TCTM – Tai nạn xảy ra vào chiều ngày 13/8/2024 (giờ địa phương) tại Sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) khiến một thợ thang máy tử vong do cabin đè vào người. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy nạn nhân đã không tuần thủ các quy trình an toàn và dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc.
Thợ thang máy tên Wisatrat Tangsoh (22 tuổi, Thái Lan) khi đang làm việc đã bị cabin thang máy kính nặng 2 tấn đè xuống người vào khoảng 1 giờ chiều ngày 13/8/2024 (giờ địa phương) tại Sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan.
Tai nạn xảy ra khi nạn nhân đang sửa chữa ở vị trí hố thang trong một nhà ga hành khách nội địa, hình ảnh được truyền thông Thái Lan chia sẻ cho thấy nạn nhân nằm ở dưới cùng của thang máy.
Khi tai nạn xảy ra, rất nhiều hành khách có mặt tại hiện trường đã không khỏi hoảng hốt khi nghe thấy tiếng la hét kinh hoàng cũng như tiếng cầu cứu hoảng loạn của nạn nhân, trong khi các đồng nghiệp của nạn nhân nhanh chóng bảo vệ khu vực và chạy đi tìm người hỗ trợ.
Được biết, nạn nhân là nhân viên Công ty TNHH Thang máy Châu Á (Asian Elevator). Khi các đồng nghiệp đến nơi đã phát hiện anh Wisatrat tử vong trên nền bê tông dưới hố thang máy.
Các nhân chứng cho biết, khi nạn nhân đang cố gắng lấy chiếc cờ lê ở dưới hố thang máy thì cabin di chuyển xuống và đè lên người. Chàng trai 22 tuổi đã phải đối mặt với những khoảnh khắc kinh hoàng cuối đời khi anh không thể thoát ra kịp thời và những người ở phía trên không thể dừng thang máy lại.
Đội cứu hộ đã lập tức đến hiện trường nhưng nạn nhân không may đã tử vong tại chỗ do bị thương nghiêm trọng ở đầu. Khu vực hiện trường đã nhanh chóng được phong toả, sự việc vẫn đang được điều tra làm rõ.
Sân bay quốc tế Suvarnabhumi cho biết: “Theo kết quả điều tra sơ bộ, chúng tôi phát hiện ra rằng nạn nhân đã không tuân thủ các quy trình an toàn và dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc.”
Cơ quan Quản lý sân bay Thái Lan (AOT) cũng thông tin thêm: “Chúng tôi muốn xác nhận rằng vụ tai nạn không phải do trục trặc thang máy trong khu vực. AOT xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình nạn nhân. Chúng tôi sẽ hợp tác toàn diện trong quá trình điều tra để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn.”
Theo dữ liệu từ Bloomberg, Sân bay Thái Lan có vốn hóa thị trường là 31 tỷ đô la Mỹ vào năm 2018, trở thành nhà điều hành sân bay giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, các sự cố về sức khỏe và an toàn đã từng xảy ra tại các sân bay do công ty nhà nước điều hành. Vào tháng 9 năm 2023, một hành khách đã bị cắt cụt chân do thang máy di chuyển bị lỗi tại cơ sở kết nối của thành phố là Sân bay quốc tế Don Mueang.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy, để phòng ngừa các tình huống tai nạn lao động gây nguy hiểm cho chính người lao động, các sản phẩm thang máy đã được thiết kế để trang bị các tính năng, cơ chế an toàn. Điều này cũng được quy định trong Tiêu chuẩn Châu Âu EN – bộ tiêu chuẩn về thang máy được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Trong đó, một số cơ chế an toàn bao gồm:
– Đảm bảo kích thước hố thang để có đủ không gian cho kỹ thuật viên làm việc, đồng thời có nút dừng khẩn cấp dưới hố thang để kỹ thuật viên kịp thời xử lý khi nhận thấy có dấu hiệu nguy hiểm.
– Trường hợp giếng thang máy có hố thang thấp (low pit lift), nút kích hoạt trạng thái chạy tự động bắt buộc phải thiết kế ở vị trí ngoài hố thang. Khi đó, sau khi kỹ thuật viên hoàn thành công việc và ra khỏi hố thang an toàn mới có thể khởi động lại trạng thái thang máy vận hành tự động.
– Thiết kế hệ kết cấu giá đỡ cabin thang máy để đảm bảo cabin không thể rơi xuống kịch hố thang máy và gây tổn hại người đang ở dưới hố thang. Theo đó, giá đỡ này là thiết bị được trang bị trên khung thang máy có cơ chế không cố định. Khi kỹ thuật viên làm việc dưới hố thang sẽ cố định vị trí để đỡ cabin trong tình huống cabin di chuyển xuống, sau khi hoàn tất công việc thì khôi phục lại trạng thái để không cản trở hành trình của cabin thang máy khi vận hành tự động.
Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Đức Hạnh cũng cho biết, nhiều thang máy hiện đại hiện nay đã trang bị các hệ thống chống kỹ thuật viên cố tình câu tắt các tính năng an toàn như câu tắt hệ thống an toàn cửa – một trong các thủ thuật nhiều kỹ thuật viên đang lạm dụng có thể gây nguy hiểm khôn lường. Đây là các giải pháp nhằm đảm bảo tối đa an toàn thang máy.
Quan trọng hơn, chuyên gia Nguyễn Đức Hạnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ quy trình làm việc và các biện pháp an toàn lao động, ý thức của kỹ thuật viên là yếu tố quan trọng nhất trong việc bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng của chính người lao động và người sử dụng thang máy.
“Chúng ta cần phân biệt khái niệm ‘thợ thang máy’ và ‘kỹ thuật viên thang máy’, cần yêu cầu các chứng chỉ nghiệp vụ, chứng chỉ an toàn lao động và sự chấp hành quy trình để trở thành một kỹ thuật viên thực thụ. Còn hiện nay, hầu hết vẫn là những người thợ sửa chữa làm việc tự do, thiếu kiểm soát.” – Chuyên gia Nguyễn Đức Hạnh nói thêm.
Minh Khôi
Thông tin mới cập nhật