội nghị nhà chung cư; kinh phí này được ghi rõ trong quy chế hoạt động của Ban quản trị và được quản lý thông qua một tài khoản hoạt động của Ban quản trị… (khoản 6 Điều 17).
Như vậy, ban quản trị là một pháp nhân, với tư cách là người được giao quản lý công trình xây dựng đồng thời được giao quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, bảo dưỡng mà chủ đầu tư và cư dân đã đóng góp mà để công trình xây dựng hư hỏng, gây thiệt hại cho người khác, chẳng hạn như tai nạn thang máy, thì ban quản trị phải có trách nhiệm bồi thường cho các bên bị ảnh hưởng.
Theo điểm đ khoản 1 Điều 104 Luật Nhà ở, ban quản trị nhà chung cư có quyền ký kết hợp đồng với đơn vị có năng lực bảo trì nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và giám sát hoạt động bảo trì.
Việc bảo trì phần sở hữu chung có thể do đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư hoặc đơn vị khác có năng lực bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện.
Như vậy, nếu đơn vị bảo trì có lỗi trong việc thang máy hư hỏng thì đơn vị bảo trì phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.
Ngoài ra, nhà sản xuất và đơn vị cung cấp thang máy cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất, lắp ráp và cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật. Đơn vị cung cấp phải bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn trước.
Trong một số trường hợp, tai nạn có thể xảy ra do lỗi của nhà sản xuất thang máy chung cư. Nếu thang máy không đạt tiêu chuẩn về an toàn, dẫn đến sự cố rơi tự do, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thiệt hại cho các nạn nhân.
Theo khoản 3 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: Người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Căn cứ Điều 2 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
Ví dụ như thang máy đang được sử dụng bình thường, được bảo trì bảo dưỡng đúng quy định và không có dấu hiệu hư hỏng. Một trận động đất bất ngờ xảy ra, không được dự báo trước, khiến thang máy rung lắc nghiêm trọng và gây ra tai nạn. Trường hợp này là sự kiện bất khả kháng.
Ví dụ, thang máy được thực hiện bảo trì, sửa chữa và vận hành đúng theo quy định và không có dấu hiệu hư hỏng. Người đi thang máy vi phạm các quy định sử dụng thang máy như cố tình gây hư hỏng thang máy dẫn đến tai nạn. Trường hợp này lỗi hoàn toàn do người đi thang máy.
Người đàn ông Hàn Quốc dùng chân đạp tung, phá hỏng bảng điều khiển thang máy chung cư ở Sài Gòn. Sự việc xảy ra vào năm 2019.
Căn cứ Điều 590 của Bộ luật Dân sự, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm;
– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi trường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
BAN PHÁP CHẾ HIỆP HỘI THANG MÁY VIỆT NAM
Quy định mới nhất về hồ sơ nghiệm thu PCCC cho cửa, vách thang máy
Thông tin mới cập nhật