TCTM – Việc tuân thủ theo Luật an toàn, vệ sinh lao động là đảm bảo môi trường lao động cho cả người lao động và doanh nghiệp, tránh các tổn thất về sức khỏe, tính mạng và thực hiện trách nhiệm pháp luật. Với ngành thang máy – lĩnh vực có đặc thù về an toàn lao động, các doanh nghiệp cần lưu ý để đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ, người lao động chủ động yêu cầu quyền lợi chính đáng của mình. Đây đồng thời cũng là tránh những rủi ro cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã quyết định xử phạt Công ty CP thang máy Mesco Việt Nam do có hành vi vi phạm Luật An toàn vệ sinh lao động. Tổng số tiền phạt Công ty CP thang máy Mesco Việt Nam phải nộp là 199 triệu đồng.
Cụ thể, theo Lao động và Công đoàn, ngày 22/02/2023, Cục trưởng Cục An toàn lao động đã ký Quyết định xử phạt Công ty CP thang máy Mesco Việt Nam vì các hành vi vi phạm hành chính:
Hành vi 1: Người sử dụng lao động không báo cáo định kỳ về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ.
Hành vi 2: Người sử dụng lao động không báo cáo định kỳ về tai nạn lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ.
Hành vi 3: Người sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ.
Hành vi 4: Người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho 33 người lao động theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 25 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ.
Với các hành vi trên, Công ty bị áp dụng hình thức xử phạt chính: Phạt tiền đối với tổ chức (số tiền xử phạt là 199 triệu đồng), không áp dụng hình phạt bổ sung.
Vậy các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thang máy nói riêng cần tuân thủ những điều khoản nào để tránh vi phạm Luật an toàn, vệ sinh lao động?
Tại sao cần tuân thủ Luật an toàn, vệ sinh lao động?
Luật an toàn vệ sinh lao động quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Luật này áp dụng đối với cả đối tượng là người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức/cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó:
“An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.”
“Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.”
Do đó, việc tuân thủ Luật an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo môi trường làm việc cho người lao động, đảm bảo các quyền lợi về an toàn sức khỏe cho người lao động là điều bắt buộc cần làm.
Môi trường làm việc kỹ thuật có nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động, do đó cả người sử dụng lao động và người lao động đều cần có ý thức tuân thủ
Ngoài ra, việc tuân thủ Luật an toàn, vệ sinh lao động cũng là cách để doanh nghiệp phòng trừ rủi ro người lao động gặp các vấn đề về mất an toàn lao động, tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp, dẫn đến hậu quả ngoài ý muốn và tổn thất kinh tế, thể hiện qua Chính sách của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động:
1. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động.
2. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia phục vụ an toàn, vệ sinh lao động.
3. Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khuyến khích các tổ chức xây dựng, công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động.
4. Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
5. Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.
Để đảm bảo tuân thủ Luật an toàn, vệ sinh lao động trong ngành thang máy, người sử dụng lao động trong ngành thang máy có quyền và nghĩa vụ như sau:
– Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
– Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;
– Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.
– Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
– Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
– Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động;
– Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;
– Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;
– Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động.
Môi trường làm việc cần đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
Người lao động cũng cần ý thức rõ về trách nhiệm và quyền lợi của bản thân trong vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, người lao động trong ngành thang máy có các quyền và nghĩa vụ:
– Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;
– Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;
– Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;
– Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật khi có tình huống mất an toàn, vệ sinh lao động.
– Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể;
– Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
– Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Người lao động trong lĩnh vực thang máy cần trang bị đầy đủ các dụng cụ và trang phục bảo hộ cần thiết
1. Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.
2. Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
3. Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
4. Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
5. Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
6. Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
7. Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.
Từ các nội dung trên, các người lao động và người sử dụng lao động cần nghiêm túc thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, song song đó cũng là đảm bảo phòng ngừa những tình huống rủi ro, mất an toàn xảy ra. Ngoài ra, khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,… cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần trung thực trình báo cơ quan chức năng, thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình, tránh sai phạm chồng chất sai phạm.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật