Thang máy là ngành mới và đang khát nhân lực. Tình trạng cung không đáp ứng nổi cầu là rất dễ xảy ra. Đáng tiếc là ở thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ trường ĐH, CĐ nào đào tạo chuyên ngành thang máy.
Càng đặc thù càng khát nhân lực
Một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông báo tuyển kỹ sư thiết kế bản vẽ, quản lý chất lượng và bảo trì thang máy. Yêu cầu là phải có hiểu biết chuyên sâu về thang máy chứ không chỉ đơn thuần là có kiến thức về điện – điện tử và cơ khí. Sau một thời gian tìm kiếm, doanh nghiệp buộc phải hạ bớt tiêu chuẩn để tìm ứng viên phù hợp.
Một doanh nghiệp khác của Việt Nam cần tuyển kỹ thuật lập trình điều khiển dây chuyền sản xuất linh kiện thang máy mới được nhập về từ Đài Loan. Lựa chọn ưu tiên của ông chủ doanh nghiệp chính là những kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Tuy nhiên, “chúng tôi cũng phải đào tạo lại số kỹ sư này theo yêu cầu đặc thù công việc. Mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc trong khi cần triển khai ngay công việc sản xuất. Nhưng cũng không có cách nào khác”, ông chia sẻ.
Câu chuyện trên để minh họa cho thực tế khát nhân lực chuyên sâu của ngành công nghiệp thang máy: Có cầu mà chưa có cung.
Tiềm năng doanh thu khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, lắp đặt và các dịch vụ bảo trì thang máy
Tại Việt Nam, ở thời điểm này, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy. Trong khi đó, mã ngành đào tạo thang máy vẫn chưa được “khai sinh” đồng nghĩa với việc chưa có đào tạo chuyên sâu theo định hướng về thang máy.
Vì sao các trường không mặn mà mở chuyên ngành hẹp?
Ông Bùi Văn Linh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực – Bộ GD&ĐT (MOET-TSC) chia sẻ thẳng thắn sau câu hỏi này của Tạp chí Thang máy.
Theo đó, để mở một chuyên ngành cần phải chuẩn bị chu đáo và đầu tư lớn. Trong bối cảnh nhiều trường đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ thì việc mở ngành càng được tính toán kỹ.
Thứ nhất, phải tính toán nguồn tuyển sinh đầu vào. Thường một chuyên ngành mới nếu chưa đủ “hot” sẽ khó thu hút được thí sinh ứng tuyển. Và nếu không đủ sinh viên hoặc “bập bõm” thì đào tạo sẽ lãng phí.
Thứ hai phải xây dựng chương trình đào tạo. Đối với những chuyên ngành hẹp, không dễ trong thời gian ngắn có được giáo trình phù hợp và bám sát thực tiễn. Và càng hẹp thì càng khó.
Thứ ba là chuẩn bị nhân lực cơ hữu gồm cán bộ quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu theo quy định khi đào tạo một ngành.
Thứ tư là phải chuẩn bị cơ sở vật chất như phòng học, phòng thí nghiệm, nhà xưởng thực hành
Thứ năm là phương pháp đào tạo phải phù hợp cho ngành thang máy. Phương pháp phù hợp nhất là học qua công việc (training on job hay training by doing). Phương pháp này rất phù hợp cho chuyên ngành hẹp trong đó có chuyên ngành thang máy. Tuy nhiên, việc chuẩn hóa được chương trình đào tạo chưa thực hiện được. Tại Việt Nam hiện nay chỉ có các đơn vị Gamalift, Kone, Schindler thực hiện mô hình này. Đây là phương pháp đào tạo tối ưu cần nhân rộng để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao của ngành thang máy…
Yếu tố cuối cùng của mở ngành hẹp là phải tính toán đầu ra – việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Để mở được chuyên ngành hẹp không phải là điều đơn giản
Nếu không nghiên cứu kỹ nhu cầu xã hội, nhu cầu của các đơn vị doanh nghiệp, độ thu hút của ngành nghề mới thì khi mở ra sẽ không có người học. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư mà còn ảnh hưởng tới uy tín của trường, của ngành,…
Như trước đây, một số ngành nghề rất hấp dẫn người học, điển hình là ngành quản trị kinh doanh hay ngân hàng. Nhưng chỉ sau một thời gian, cung vượt quá cầu, người học bắt đầu quay lưng với những ngành học này. Bởi thế các trường đại học có lý do để không mở các chuyên ngành hẹp.
Trong khi đó, xu hướng của các trường kỹ thuật là đào tạo phổ quát để sinh viên ra trường có thể làm việc được ở nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn kỹ sư động cơ có thể làm việc về ngành ô tô, máy kéo, máy xây dựng, tàu biển….Tất nhiên là trong từng lĩnh vực cụ thể, họ cần được đào tạo chuyên sâu để tương thích.
