TCTM – Một bé trai đã bị kẹt bàn tay vào khe cửa thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, một sự cố vô cùng nguy hiểm nhưng lại thường xuyên lặp lại. Phải làm gì?
Một video quay lại tình huống một bé trai bị kẹp cả bàn tay vào giữa khe cửa thang máy và vách cabin thang máy xảy ra tại một chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Cụ thể, sự cố xảy ra vào khoảng gần 10 giờ tối ngày 31/7/2024, khi cabin thang máy dừng lại và cửa thang máy mở ra, một cháu bé để tay sát cánh cửa đã bị kéo theo vào khe hở giữa cửa và vách cabin. Lực kéo của cửa quá mạnh khiến cả bàn tay bị nuốt vào khe. Sau khi sự cố xảy ra, người dân đã nỗ lực tạo thêm khoảng rộng của khe hở để giải cứu bàn tay cháu bé.
Theo đánh giá của các chuyên gia kỹ thuật thang máy, khi gặp tình huống kẹt thang máy như tình huống này, cách thức để giải cứu an toàn cho nạn nhân là:
Trong trường hợp này, thường là bị kẹt các ngón tay của trẻ em.
Cần hướng dẫn người bị kẹt tay xòe thẳng các ngón tay của bàn tay bị kẹt, để cửa được mở hết khoảng cách theo cài đặt. Đồng thời, người đứng vào phía trong cabin để không chắn cửa cabin, không ảnh hưởng đến hệ thống cảm ứng hồng ngoại của cửa thang máy, sau đó nhấn nút đóng cửa để cửa đóng lại và thoát tay ra ngoài.
Nếu lúc này cánh cửa không đóng, cần dùng chìa khóa mở hộp cop cabin và bật công tắc dừng hoạt động của cửa cabin, sau đó dùng tay kéo đóng cửa cabin và nhấc tay bị kẹt ra ngoài.
Tuy nhiên, nếu đánh giá tình huống thực tế phần tay bị kẹt nhiều, khó để cửa đóng lại tự nhiên và có thể tăng nguy cơ khi cửa đóng – mở lại gây bị thương nặng hơn cho phần tay bị kẹt. Khi đó, việc thử nghiệm các cách thức trên gây tốn thời gian, nên thực hiện theo cách thức dưới đây để giải cứu nhanh và an toàn nhất.
– Bước 1: Nhanh chóng ngắt nguồn điện thang máy, khi này, cửa thang máy sẽ không còn các lực kiểm soát bởi hệ thống điện và các cơ chế an toàn khác, quan trọng nhất là việc dừng thang máy sẽ hạn chế tình huống cabin tiếp tục di chuyển gây ra tai nạn nghiêm trọng hơn.
– Bước 2: Hướng dẫn người gặp nạn xòe thẳng các ngón tay của bàn tay kẹt để cửa được mở hết khoảng cách theo cài đặt, người đứng vào phía trong cabin để không chắn cửa.
– Bước 3: Dùng lực để đóng cửa lại, giải thoát tay ra ngoài. Nếu khoảng cách khe hở quá hẹp có thể dùng thêm các dụng cụ để tăng khoảng cách, tuy nhiên việc này thường sẽ gây hư hỏng cho thiết bị thang máy.
Việc xử lý tình huống thực tế yêu cầu khả năng phán đoán của kỹ thuật viên cứu hộ, bởi nếu xử lý không phù hợp có thể gây nguy hiểm hơn cho người gặp nạn.
Đặc biệt, thiết kế và vật liệu của cửa thang máy và phần vách cabin đều có phần cạnh kim loại sắc, nếu xử lý sai cách thậm chí có thể khiến tay nạn nhân bị cạnh kim loại tạo vết cắt/chém vào tay.
Ngoài việc xử lý tình huống khẩn cấp, việc phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất.
Quá đánh giá của chuyên gia kỹ thuật thang máy, cần xem xét lại các vấn đề:
1. Khoảng cách khe hở giữa cửa cabin và vách cabin
Theo quy chuẩn kỹ thuật, độ rộng khe hở này không được lớn hơn 6mm, và không quá 10mm trong điều kiện đã bị mài mòn.
2. Chất lượng vật liệu và độ chịu lực của thiết bị
Theo quy chuẩn kỹ thuật, cửa thang máy và vách cabin thang máy đều cần đáp ứng khả năng chịu lực tối thiểu không bị biến dạng. Quy định này nhằm đảm bảo khi có vật thể kẹt vào khe hở, vật liệu không bị biến dạng làm tăng khoảng cách khe hở. Điều kiện này cũng tránh việc bộ phận cơ thể người bị kẹt và/hoặc kẹt quá sâu.
Do đó, việc phòng ngừa các sự cố thang máy tương tự cần chuẩn bị từ khâu thiết kế và sản xuất, đồng thời là kiểm định, bảo trì – bảo dưỡng định kỳ.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn cả chính là ý thức của người sử dụng. Người dùng thang máy cần lưu ý tuyệt đối không để trẻ em sử dụng thang máy một mình và người lớn cần đảm bảo trẻ không đứng sát vị trí cửa cabin, nghịch ngợm thang máy để tránh các nguy cơ mất an toàn. Cần chủ động bảo vệ bản thân trước khi các sự cố không may xảy ra.
Việc dán các thông báo, cảnh báo tại vị trí cửa tầng, cửa cabin để người sử dụng lưu ý cũng là việc cần thiết
Minh Dương
Thông tin mới cập nhật