TCTM – Trước áp lực từ các lệnh trừng phạt, nhiều công ty phương Tây đã ‘buộc phải rời đi’ khỏi thị trường Nga. Qua đó, giới doanh nhân Nga cũng đã được hưởng lợi bằng việc mua lại các công ty này với mức giá chiết khấu và những khoảng trống mà các công ty quốc tế để lại cũng nhanh chóng được lấp đầy.
Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, hàng loạt doanh nghiệp phương Tây đã “đổ xô” rút khỏi thị trường Nga do lo ngại tác động từ các lệnh trừng phạt. Có thể kể đến như, chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s (Mỹ), Công ty Bao bì Ball (Mỹ), Công ty Hóa chất Henkel (Đức), Công ty Ô tô Hyundai (Hàn Quốc)…
Trong ngành thang máy, một số thương hiệu nổi bật như KONE (Phần Lan) hay Otis (Mỹ) cũng đã hoàn tất việc rút khỏi thị trường Nga và bán lại cho Tập đoàn S8 Capital – một tập đoàn của Nga đã thu mua lại tài sản từ nhiều công ty Phương Tây đang cố gắng thoái vốn khỏi quốc gia này.
Nhà máy sản xuất thang máy ở St. Petersburg từng thuộc sở hữu của Otis Worldwide, nhưng hiện đã được một doanh nghiệp Nga mua lại (Ảnh: AP).
Theo nhận định của Đài RT (Nga), việc rời đi của doanh nghiệp đa quốc gia được kỳ vọng sẽ khiến nền kinh tế Nga suy yếu. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thực tế hiện nay lại tạo điều kiện cho một làn sóng doanh nhân Nga mới. Nhận định của The New York Times (Mỹ) cũng cho rằng sự rút lui của các công ty nước ngoài đã trở thành một vận may bất ngờ cho người Nga.
Theo luật hiện hành cho việc thoái vốn tại nước Nga, các doanh nghiệp khi rời quốc gia này buộc phải bán tài sản của mình với mức giảm 50%. Các công ty này cũng phải được Chính phủ Nga cho phép bán và nộp một khoản tiền ít nhất 10% giá bán vào ngân sách Nga, khoản chi phí này được giới báo chí mệnh danh là “thuế xuất cảnh”.
Với những khoản “thuế xuất cảnh” đã giúp Nga thu về ít nhất 1,25 tỷ USD cho ngân sách năm 2023. Ngoài ra, các công ty phải bán nhà xưởng, chi nhánh tại Nga với mức giá rẻ và Moscow cũng là bên chỉ định người mua. Sau khi phân tích báo cáo tài chính, ước tính rằng các công ty phương Tây đã lỗ hơn 103 tỷ USD sau khi rời Nga.
Điển hình trong số đó là thương vụ bao gồm 7 nhà máy sản xuất với giá tượng trưng 1 euro (hơn 26.000 VNĐ) giữa hãng bia Heineken (Hà Lan) với Tập đoàn Arnest Nga vào tháng 8/2023. Hãng Heineken cũng cho biết, tập đoàn này đã chấp nhận khoản lỗ 300 triệu euro để rời khỏi Nga.
Heineken bán 7 nhà máy bia ở Nga với giá 1 euro
Hay theo tờ Reuters (Anh) đưa tin tháng 12/2023, dẫn lời một quan chức của Hyundai cho biết, hãng sản xuất ô tô này đã bán với nhà máy tại Nga với giá danh nghĩa 7.000 rúp (78 USD – 1,9 triệu VND) và có kế hoạch hoàn tất thương vụ trước ngày 28/12/2023. Trong khi đó, hãng tin Hàn Quốc Chosun Ilbo lại tiết lộ, giao dịch này là 10.000 rúp.
Tờ New York Times từng đưa ra nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất ở Nga kể từ khi Liên Xô tan rã. Một loạt các ngành công nghiệp như thang máy, lốp xe, sơn công nghiệp và nhiều ngành khác hiện đang nằm trong tay người Nga.
Cụ thể, với thương vụ thâu tóm Công ty Otis tại Nga, S8 Capital đã đạt được thỏa thuận bao gồm một nhà máy sản xuất thiết bị thang máy ở St. Petersburg, với công suất lên tới 7.000 thang máy mỗi năm và mạng lưới dịch vụ, bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ bảo trì.
