Đối với khá nhiều người, trong đó có không ít người làm công việc thiết kế kiến trúc, thang máy chỉ đơn thuần là phương tiện vận chuyển người và hàng hóa. Nhưng nhiều người khác lại nhìn nhận thang máy có “tầm cao” hơn thế. Họ quan niệm thang máy có tính cá nhân hóa rất cao và như vậy, thiết kế thang máy trong tổng thể kiến trúc ngôi nhà cũng có ngôn ngữ và tính nghệ thuật riêng, tạo thành các xu hướng kiến trúc mang đậm màu sắc văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới.
Xây dựng một chiến lược phát triển bền vững, lâu dài, Tập đoàn IGV của Italia chuyên về sản xuất thang máy đã dành vị trí trang trọng trong đội ngũ quản lý cốt cán của tập đoàn cho một nhà thiết kế nổi tiếng. Đó là nhà thiết kế Giulio Cappellini – được giao trọng trách Giám đốc Nghệ thuật Tập đoàn IGV, người đã được Tạp chí Time danh giá vinh danh. Ông được bình chọn là nhà thiết kế “định nghĩa thế hệ” và tạo ra xu hướng mới mẻ cho ngành thang máy. Trong một lĩnh vực mà trước nay chưa được coi trọng về mặt nghệ thuật, IGV Group đã lựa chọn nhà thiết kế đương đại với một mục tiêu rất cụ thể là làm nổi bật thương hiệu xuất sắc và là điểm tham khảo cho vũ trụ thiết kế, vẽ lên truyền thống lâu đời của sự đổi mới và chuyên môn. Những quyết định mang tính tiên phong này đã khiến IGV luôn được đánh giá là nhà sản xuất hàng đầu trong ngành công nghiệp thang máy.
Nhà thiết kế Giulio Cappellini
Bằng cách thúc đẩy sự kết hợp hoàn hảo giữa kiểu dáng và chức năng, Giulio Cappellini hướng đến việc biến thang máy thành một “kiến trúc năng động”, một vật thể mang tính biểu tượng và tinh tế, cộng hưởng với nội thất xung quanh. Không còn là một thiết bị đơn giản: “Thang máy sẽ trở thành hành trình trải nghiệm, được làm từ vật liệu, nước hoa, hình ảnh, ánh sáng,… tạo nên một khoảnh khắc đáng nhớ cho người dùng như đang khám phá cả thế giới.” Nhiều người coi Giulio Cappellini như một bậc thầy thổi hồn vào chiếc thang máy, để thang máy trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực thụ trong tổng thể kiến trúc của công trình, tạo cảm hứng cho hàng triệu người sử dụng thang máy.
Một thiết kế của IGV mà Giulio Cappellini là Giám đốc Nghệ thuật
Giờ thì thang máy đã trở thành một yếu tố cấu thành quan trọng trong thiết kế kiến trúc nội thất, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dùng về một cấp độ hưởng thụ cao hơn rất nhiều trong khi trước đó nhiều người chỉ coi thang máy như một phương tiện vận chuyển. Khoảng thời gian đứng trong buồng thang, người dùng thang máy chăm chú khám phá từng đường nét chạm trổ, họa tiết, hoa văn của không gian, và lúc này, thang máy cũng là một phần không gian sống của tòa nhà. Chính vì vậy, thiết kế nội, ngoại thất của thang máy đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình lựa chọn của người sử dụng.
Không gian cabin thang máy là một căn phòng thu nhỏ, nơi “giao tiếp” nhiều nhất của người sử dụng và thiết bị, nơi để kiến trúc sư thỏa sức sáng tạo. Bằng cảm xúc và sự sáng tạo của mình, nhà thiết kế tạo nên một nơi ẩn náu tĩnh lặng kết nối hài hòa với thiên nhiên bằng nghệ thuật – nơi mà các giác quan được khuếch đại, tiết lộ một thế giới đầy cảm xúc, trở thành cầu nối giữa quá khứ – hiện tại – tương lai, sự tương tác giữa con người và căn nhà,… Trong “một đại dương” môi trường như thế, người thiết kế được thỏa sức sáng tạo theo cảm nhận riêng của mình
Kiến trúc sư Marco Piva
Trong xu thế đó, sự kết hợp giữa ngành công nghiệp thang máy với Marco Piva – kiến trúc sư hàng đầu Italia, một đại diện của giới kiến trúc nội thất đã thổi hồn vào từng chiếc thang máy, giúp hệ thống thang máy “tỏa sáng” từ tính năng đến thẩm mỹ. Piva là một chuyên gia sáng tạo thực thụ, ông có một cách tiếp cận thận trọng điển hình của nước Ý đối với mọi thứ ông chạm vào, các giải pháp thiết kế của ông luôn mới lạ, có phong cách tự do và độc đáo. Việc Piva trở thành một nhà thiết kế thang máy đã giúp cải tiến vượt bậc nội thất bên trong chiếc thang, biến nó trở nên muôn hình vạn trạng bằng sự sáng tạo không ngừng nghỉ.
Một số công trình do Marco Piva Studio thiết kế
Các dự án đánh dấu sự nghiệp của Marco Piva có mặt tại nhiều quốc gia với nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới. Các thiết kế của Piva vừa bảo tồn nền lịch sử của di sản, vừa liên kết các phong cách kiến trúc xung quanh. Ra mắt trong thời kỳ đương đại nhưng những thiết kế này vẫn có sự cân bằng giữa cũ và mới trong mối quan hệ năng động của hình dạng, không gian và vật liệu. Nổi bật hơn cả, ON AIR – dự án tiên phong chiến lược cho một thế hệ mới đó là thang máy tương tác với khoảng không trong và ngoài cabin. Theo đó, thang máy đã trở thành một phần trong thiết kế kiến trúc nội thất đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dùng về một môi trường an toàn với công nghệ tiên tiến và vật liệu hiệu suất cao.
Sáng tạo dựa trên vật liệu, không gian, công nghệ, “ngôn ngữ” thiết kế thang máy tạo nên những phong cách khác biệt và độc đáo. Trong đó, một phong cách được nhiều người ngưỡng mộ là căn phòng Tatami Nhật Bản. Vào thời kì Heian (Nhật Bản), Tatami là tên gọi những tấm chiếu chỉ dành cho Thiên hoàng và các nhân vật quyền cao chức trọng. Với phong cách kiến trúc có diện tích căn nhà nhỏ, người Nhật luôn có xu hướng thiết kế nội thất tối ưu hóa công năng sử dụng trên một diện tích sinh hoạt. Từ đó xuất hiện phong cách nội thất Tatami được lấy theo tên loại chiếu truyền thống của người Nhật, cách tân cải tiến và thiết kế sao cho phù hợp với các điều kiện sống hiện đại. Ngày nay không chỉ riêng Nhật Bản mà rất nhiều nước châu Á và châu Âu cũng đã du nhập và sử dụng phong cách thiết kế nội thất Tatami.
Căn phòng phong cách Nhật Bản với những chiếc chiếu Tatami truyền thống
Chiếu Tatami luôn là một hình ảnh đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa của Nhật Bản. Hình ảnh người phụ nữ trong trang phục Kimono nhẹ nhàng di chuyển trên chiếc chiếu Tatami, rót trà mời khách và đàn hát. Hay hình ảnh người Nhật ngồi trên chiếu Tatami bên cạnh bàn sưởi Kotatsu để tiếp khách, để ngắm hoa. Hay thưởng thức trà đạo vẫn là những minh chứng cho thấy Tatami sẽ không thể biến mất và mãi trường tồn trong văn hóa và lối sống của người Nhật. Có một câu ngạn ngữ cổ ở Nhật Bản nói rằng: “Tatami giống như một người vợ”. Cũng như một người vợ, Tatami sẽ trở thành một trong những vật dụng có ảnh hưởng nhất trong cách sống của người Nhật. Các loại hình nghệ thuật truyền thống của xứ Phù Tang như trà đạo, cắm hoa, múa, nhạc cũng được thực hiện trong không gian của Tatami và từ lâu đã du nhập vào Việt Nam như một trào lưu văn hóa truyền thống bí ẩn nhưng mới mẻ, sang trọng.
Lấy cảm hứng từ căn phòng này, Tatami Lift – dòng thang máy mới đậm chất thơ của xứ sở mặt trời mọc vừa chính thức xuất hiện. Trong Tatami Lift, khi bước qua ngưỡng cửa, ta tiếp xúc với không gian đầy mê hoặc. Các bức tường và trần nhà được thiết kế bởi lưới gỗ, gợi nhớ về nghệ thuật, văn hoá trà đạo Nhật Bản. Phông nền được vẽ bằng kỹ thuật spatula, các chi tiết bằng đồng được đánh bóng mang lại vẻ sang trọng, trang nhã trong không gian ba chiều với những bông hoa anh đào trắng thanh khiết, huyền bí. Hiện đại, thiên nhiên và nền văn hóa cổ đại kết hợp với nhau tạo nên một thần sắc thơ mộng cho phương tiện di động theo chiều thẳng đứng. Tatami là cơ hội để các nhà thiết kế thang máy gửi gắm câu chuyện, là kết hợp tính năng của thang máy với trải nghiệm cảm xúc để tạo ra cảm giác yên bình và thư giãn trong nội tâm. Các nhà thiết kế Andrea Mamo và Lorena D’Ilio đến từ Italia đã kể một câu chuyện trên thang máy để tạo ra cảm giác yên bình và thư giãn trong nội tâm, như bước vào phòng trà của xứ sở Phù Tang…
Buồng thang máy phong cách Tatami được các kiến trúc sư Italia thiết kế
Ngôn ngữ và tính nghệ thuật được các kiến trúc sư gửi gắm vào các thiết kế đã giúp người dùng thang máy, trong đó có rất nhiều khách hàng Việt Nam được trải nghiệm các cung bậc của cảm xúc, như đang phiêu lưu trong thế giới nghệ thuật đa phong cách của các quốc gia khác nhau trên thế giới, lâng lâng trên những hành trình mới lạ bằng chính chiếc thang máy của gia đình mình… Tatami cùng ON AIR hay triết trung,… là những phong cách thiết kế thang máy, tuy khá mới mẻ nhưng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách hàng và cả giới yêu nghệ thuật. Giờ đây, khách hàng có cơ hội tận hưởng, thưởng thức các không gian nghệ thuật thay vì chỉ sử dụng những chiếc thang máy trong gia đình và các công trình khác.
Vũ Phượng
Thông tin mới cập nhật