TCTM – Ngay sau những tai nạn nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận thì nơi nơi lại tiến hành những cuộc kiểm tra, diễn tập,… Và với người tiêu dùng, một khi vụ việc lắng xuống thì mọi thứ tiếp tục đi vào quên lãng, mọi người lại trở nên thờ ơ, lơ là và ung dung “sống trên chông” và “đùa giỡn với bom”, cho đến vụ việc tiếp theo.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini phố Khương Hạ (Hà Nội) đêm 12/9 vừa qua đã khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương. Có thể nói, đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng trong vòng 21 năm qua kể từ vụ cháy tòa nhà ITC tại TP HCM khiến 60 người tử vong.
Một con ngõ nhỏ, xe ô tô không thể vào nhưng lại xây một tòa nhà chung cư mini cao 10 tầng (gồm 1 tầng hầm), mặt sàn chỉ 200m2, tổng diện tích sàn 2.000m2, nhưng có tới 45 hộ dân với khoảng 150 người sinh sống.
Những sai phạm của công trình chung cư mini phố Khương Hạ đã bộc lộ rõ nhiều kẽ hở trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi liệu có hay không sự làm ngơ, buông lỏng của một số bộ phận quản lý và cả nhận thức “tự phòng vệ” của người tiêu dùng.
Chung cư mini phố Khương Hạ, nơi xảy ra vụ cháy đêm 12/9/2023
Lại nhớ, cũng vào thời điểm này năm trước (tháng 9/2022) đã xảy ra một vụ hỏa hoạn thương tâm khác tại quán karaoke An Phú (Bình Dương) dẫn tới 32 người tử vong và 17 người bị thương. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, TP HCM và Hà Nội cũng như các địa phương khác đã tiến hành những chiến dịch thanh, kiểm tra đối với các quán karaoke, khu dịch vụ giải trí, kết quả là hàng loạt sai phạm đã được phơi bày.
Giờ đây, câu chuyện này lại diễn ra với chung cư mini. Không chỉ riêng Hà Nội, UBND TP HCM cũng đã chỉ đạo khẩn trương, tổng kiểm tra các công trình, dự án chung cư, nhà trọ trên địa bàn.
Quán karaoke An Phú, nơi xảy ra vụ cháy làm 32 người tử vong năm 2022
Những sự việc đáng buồn như vậy không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 2/2023 vừa qua khiến 50.000 người thiệt mạng cùng hàng chục ngàn tòa nhà đã đổ sập. Các công trình mới xây cách đây 6 tháng hay cả những toà nhà, căn hộ cao cấp đã dùng 20-30 năm, tất cả đều sụp đổ.
Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt hơn 110 người liên quan tới các tòa nhà sập, trong đó có nhà thầu, kiến trúc sư, kỹ sư. Các chuyên gia cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có các quy định để ngăn chặn một thảm họa như vậy. Thế nhưng, các thanh tra viên, quan chức địa phương cấp phép vô tội vạ cho những công trình chưa đạt chuẩn. Nhiều công ty xây dựng và nhà thầu bị cáo buộc thường xuyên rút ruột công trình hay sử dụng vật liệu kém chất lượng.
Những tòa nhà đổ sập ở Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 10/2/2023.
Có thể thấy, sau một tai nạn nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận thì nơi nơi tiến hành những cuộc kiểm tra, rà soát, diễn tập, ứng cứu,…
Và một câu chuyện đáng buồn hơn chính là, cứ mỗi khi vụ việc lắng xuống thì dường như mọi thứ lại đi vào quên lãng cho đến vụ tai nạn tiếp theo. Thật đáng tiếc khi những sự việc không được phòng xa, tính toán, kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” lại khá phổ biến.
Chúng ta cần có những giải pháp “căng cơ” hơn để đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống hiệu quả hơn. Khi ý thức “cong” thì phải có chế tài nắn thẳng lại; khi thiếu hụt kỹ năng ứng phó phòng cháy chữa cháy thì bản thân phải tự tìm hiểu và đồng thời các cơ quan, đơn vị chức năng phải có những khóa đào tạo kỹ năng, đổi mới và đẩy mạnh tuyên truyền…
Và khi độ nén dân số của đô thị ngày càng tăng thì việc di chuyển trường học, bệnh viện, công sở,… ra ngoại thành và thành lập các đô thị vệ tinh là cần thiết.
Chính phủ mới đây đã phê duyệt đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030
Theo thống kê từ Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và Hiệp hội Bất động sản TP HCM, 80% lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội và 90% lao động ngoại tỉnh ở TP HCM đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, do nhà ở xã hội vừa thiếu lại khó tiếp cận. Diện tích phòng trọ phổ biến ở mức 12m2, không đảm bảo các điều kiện sống cơ bản.
Tại TP HCM với 18 khu công nghiệp sử dụng ít nhất 320.000 lao động nhưng chỉ có 16 nhà lưu trú dành cho công nhân, đáp ứng chỗ ở gần 22.000 người. Hà Nội với 3 khu công nghiệp và các dự án nhà ở chỉ đáp ứng gần 20% nhu cầu của công nhân.
Và như thế, bài toán an cư cho người lao động bỗng chốc rơi vào tay tư nhân, mà chủ yếu là các hộ dân. Nhằm tiết giảm chi phí, tối ưu hóa lợi ích, tận dụng tối đa diện tích, các cá thể kinh doanh này đã không màng tới những nguy cơ nhãn tiền nhất là cháy nổ và những ẩn họa tiềm tàng khác.
Với cảnh đất chật người đông, bất động sản đắt đỏ, hàng triệu người đến những thành phố lớn để học tập, lập nghiệp vẫn phải lựa chọn đi thuê hoặc mua nhà giá rẻ và chung cư mini có lẽ là sự lựa chọn khả dĩ nhất trong điều kiện của họ.
Để hạn chế các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khác, những thay đổi trong chính sách, nhằm xóa bỏ những căn nhà không đảm bảo an toàn cho người lao động trở thành điều vô cùng cấp thiết, là những việc căn cơ.
Trên đây là những việc cần làm từ phía cơ quan chức năng, còn đối với mỗi người dân, chúng ta cũng cần tự mình xem xét các nguy cơ để phòng tránh tốt nhất trong khả năng có thể. Nhận thức “tự phòng vệ” của người sử dụng cũng cần phải nâng cao hơn nữa ngay từ khi quyết định mua sản phẩm hàng hóa.
Trước những quyết định, chúng ta cần thông minh và khó tính hơn. Thay vì chấp nhận những chung cư mini thiếu an toàn, khi cộng đồng đều từ chối những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thì nguồn cung cũng phải tự điều chỉnh, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu chung của người tiêu dùng hoặc không sẽ bị loại bỏ.
Khi người tiêu dùng trở nên khó tính hơn, phía nguồn cung cũng sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với cầu
Việc cộng đồng người tiêu dùng tự nâng cao tiêu chuẩn của mình, lựa chọn thông minh hơn không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn giúp cho thị trường thiết lập nên một “môi trường tự điều chỉnh” giữa cung và cầu.
Mọi vụ cháy đều có nguyên nhân trực tiếp từ chập điện, hàn xì, sự cố hệ thống thiết bị điện, sơ xuất bất cẩn khi sử dụng nguồn nhiệt,… và con người không hề vô can. Khi những quy định chỉ được thực hiện sơ sài, đối phó và hợp thức hóa bằng những “luật ngầm” từ trong suy nghĩ, hành động của chủ đầu tư, cơ quan quản lý và cả sự thờ ơ, dễ tính của người tiêu dùng thì những thảm họa tương tự vẫn sẽ tiếp diễn.
Có lẽ những vụ cháy chung cư mini, quán karaoke hay nhiều vụ việc đau lòng khác cũng chính là lời cảnh tỉnh trong công tác quản lý, sử dụng thang máy tại Việt Nam.
Sự gia tăng những vụ tai nạn, sự cố thang máy trong những năm qua cũng chính là hệ lụy của tình trạng buông lỏng quản lý từ khâu hợp quy, chứng nhận kiểm định tới sự lơ là trong bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thang máy hoạt động hiện nay, đặc biệt là tại các công trình nhà ở riêng lẻ, chung cư mini.
Hiện trường vụ rơi thang máy hồi tháng 5/2022 khiến 2 người tử vong tại Kim Mã, Ba Ðình, Hà Nội
Trên thực tế, các quy định về chứng nhận, công bố hợp quy thang máy là bắt buộc, nhưng không ít doanh nghiệp lại cố tình “ngó lơ”, ngang nhiên đưa sản phẩm chưa được hợp quy ra thị trường, gây nguy hại cho người tiêu dùng.
Không những thế, cũng có không ít trường hợp thang máy sau khi lắp đặt không được bảo trì, kiểm định định kỳ theo quy định. Đối với các tòa nhà, văn phòng, doanh nghiệp, công tác kiểm định được thực hiện định kỳ và khá chặt chẽ. Nhưng đối với nhà dân, chung cư mini, đa số chỉ dừng lại ở sửa chữa, bảo dưỡng khi có sự cố, hỏng hóc.
Thang máy cũ tái sử dụng lắp ở chung cư mini tại phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội gặp sự cố khiến bé trai 4 tuổi rơi xuống hố thang vào tháng 4/2022
Song nhìn ngược lại từ phía người tiêu dùng, công tác kiểm định thang máy là hoạt động mang tính dịch vụ, do đó gia đình, chủ sở hữu hoàn toàn có thể thuê các đơn vị khác có đủ chức năng để tiến hành kiểm định. Thế nhưng, không ít gia đình, chủ sở hữu còn xem nhẹ công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng thang máy.
Và cũng không ít người đánh đổi sự an toàn của mình bằng cách tìm đến những loại thang máy giá rẻ không có đủ chứng nhận hợp quy, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng,… Hệ quả là những sự cố mất an toàn thang máy, gây nguy hại tới người sử dụng.
Câu hỏi mà tôi và có lẽ nhiều người khác đang tự đặt ra cho bản thân mình lúc này sau sự việc tang thương tại chung cư mini phố Khương Hạ chính là: Ngôi nhà mình sắp mua, sắp thuê có đảm bảo an toàn hay không? Nếu xảy ra hỏa hoạn, gia đình tôi sẽ thoát ra bằng cách nào? Nếu cửa bị khóa thì phá bằng gì? Và giả sử đang ở tầng cao muốn thoát ra thì xuống bằng gì?
Và có lẽ, trước khi xảy ra một sự cố nghiêm trọng, đau thương liên quan tới tai nạn thang máy, chúng ta cần phải lường trước, nhận thức sớm vấn đề: Mua thang máy giá rẻ tự chế hay thang máy đầy đủ lý lịch đảm bảo an toàn? Thang máy tôi sắp đi đã được kiểm định an toàn hay chưa? Khi thang máy gặp sự cố hay thậm chí có nguy cơ rơi tự do, tôi sẽ phải làm gì?
Có lẽ, còn rất nhiều vấn đề liên quan tới thang máy, phòng cháy chữa cháy,… mà chúng ta cần phải thông thái phòng ngừa, lường trước mối nguy hiểm để bảo vệ chính mình và những người xung quanh thay vì những “cú đánh vớt” muộn màng sau đó.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật