TCTM – Ở một tòa nhà cao tầng, nơi ánh đèn neon không bao giờ tắt và âm thanh nhộn nhịp của phố thị vang vọng từ dưới lên, những chiếc thang máy cũ đã tồn tại lặng lẽ qua nhiều năm tháng. Màu thời gian in vết trên vách cabin và âm thanh phát ra trong từng nhịp di chuyển của thang máy. Nơi đó chứa đựng biết bao câu chuyện, bao kỷ niệm, dự định và cả những giấc mơ chưa thành được kể qua mỗi hành trình lên xuống hàng ngày.
Một ngày nọ, người đàn ông tên Nam chuyển đến sống trong một căn hộ ở tầng cao nhất của toà nhà. Nam là một họa sĩ trẻ, đang tìm kiếm nguồn cảm hứng mới cho tác phẩm của mình. Dù đã thử nhiều lần vẽ những bức tranh về phong cảnh thiên nhiên, những khuôn mặt hay thế giới kỳ ảo nhưng anh cảm thấy mình vẫn chưa thể tìm được nét độc đáo từ đời thực mà mình mong muốn. Cảm giác chưa chạm tới mạch nguồn cảm xúc khiến anh đôi khi thấy trống rỗng, hụt hơi và bất giác thở dài.
Nam có người chị họ tên Mai – là Việt Kiều định cư tại Mỹ gần 20 năm qua. Chị vừa hoàn thành ngôi nhà mới tại vùng ngoại ô nước Mỹ. Dù đã quen với cuộc sống hiện đại nơi đất khách nhưng trong trái tim chị, quê hương vẫn luôn thổn thức trong từng nhịp đập với âm thanh vang vọng của tiếng chuông chùa, rồi tiếng gà gáy râm ran khắp thung lũng, hòa quyện trong sương sớm bao phủ những ngọn đồi nhấp nhô… Chị nhớ những mùa Tết đoàn viên, buổi sáng thức dậy trong thanh âm trong trẻo của tiếng chim hót, hay những ngày hè cùng bạn bè chơi đùa bên dòng sông quê hương. Cũng bởi tình yêu đó, mỗi khi Tết đến chị luôn thu xếp công việc để được trở về hít hà không khí thân thương ấm áp quê nhà.
Như thông lệ, năm nay chị đưa gia đình về quê đón Tết. Chuyến bay đáp xuống sân bay Nội Bài khi trời đã tối muộn, Nam đón gia đình chị về nghỉ tại căn hộ của mình để ngày hôm sau cùng về quê ngoại ở Bắc Ninh. Khi thang máy lên tới tầng cao nhất, chị Mai lặng nhìn qua cửa kính, thành phố trải dài bên dưới như một bức tranh sống động với những ngôi nhà nhấp nhô, những con đường uốn lượn và dòng xe di chuyển như những nét vẽ không ngừng thay đổi.
Trong khoảnh khắc ấy, Nam nhận ra rằng nghệ thuật không chỉ tồn tại ở những thứ hữu hình mà còn ở cách mà ta cảm nhận về không gian, thời gian và về chính mình tại thời khắc đó.
Trên đường về quê, chị Mai nảy ra ý tưởng đặc biệt trong thiết kế ngôi nhà mới của mình: Chiếc thang máy.
Với diện tích khá lớn và những tiện nghi hiện đại, thang máy là một phần không thể thiếu. Nhưng chị muốn thang máy không chỉ là một phương tiện di chuyển đơn thuần, nó phải là một điểm nhấn sinh động mang theo một phần ký ức, một phần của quê hương. Và chị quyết định đưa âm nhạc và tranh quê hương vào cabin thang máy. Chị thích những bức tranh dân gian, đặc biệt là tranh Đông Hồ – nét tinh hoa của quê hương Bắc Ninh, của văn hóa dân gian với sức hấp dẫn từ màu sắc, bố cục, khuôn hình mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có. Ý tưởng của chị nhận được sự hưởng ứng đặc biệt từ Nam và gia đình, Nam sẽ giúp chị biến ước mơ trở thành hiện thực để mỗi lần bước vào thang máy, chị như được đưa về với những điều giản dị mà thân thương của nơi chị sinh ra và lớn lên, nơi chị cảm nhận được sự ấm áp gắn bó với nguồn cội.
Mỗi chuyến đi lên và xuống của thang máy không chỉ là một sự di chuyển vật lý mà còn là một hành trình tâm hồn. Nam đã tìm thấy nguồn cảm hứng mới mà anh gọi nó bằng cái tên thân thương: “Nghệ thuật chiều thẳng đứng”, là cách nhìn nhận cuộc sống qua những góc độ và cảm nhận khác nhau, mang đến sự thay đổi vô hình mà đôi khi ta dễ dàng bỏ qua trong nhịp sống hối hả nơi đô thị.
Mộc Lan
Thông tin mới cập nhật