Từ hôm nay (26/11/2024), Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội chính thức có hiệu lực. Nghị định này thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
Nghị định 126/2024/NĐ-CP gồm có 8 Chương, 53 Điều (tăng 11 Điều). Các chuyên gia cho rằng: Việc ra đời Nghị định số 126/2024/NĐ-CP là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho tổ chức, công dân Việt Nam thực hiện quyền lập hội, thể hiện đầy đủ quyền công dân, quyền và trách nhiệm của tổ chức; có chính sách hỗ trợ hội khi thực hiện nhiệm vụ được giao; minh bạch và đơn giản hoá một số thủ tục hành chính trong việc giải quyết các thủ tục về hội.
Đồng thời tiếp tục thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng về hội quần chúng, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thể hiện đầy đủ quyền công dân, tổ chức được quy định trong Hiến pháp 2013 và đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về hội, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.
Việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để giải quyết được các vấn đề đang vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn quản lý hội; đổi mới và nâng cao phương thức hoạt động của hội theo hướng tự chủ, tự quản, Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và bối cảnh thực tiễn.
Nội dung mới của Nghị định số 126/2024/NĐ-CP tập trung vào 2 nhóm lớn.
Đầu tiên là những nội dung thể chế hoá chủ trương của Đảng, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về quyền và nghĩa vụ, chính sách, chế độ, hoạt động của hội nói chung và hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nói riêng.
Thứ hai là những nội dung thể chế chủ trương của Đảng để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng cũng như tạo điều kiện cho tổ chức, công dân Việt Nam khi lập hội, tổ chức và hoạt động của hội.
Ở nhóm nội dung lớn thứ nhất có những điểm mới về quyền và nghĩa vụ, thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội, trong đó có thẩm quyền phê duyệt Điều lệ hội của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền phê duyệt điều lệ đối với các hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc có đảng đoàn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể và phê duyệt điều lệ đối với các hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh và cấp huyện có thẩm quyền tương tự đối với các hội hoạt động trong phạm vi tỉnh và huyện. Việc phân quyền này nhằm đảm bảo sự giám sát và quản lý chặt chẽ từ các cấp chính quyền, tạo điều kiện cho các hội hoạt động một cách đúng pháp luật và hiệu quả.
Nghị định 126/2024/NĐ-CP đã thể chế hóa quy định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư, không còn gọi là hội có tính chất đặc thù và đổi tên gọi là hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Đồng thời, Nghị định quy định chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ…
Tiếp theo là về chính sách của Nhà nước đối với hội: Nghị định đã quy định chính sách chung của Nhà nước đối với hội; quy định cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ để cơ quan tài chính có căn cứ hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phù hợp với quy định của pháp luật; quy định chính sách riêng của Nhà nước đối với hội và người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Đồng thời quy định chức trách, nhiệm vụ của Ban chấp hành, Ban thường vụ; tiêu chuẩn, điều kiện; thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đối với tất cả các hội.
Về nhóm nội dung thể chế chủ trương của Đảng để đảm bảo quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng cũng như tạo điều kiện cho tổ chức, công dân Việt Nam khi lập hội, tổ chức và hoạt động của hội có nội dung mới quy định chung cho các hội; thành lập hội; tổ chức của hội; hoạt động của hội; tài chính, tài sản của hội.
Trong đó, điều kiện thành lập hội được quy định chặt chẽ: Phải có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội là quy định mới hoàn toàn. Cụ thể, các Hội muốn thành lập phải đảm bảo 6 điều kiện khác gồm:
(1) Đảm bảo các điều kiện về tên gọi;
(2) Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động;
(3) Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật;
(4) Có điều lệ, trừ hội có nghị quyết đại hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã có cùng tên gọi, lĩnh vực hoạt động chính và là hội viên tổ chức của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, thống nhất thừa nhận điều lệ của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc thì không cần xây dựng điều lệ riêng;
(5) Có trụ sở của hội đặt tại Việt Nam trong phạm vi hoạt động của hội và có địa chỉ cụ thể, rõ ràng;
(6) Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội (hội toàn quốc có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại ít nhất hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; hội cấp tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên; hội cấp huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên và hội cấp xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã)…
Về quy định về đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, đình chỉnh có thời hạn và giải thể hội, Nghị định 126/2024/NĐ-CP có những nội dung điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh trong thời gian vừa qua; đồng thời đơn giản hoá thủ tục về các nội dung này, đặc biệt là trường hợp hội tự giải thể. Trong đó quy định chi tiết việc giải quyết tài sản, tài chính của hội khi hội bị đình chỉ, việc thanh toán các khoản nợ khi hội giải thể; bổ sung quy định về thu hồi con dấu của hội nhằm phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng con dấu.
Cùng với đó là quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hội, trong đó có bổ sung rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, huyện; quy định về điều khoản thi hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ khi thực hiện…
Thang Giang
Thông tin mới cập nhật