TCTM – Khi tiêu chuẩn được xây dựng một cách khoa học và hợp lý, các doanh nghiệp sẽ có nền tảng vững chắc để cải tiến quy trình, nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Câu chuyện thuế quan ngày càng siết chặt từ Mỹ trong thời gian qua đang trở thành hồi chuông cảnh báo với các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, Mỹ không chỉ nhìn vào con số xuất siêu, mà quan tâm tới nguồn gốc đầu vào, tính xác thực của nguồn gốc hàng hóa “Made in Việt Nam”.
Giới phân tích cũng nhấn mạnh rằng đây không chỉ là mối quan tâm ngắn hạn mà còn là một thách thức dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam đang diễn ra khá tốt, nhưng cần lưu ý rằng 70% giá trị xuất khẩu đến từ khu vực FDI, trong khi hơn 56% nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu.
Mặt khác, tỷ lệ giá trị gia tăng từ hàng hóa xuất khẩu do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chỉ khoảng 28-30%, thấp hơn nhiều so với 50% của Thái Lan và Malaysia. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng kế hoạch dài hạn để nâng cao năng lực công nghiệp nội địa.
Vậy, làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp nội địa?
Trong buổi làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) Quốc gia vào cuối tháng 3/2025 vừa qua, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Quốc gia muốn phát triển theo hướng nào, tiêu chuẩn cần dẫn dắt theo hướng đó.
“Tiêu chuẩn cần ổn định, toàn diện, hoàn thiện, bao phủ tất cả năm lĩnh vực: chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội – môi trường, và bao phủ tất cả các ngành. Đó là một nhiệm vụ lớn lao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Vào năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai chiến lược “Make in India” với mục tiêu biến quốc gia này thành trung tâm sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, ô tô, dược phẩm, và năng lượng tái tạo. Đến thời điểm đầu năm 2024, Ấn Độ đã là nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, với các tên tuổi lớn như Tata Motó và Maruti Suzuki.
Ngay bây giờ, muốn phát triển số thì ra tiêu chuẩn số. Muốn đổi mới sáng tạo thì ra tiêu chuẩn về đổi mới sáng tạo. Muốn phát triển khoa học công nghệ thì ra các tiêu chuẩn về khoa học công nghệ… Muốn phát triển, gia tăng năng lực sản xuất nội địa thì chìa khóa căn bản phải bắt đầu từ việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp.
Nếu không đưa ra được tiêu chuẩn thì bản thân doanh nghiệp hay cả cơ quan quản lý cũng sẽ không biết bắt đầu từ đâu, đường hướng thế nào. Xây dựng một tiêu chuẩn chính là cụ thể hóa, định lượng rõ ràng cho một tham vọng, một tầm nhìn, thay vì “mơ hồ, vô định mang tính khẩu hiệu”.
Tiêu chuẩn là phương tiện dẫn dắt, lực đẩy chiến lược để doanh nghiệp và quốc gia phát triển. Không chỉ là khuôn khổ kỹ thuật, tiêu chuẩn đóng vai trò định hướng phát triển công nghệ, sản phẩm và thị trường. Quốc gia muốn tới đâu thì dùng tiêu chuẩn để dẫn quốc gia tới đó.
Quy chuẩn là sàn – phải được xây dựng dựa trên thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, tiêu chuẩn là đỉnh – là đích đến cần hướng tới nên phải tham chiếu vào tiêu chuẩn quốc tế để ban hành. Và quan trọng nhất là cá nhân, doanh nghiệp và toàn thể xã hội phải tuân thủ chặt chẽ.
Đơn cử như việc cùng một dòng xe của Honda, xe sản xuất tại Thái Lan lại thường được người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn nhiều so với sản xuất tại Việt Nam. Lý do là bởi hàng sản xuất tại Thái Lan được đánh giá chất lượng hơn và chất lượng đó đến từ sự nghiêm túc tuân thủ tiêu chuẩn mà quốc gia này đặt ra.
Rộng lớn hơn nữa chính là những tiêu chuẩn chung khắt khe về dịch vụ, sản phẩm đã giúp những thương hiệu được gắn mác: Made in Japan (sản xuất tại Nhật Bản), Swiss Made (làm tại Thụy Sỹ), German Quality (chất lượng Đức)… chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng toàn cầu.
Ở chiều hướng ngược lại, dù đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn đang phải vùng vẫy để thoát khỏi định kiến về công xưởng hàng giả, hàng kém chất lượng lớn nhất thế giới.
Nhiều mặt hàng từ Trung Quốc còn tránh ghi “Made in China” khi trích xuất nguồn gốc, mà đổi thành “Made in PRC” (PRC – People’s Republic of China – Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa)
Ai cũng biết, đó chính là kết quả của việc tiêu chuẩn chung, giá trị mang lại cho cả thương hiệu quốc gia và nền kinh tế chứ không chỉ một ngành nghề hay một loại hình dịch vụ.
Và trong 5 năm kể từ khi thành lập tới nay (2020-2025), Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã thể hiện vai trò tiên phong trong công tác xây dựng tiêu chuẩn cho ngành thang máy. Với mục tiêu nâng cao chất lượng và an toàn, đồng thời chuẩn hóa các hoạt động trong ngành, VNEA đã nỗ lực nghiên cứu và ban hành các Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) quan trọng.
Dưới sự chỉ đạo của VNEA, Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy đã chính thức công bố hai bộ TCCS ngành thang máy đầu tiên:
– TCCS 01: 2023/VNEA – Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy: Tiêu chuẩn này đặt ra các quy định và yêu cầu cụ thể về an toàn trong suốt vòng đời của thang máy, từ khâu quản lý, vận hành đến bảo trì và sửa chữa, góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
– TCCS 02:2024/VNEA – Định mức lao động trong bảo trì và sửa chữa thang máy: Tiêu chuẩn này mang lại giải pháp tiêu chuẩn hóa định mức lao động trong công tác bảo trì và sửa chữa thang máy. Việc xác định rõ ràng định mức lao động không chỉ giúp các doanh nghiệp trong ngành có cơ sở để quản lý chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ thông qua việc phân bổ nguồn lực hợp lý.
Theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Ân (Bộ Giao thông vận tải), việc VNEA công bố các tiêu chuẩn TCCS này, kết hợp với các bộ Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về thang máy đã có, giúp Việt Nam có một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng đầy đủ. Điều này tạo ra hành lang pháp lý và kỹ thuật đủ mạnh, là nền tảng vững chắc để ngành thang máy Việt Nam phát triển an toàn, chất lượng và bền vững, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tiêu chuẩn không chỉ là khuôn khổ kỹ thuật đơn thuần mà còn là “la bàn” giúp định hướng phát triển công nghệ, sản phẩm và thị trường. Khi tiêu chuẩn được xây dựng một cách bài bản và phù hợp, các doanh nghiệp sẽ có cơ sở để cải tiến quy trình, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế.
Đức Minh
Thông tin mới cập nhật