Cách đào tạo phổ quát như vậy sẽ thu hút được nhiều sinh viên hơn là đào tạo chuyên ngành hẹp. Nhưng thực tế cũng đã chỉ ra rất nhiều nhược điểm của phương pháp đào tạo này. Chúng ta có không ít những kỹ sư thất nghiệp vì “cái gì cũng biết trong khi lại chẳng biết gì”.
Một nghề cho chín còn hơn chín nghề hoàn toàn có lý.
Ngành hẹp nhưng cửa việc làm không hẹp
Những năm gần đây, tình trạng sinh viên đại học ra trường sau khi được tuyển dụng phải đào tạo lại là khá phổ biến. Mới đây, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về mức độ phù hợp của công việc sinh viên đang làm với chuyên ngành đào tạo cho thấy, có tới 60% sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành nghề đã đào tạo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nguồn lao động chất lượng cao, trong đó có nhân lực phục vụ ngành thang máy chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Đào tạo đúng định hướng sẽ tránh được lãng phí nhân lực cho ngành, cho quốc gia
Trong khi đó, thị trường thang máy, thang cuốn tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu lắp đặt thang máy không ngừng gia tăng, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp. Và để đáp ứng được làn sóng phát triển này thì nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng tăng cao. Tuy nhiên do không có trường nào đào tạo chính quy nên doanh nghiệp rất vất vả trong việc tuyển dụng để phục vụ đúng yêu cầu của mình.
Ông Trần Phương, Trưởng phòng phân tích của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực – Bộ GD&ĐT nhận định, căn cứ vào nhu cầu thực tế, ngành kỹ thuật thang máy rất cần nhân lực trình độ cao là các kỹ sư chuyên ngành nhưng hiện nay chưa có đào tạo chuyên sâu nên chủ yếu là tuyển dụng rồi đào tạo chuển đổi từ các chuyên ngành khác. Những nhân sự này có thể làm việc tốt về từng phần việc mà họ được đào tạo như điện, điện tử, điều khiển, cơ khí, xây dựng, động cơ…nhưng lại thiếu kiến thức sâu và thực tế về thang máy.
Trong khi đó, việc mở một ngành đào tạo chuyên sâu về thang máy lại không hề đơn giản như đã phân tích ở trên.
Trong điều kiện như vậy, việc hợp tác đào tạo chuyên ngành hẹp lại là phương án hết sức khả thi. Các trường đại học có thể phối hợp với các hội nghề nghiệp có chức năng đào tạo, các trung tâm, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp để đào tạo, cung ứng nhân lực thang máy theo yêu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị.
Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Huy Tiến (đầu bàn) dự và tham luận tại hội thảo về đào tạo nhân lực.
Được biết, một trong những lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) là tổ chức đào tạo, dạy nghề, thúc đẩy, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và kỹ thuật cho thang máy, thang cuốn tại Việt Nam. Hiệp hội đã hợp tác với một số cơ sở đào tạo nghề trong cả nước để xây dựng và chuẩn hóa chương trình đào tạo kỹ thuật thang máy, cung cấp hạ tầng thực hành chuyên dụng, cung cấp chuyên gia kỹ thuật giảng dạy hướng tới mục đích nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy. Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh đào tạo, hợp tác đào tạo nhân lực ngành thang máy, ngày 14/12/2021, Viện Kỹ thuật ứng dụng thang máy (VILEA) trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam chính thức được thành lập. Viện hoạt động với các chức năng chính là nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ; nghiên cứu phát triển quy chuẩn tiêu chuẩn và đào tạo lao động ngành thang máy Việt Nam.
VNEA phối hợp với trường CĐ nghề công nghệ cao HHT đào tạo chuyên sâu kỹ thuật thang máy cho Gama Service
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Hải Đức cũng chia sẻ, VNEA luôn tiên phong và nỗ lực trong hợp tác đào tạo với nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước. Với sự hợp tác sâu rộng, thực chất giữa VNEA và các cơ sở đào tạo trên cả nước, nhiều kỹ sư, nhân viên kỹ thuật thang máy lành nghề, có tâm, có tầm sẽ được cung cấp không chỉ cho các doanh nghiệp thang máy trong nước mà còn có cơ hội làm việc tại nhiều công ty thang máy của nước ngoài, tạo nhiều công ăn việc làm, thu ngoại tệ về cho đất nước. Đây cũng là sứ mệnh, thể hiện vai trò của VNEA trong việc kết nối, hỗ trợ để ngành thang máy Việt Nam phát triển xứng tầm trong thời gian tới.
Lê Hùng
Đồ họa: Trần Trung
Thông tin mới cập nhật