Ngay sau khi chuyển quyền sở hữu, Ice Development – công ty thuộc S8 Capital, đã tiếp quản toàn bộ hoạt động tại cơ sở sản xuất của Otis tại St. Petersburg, đồng thời xây dựng nên thương hiệu Meteor Lift từ các hoạt động kinh doanh trước đây của Otis tại Nga.
Từ trái sang: Doanh nhân Armen Sarkisyan – Chủ sở hữu S8 Capital; Thống đốc St. Petersburg Alexander Beglov và Bộ trưởng Thương mại Nga Denis Manturov thăm nhà máy thang máy vào năm 2022. Nhà máy này từng thuộc sở hữu của Otis Worldwide có trụ sở tại Mỹ, bây giờ nó thuộc sở hữu của doanh nhân Nga Armen Sarkisyan. Ảnh: TASS
Vị thế của Meteor Lift tại thị trường Nga ngày càng vững chắc hơn khi S8 Capital tiếp tục đạt thành công trong việc thâu tóm hãng thang máy Phần Lan – KONE. S8 Capital cho biết thỏa thuận bao gồm danh mục dịch vụ của công ty với 7.000 thiết bị tại 6 khu vực của Nga và hơn 300 nhân viên KONE tại Nga cũng được chuyển sang Meteor Lift.
Giám đốc điều hành của S8 Capital, Thorsten Schubert cho biết thỏa thuận với KONE đã biến Meteor Lift trở thành nhà cung cấp thang máy cao tốc hàng đầu của Nga và ưu tiên hiện tại của công ty là thiết lập chuỗi cung ứng với các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga.
Chia sẻ trong một buổi thăm nhà máy sản xuất thang máy tại St. Petersburg – nơi từng thuộc sở hữu của Otis, doanh nhân Armen Sarkisyan – chủ sở hữu S8 Capital chia sẻ: “Việc kinh doanh này đã là của Nga rồi. Bây giờ nó được gọi là Meteor”, ông nói, hiện nhu cầu thang máy tăng cao ở các tòa nhà cao tầng ở Nga.
Không chỉ ông Sarkisyan, nhiều doanh nhân Nga khác, gần như chỉ sau một đêm đã tiếp quản được những ngóc ngách lớn nhất trong thị trường ở Nga.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại cuộc họp của Hội đồng liên chính phủ EAEU ở thành phố Almaty, Kazakhstan, ngày 2/2/2024. Ảnh: TASS
Bất chấp với 17.500 danh mục lệnh cấm vận – nhiều nhất trong lịch sử kinh tế hiện đại, hay làn sóng “buộc phải rời đi” của các doanh nghiệp phương Tây, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng liên chính phủ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) hôm 2/2/2024, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, kinh tế Nga thậm chí tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng khi có thể đạt mức 4% trong năm 2023, vượt xa các nước châu Âu và vượt mức trung bình toàn cầu.
Đối phó với làn sóng “tháo chạy” của doanh nghiệp nước ngoài, Nga đã đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các đối tác ngoài phương Tây, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.
Cuộc “di cư” của các công ty phương Tây không chỉ là một cơ hội lớn của doanh nhân Nga mà còn giúp tạo ra một khoảng trống cho các doanh nghiệp tại các quốc gia “thân thiện” với Nga..
Các công ty Trung Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống này, nắm bắt cơ hội để tăng độ nhận diện thương hiệu tại Nga. Tại Triển lãm Tuần lễ Thang máy Nga lần thứ 11 diễn ra vào tháng 6/2023 là một ví dụ điển hình.
Với quy mô hơn 100 gian hàng, triển lãm này đã thu hút nhiều công ty đến từ Trung Quốc (19 công ty) và Thổ Nhĩ Kỳ (16 công ty),… đến tham dự, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại vào thị trường Nga.
Và như thế, trong khi doanh nghiệp phương Tây mất đi một thị trường tiềm năng, khó khăn trong việc quay lại trong tương lai và phải gánh chịu tổn thất tài chính lớn, thì đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp khác, điển hình như Trung Quốc, tiến vào thị trường rộng lớn này.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật