TCTM – Một bên là núi cao, một bên là vực sâu, những chiếc thang máy được lắp đặt tại vách đá cao gần 270m ở Thung lũng sông Nizhu, Vân Nam, Trung Quốc đã giúp con đường đến trường của trẻ em nơi đây bớt nhọc nhằn, giúp các em gần hơn với ước mơ “thắp sáng con chữ”.
Thôn Nizhu tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được biết tới như một ngôi làng “bị thế giới cô lập” bởi những ngọn núi cao hun hút. Thế nhưng giờ đây, cuộc sống của những cư dân Nizhu đã khác xưa.
Thay vì lo lắng về những con đường vách đá nhọc nhằn mỗi ngày, cư dân nơi đây lại suy nghĩ nhiều hơn cho những kế hoạch tương lai của riêng mình – tất cả nhờ vào sự xuất hiện của một dự án tuyệt vời.
“Giữ vững đôi chân, băng qua được con đường này là sẽ ổn thôi”, “Mọi người hãy cẩn thận”… Giọng nói của những đứa trẻ vang vọng khắp Thung lũng sông Nizhu.
Đứng dưới chân thung lũng nhìn lên, phía trên hẻm núi cao vút, những bóng người gầy gò đang cố gắng leo lên mặt vách đá, trên người mang cặp sách nặng trĩu. Và đây cũng là con đường duy nhất để trẻ em thôn Nizhu đến trường.
Không chỉ trẻ em ở thôn Nizhu, có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn ở các khu vực núi rừng hiểm trở cũng trong cảnh đường tới trường là “đường lên trời”. Hình ảnh những đứa trẻ leo lên vách đá bằng thang dây để đi học tại một đỉnh núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)
Sông Nizhu là một nhánh của sông Bắc Bàn, Thung lũng sông Nizhu kéo dài khoảng 10km với những vách núi hùng vĩ, sâu thẳm. Hai bên hẻm núi là những vách đá cao hơn 400m, những vách đá cao chót vót tạo thành một khung cảnh ngoạn mục, vô song.
Những vách đá cao cùng dòng sông sâu thẳm cũng chính là bức tường lớn ngăn cách thôn Nizhu với thế giới bên ngoài.
Dưới chân núi là thôn Nizhu, trên đỉnh núi là làng Guanzhai, cả hai đều trực thuộc Ủy ban làng Guanzhai.
Thung lũng sông Nizhu nhìn từ trên cao
Khoảng cách thẳng đứng đi từ thôn Nizhu đến làng Guanzhai là hơn 400m. Đi theo con đường êm ái nhất, bạn cần lái xe đi dọc theo một con đường vòng ra khỏi tỉnh Vân Nam, quãng đường này mất hai giờ đồng hồ để tới làng Guanzhai. Còn muốn đi bộ lên đỉnh núi bạn sẽ phải leo theo “con đường trên trời”.
Nói là đi bộ nhưng thực chất là leo lên những vách đá đầy hiểm trở. Ở những vách đá có lối bám hẹp, con người giống như những con tắc kè với tứ chi cố gắng bám trụ vào vách đá và từ từ leo lên.
Dù dân làng vẫn thường chọn cách leo lên vách đá để tiết kiệm thời gian, nhưng ai khi nói về “con đường trên trời” ấy cũng đều lộ rõ vẻ sợ hãi.
Theo UNESCO, trên khắp thế giới, khoảng 124 triệu trẻ em không được đến trường và một lý do lớn là hành trình đến đó quá dài hoặc nguy hiểm.
“Có ba con đường đi bộ từ chân núi lên đỉnh núi” ông Qian Qingwen, Phó bí thư chi bộ thôn Guanzhai cho biết, trong đó có một con đường đi bộ nhanh nhất mất khoảng hơn 40 phút để đi từ chân núi lên đỉnh núi, nhưng hầu hết đều là những vách đá hiểm trở.
Xét về thời gian và sự an toàn, trẻ em khi đi học thường sẽ chọn con đường thứ hai để đến trường, tuy nhiên con đường này cũng có một số đoạn đường rất nguy hiểm.
