TCTM – Nghị quyết 57 nhấn mạnh tầm quan trọng của làm chủ khoa học công nghệ, để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Tương tự, ngành thang máy nếu không thể làm chủ được công nghệ thì cuối cùng vẫn bị phụ thuộc vào bên ngoài, không thể phát triển.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. Đây cũng là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cùng với tầm nhìn đó, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao.
Giới chuyên gia và các nhà quản lý đều bày tỏ kỳ vọng rằng Nghị quyết số 57 sẽ giữ một vai trò trọng yếu trong tiến trình phát triển của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Vậy Nghị quyết số 57 sẽ tác động đến ngành thang máy như thế nào trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Hãy cùng tóm tắt một số nội dung, liên quan trực tiếp đến ngành thang máy, đến người lao động và doanh nghiệp trong ngành.
1. Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết nhấn mạnh “người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính…” và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 (sau đây gọi là Nghị quyết 57) đã đưa ra nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến chủ thể là doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
2. Nghị quyết 57 nêu rõ, đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành…”, như vậy ngành thang máy cũng phải sẵn sàng cho việc hoàn thành xây dựng dữ liệu quản lý an toàn thang máy và quản lý nhân sự công tác trong ngành đặc biệt là kỹ thuật viên trong vòng 5 năm tới để có thể đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã xây dựng dự án Hệ thống mã định danh thang máy, hiện đang được đẩy mạnh triển khai thí điểm.
3. Thể chế sẽ được “khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện”; “xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển”. Nghị quyết 57 cũng thể hiện rất rõ sự đổi mới trong tư duy nghiên cứu khoa học. Nếu như trước đây, chúng ta thường cho rằng đã làm nghiên cứu thì phải thành công nhưng nghị quyết lần này cho phép “chấp nhận rủi ro”.
Nghị quyết 57 nêu rõ: “Cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu khoa học. Các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ mới dưới sự giám sát của Nhà nước, đồng thời được miễn trừ trách nhiệm với những thiệt hại kinh tế do yếu tố khách quan khi thử nghiệm mô hình kinh doanh hoặc công nghệ mới”.
Do đó, việc “chấp nhận rủi ro” sẽ khuyến khích sự sáng tạo cho những cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu.
Việc thúc đẩy cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tạo ra thông qua quá trình nghiên cứu khoa học sẽ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt nói chung
Đặc biệt, Nghị quyết 57 cũng xác định: “Có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra.”
Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào công nghệ trong sản xuất thang máy và thiết bị phụ trợ và chính sách mua sắm công sẽ thay đổi theo hướng này. Đây cũng là chính sách giúp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được Hàn Quốc áp dụng thông qua Luật Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and Medium Enterprises Promotion Act).
Ngoài ra, với vai trò của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cần tăng cường vai trò tư vấn chính sách bằng cách xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở ngành, tổ chức các hội thảo chuyên môn, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo Luật, Nghị định… liên quan để hướng đến mục tiêu này.
4. Đứng trước việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, Nghị quyết 57 đã đưa ra chính sách cụ thể hơn về “tăng cường đầu tư, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” bằng việc “cấp tín dụng, học bổng, học phí để thu hút học sinh, sinh viên…”, xây dựng “cơ chế đặc thù để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống”.
Để nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Thang máy Hàn Quốc triển khai Chương trình Đào tạo Kỹ thuật viên Thang máy.
Song song, Nghị quyết 57 cũng nêu rõ cần thúc đẩy “xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo…” cũng như “phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học…”; “đẩy mạnh hợp tác với các đại học uy tín của nước ngoài; đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế,…”
Bởi vậy VNEA cần tăng cường vai trò của Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy VILEA trong nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng, trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực, việc đào tạo phải gắn với số hóa, đào tạo nhân lực số cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
5. Cuối cùng là chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Nghị quyết 57 nhấn mạnh “chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ…”, cần có “chính sách đủ mạnh khuyến khích tinh thần khởi nghiệp…” cũng như “… cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế”.
Các doanh nghiệp thang máy Việt Nam đang là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần coi đây là cơ hội để chuyển mình cùng dân tộc trong công cuộc chuyển đổi số bằng việc đầu tư công nghệ vào dây chuyền sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ, số hóa trong quản lý … để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh từng doanh nghiệp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nguyễn Huy Tiến – Bí thư Chi bộ Hiệp hội Thang máy Việt Nam
Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế
Giới thiệu Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy phần 2 về định mức lao động
Thông tin mới cập nhật