Trẻ em tại thôn Nizhu phải leo núi hơn hai giờ mới đến được trường tiểu học Guanzhai trên đỉnh núi. Khi trẻ đến trường và khi tan học sẽ phải có người lớn đi cùng.
“Phải có người lớn đi cùng, ngay cả người lớn đi bộ quanh năm cũng phải hết sức cẩn thận khi leo vách đá, vì dưới chân vách là vực thẳm”, Qian Qingwen cho biết, trẻ em dưới lớp 4 phải được cha mẹ địu khi lên xuống núi, trên lớp 4 thì phải có người đi cùng.
Mọi thứ ở thôn Nizhu đã trở nên tươi sáng hơn kể từ khi dự án Công viên sinh thái Thung lũng sông Nizhu được khởi công vào cuối năm 2017.
Những vách núi cao đặt ra những thách thức lớn trong việc phát triển kinh tế địa phương, giao thông hiểm trở khiến các tiềm năng về du lịch cũng như vấn đề cải thiện giáo dục cho trẻ em nơi đây đều trở nên khó khăn hơn.
Một sáng kiến về hệ thống giao thông di chuyển bằng thang máy và cáp treo đã được để xuất, tức là sử dụng thang máy cho phần vách đá thẳng đứng phía dưới, sau đó chuyển sang cáp treo cho những địa hình có độ dốc ở phần trên đỉnh núi. Giải pháp này sẽ phù hợp cho cả du khách và người dân thôn Nizhu và làng Guanzhai.
Toàn cảnh công trình thang máy tại Công viên sinh thái Thung lũng Nizhu
“Có thể đứng trong thang máy rồi nhìn ra phong cảnh bên ngoài, từ chân núi lên đỉnh núi rất nhanh”, các bạn trẻ trong thôn hào hứng kể về dự án với những người lớn tuổi.
Sự ra đời của dự án này như thổi một luồng gió mới cho những người dân nơi cách biệt với thế giới.
Tôi nghe nói giá thang máy rất cao? Chúng tôi có thể sử dụng được không? Một lần sử dụng là bao nhiêu? – Nghe hấp dẫn là vậy nhưng dân làng có chút lo lắng khi nghĩ về vấn đề chi phí.
“Khi lập kế hoạch cho dự án, cân nhắc vấn đề đi lại của người dân địa phương, chúng tôi bắt đầu nộp đơn kiến nghị, phấn đấu cho phép người dân địa phương được sử dụng miễn phí”, ông Pu Shaokui, Giám đốc Văn phòng Đảng và Chính quyền địa phương chia sẻ và cho biết rằng, dự án này không chỉ giải quyết các vấn đề trong phát triển du lịch, kinh tế địa phương mà còn phải giúp cho cuộc sống của người dân trở nên tốt đẹp hơn.
Chưa đầy nửa năm sau những kiến nghị của địa phương, một tin tức phấn khởi đã đến: thôn Nizhu và những người dân các làng lân cận có thể đi lại bằng thang máy miễn phí, người thân và bạn bè đến thăm làng cũng được miễn phí.
Hình ảnh những đứa trẻ thôn Nizhu đi học mỗi ngày bằng thang máy
Bắt đầu từ tháng 3/2021, dân làng bắt đầu được di chuyển bằng thang máy và điều hạnh phúc nhất là những đứa trẻ cuối cùng không còn phải sợ hãi mỗi khi đi học phải di chuyển qua con đường vách núi nguy hiểm
Thang máy có chiều cao 268m và cáp treo có chiều dài hơn 200m, tất cả những giải pháp này đã giúp con đường thẳng đứng cao hơn 400m xưa kia của người dân nơi đây, con đường tới trường của những đứa trẻ đã rút ngắn từ hai giờ đồng hồ xuống còn chưa đầy bảy phút.
Không chỉ được đi thang máy và cáp treo đến trường, các em có thể tận hưởng, ngắm nhìn những phong cảnh hẻm núi tuyệt đẹp trên con đường em đi.
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật