TCTM – Có lúc tôi tự hỏi, mình sẽ lên căn hộ chung cư, các tòa cao ốc thế nào nếu không có thang máy?
Tất nhiên rồi, không có thang máy thì có lẽ sẽ phải tính toán lại việc xây dựng tòa nhà cao tầng. Và nếu như thế, làm sao chúng ta có thể có cơ hội đứng ở những tòa cao ốc, quan sát thành phố và nghĩ về sự rộng mở của cuộc đời. Và làm sao có thể hiểu được triết lý, con người cần phải chinh phục những đỉnh cao. Bởi thế, bao năm qua, nhà cao tầng vẫn hiên ngang vươn lên trời xanh trong bời bời khát vọng.
Có một điều, cuộc sống đô thị ngày càng phát triển, cao ốc mọc nhiều hơn, cũng sẽ tỷ lệ thuận với sự có mặt của những cỗ thang máy. Tôi phải gọi là những “thực thể” thang máy – khi mỗi ngày lại gần gũi hơn với con người. Cũng có người gọi thang máy là những thành viên của cư dân các tòa nhà, các cao ốc. Lúc ta ra ngoài, đi làm, thang máy tiễn chào. Rồi khi tạm xa thế giới ồn ào bên ngoài, trở về căn hộ, tổ ấm bình yên, thang máy mở cửa đón. Mỗi lúc thang máy mở cánh cửa ra, như mở vòng tay ôm lấy, chạy êm, thật sảng khoái biết dường nào. Trong hình dung của con người, thang máy như mạch máu, bảo đảm sự lưu thông thông suốt cho các tòa nhà, kết nối các không gian với nhau.
Song, đã là cư dân chung cư hay làm việc trong các tòa nhà, hẳn mỗi chúng ta đều có những phút giây đứng chờ đợi, để được lên xuống một cách nhịp nhàng. Khi vào cabin, là vào trong không gian, một sự che chở theo đúng nghĩa. Ở mỗi tầng của tòa nhà đều có sảnh để chờ đợi. Khu sảnh chung cũng là nơi diễn ra những buổi sinh hoạt tầng, các bữa tiệc tất niên, sự kiện cho thiếu nhi, sinh nhật của các em bé trong tầng… Khi chờ đợi để được thang máy chuyên chở, ta mới hiểu mỗi phút giây quý giá nhường nào. Nếu người quá đông, sẽ xảy ra ùn tắc, đi chậm, rồi người này chen lấn người kia. Khi đó, ta chỉ mong sao được đi thật nhanh. Mà muốn nhanh thì thang phải khỏe, như cơ thể người vậy. Khỏe mới hào hứng làm việc, mới hoàn thành tốt kỷ luật công việc mà ta sẽ phải làm. Khi thang “ốm” thì… phải nghỉ thôi! Đúng là thế đó, đã là “thực thể” thì có lúc thế này thế khác. Không gì có thể vận động mãi mãi được, kể cả máy móc. Mà khi ốm thì cần điều trị, dùng thuốc. Các kỹ sư ngành, giỏi công nghệ kỹ thuật sẽ làm việc đó. Họ là những bác sĩ thang máy chuyên nghiệp, sẽ tiếp sức, làm thang khỏe lên. Họ tiến hành từng bước, từ khám, chẩn đoán, rồi điều trị, cắt thuốc. Tất cả thật khoa học và nhịp nhàng.
Nhưng để thang không ốm vặt, trước hết, mỗi cư dân cần yêu thang, như yêu một món đồ quý giá của gia đình, để hằng che chở, bảo vệ, chăm sóc. Mỗi thang cần con người cộng sinh cho việc vận hành được trơn tru, thuận lợi. Sứ mệnh của thang là làm việc, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân chúng ta. Ta sẽ chẳng vui gì, khi đi làm về, lại phải nhìn thấy tấm biển ở tầng 1, thông báo thang hỏng.
Còn nhớ, khi mới đến tòa chung cư sinh sống, đó cũng là năm con trai tôi được hai tuổi. Khi bế con đi qua, nó thường đòi nhấn vào nút gọi tầng để thỏa tò mò. Nhưng nó sẽ không được làm thế. Người lớn thường tìm cách bảo ban để con trẻ không tự động chạm vào các nút thang khi chưa đủ tuổi, và chỉ được dùng khi có người lớn. Rồi con tôi lớn thêm. Nó rất thích cảnh giờ tan tầm, về tòa nhà, thấy nhiều người, trong đó có khá nhiều trẻ em cùng đứng đợi. Đó là một nét thường thấy ở mỗi tòa nhà. Con tôi thích tìm hiểu, nên nó thường hỏi tôi về ánh mắt, nụ cười mỗi người khi chờ đợi thang. Lúc ấy, nó vẫn chưa hiểu nhiều về cuộc sống.
Một ngày nọ, khi con tôi học lớp ba. Tôi hỏi con, nhìn vào thang máy, con thấy gì? Nó trả lời: Con thấy mọi người đi ra đi vào rất đông vui ạ. Lên lớp 5, tôi lại hỏi câu đó, con trai tôi trả lời: Con thấy các chị xinh, xức nước hoa thật thơm. Lên lớp tám, vẫn câu hỏi đó, con tôi trả lời: Con nhìn thấy ở sảnh nhiều khuôn mặt khác nhau. Có người vui, người buồn. Có người không ra vui, chẳng ra buồn. Nhưng tất cả đều phải đi vào cabin.
Con trai lém lỉnh, lúc này, hỏi lại tôi: Vậy nhìn vào thang máy, bố thấy gì? Tôi ngẫm, rồi bảo: Bố thấy tương lai của cuộc sống. Con người ngày càng sống tốt hơn, và đô thị phải nén hơn, nhà cao tầng mọc nhiều hơn. Thang máy chính là người bạn đưa ta chinh phục những đỉnh cao.
Con tôi cười sảng khoái: Vậy là sẽ ngày càng nhiều thang máy xuất hiện trong cuộc đời, bố nhỉ?
Bố con trò chuyện, cũng phải nhắc về vợ tôi, người ngày nào cũng vài bận đi qua. Lúc đi làm, khi về, khi đi chợ hay xuống sảnh nhận đồ…Một lần tôi hỏi vợ, nhìn vào thang máy em thấy gì? Vợ tôi cười, rồi trả lời: Chị em thích mặc đẹp, ngay cả ở thang máy cũng đẹp. Nhưng em muốn khi ở trong cabin, mọi người nên ít nói chuyện hơn.
Đó, cùng trải nghiệm và nghĩ về thang máy, nhưng sự hiểu biết khác nhau. Ở chung cư có cả nghìn người, hẳn mỗi người sẽ có cách nhìn nhận của riêng mình. Họ cũng có cách đối thoại, tâm sự, để hiểu thang hơn. Và chắc lẽ, họ cũng có quan niệm về điểm cao cũng như các giá trị sống của riêng mình.
Sẵn có năng khiếu, con tôi vẽ tranh về những tòa nhà cao tầng, với bao giấc mơ chinh phục đỉnh cao của ngành công nghệ xây dựng. Nó cũng thích vẽ về những hình ảnh rất đỗi quen thuộc ở khu vực đứng chờ thang máy, sảnh tầng. Khi là một bà mẹ bế đứa con bé bỏng đáng yêu có đôi mắt to đen. Khi là một cô gái ôm hoa đứng trong thang thật xinh đẹp. Cũng có khi là vài đứa trẻ, chơi đùa ở sảnh thang tầng thật hồn nhiên, trong sáng. Lúc khác là tranh về cả gia đình tôi ôm hoa đứng bên sảnh thang để chụp ảnh.
Bẵng một thời gian, con trai khoe tôi bức tranh khá lớn, vẽ kỹ, mảng màu đâu ra đấy, có chiều sâu với sức gợi thật mãnh liệt. Đó là bức tranh vẽ một đám trẻ vây quanh anh kỹ sư, đứng trước sảnh thang. Một em bé đại diện tặng anh kỹ sư bó hoa thắm. Anh nở một nụ cười tươi rói. Hỏi vì sao con vẽ tranh này, con tôi rành rẽ: Nhiều khi vì vô tình, chúng ta quên người kỹ sư, bố ạ. Họ là những người làm nên sự trơn tru, khỏe mạnh của cỗ thang. Họ luôn xứng đáng được tôn vinh, bởi vì bằng sức lực, trí tuệ và tận tâm, họ đã chẩn đoán và bốc thuốc kịp thời cho các thang máy ở tòa nhà ta.
Đó là một món quà bất ngờ cho người kỹ sư nói chung, nhưng cũng là cách tôn vinh những chiếc thang máy ở tòa chung cư chúng tôi. Đúng hơn, đó là sự gợi mở về lòng biết ơn. Trong cuộc sống, đôi khi vì quá bận, hoặc mải chạy theo cuộc mưu sinh, ta quên mất cần phải trân trọng, cảm ơn những người âm thầm, lặng lẽ ở góc khuất, nhưng lại góp phần vào cuộc sống bình yên này.
Tác giả: Nguyễn Văn Học
Ban Chuyên đề – Báo Nhân Dân
Cuộc thi “Viết về nghề thang máy” do Tạp chí Thang máy phát động nhân dịp Ngày Thang máy Việt Nam 16/7 (Vietnam Lift Day) nhằm tôn vinh các giá trị, nét đẹp của người làm nghề thang máy. Thời gian gửi bài dự thi từ 16/07/2024 đến 16/07/2025 (Bài dự thi được trao giải hàng tháng và giải chung cuộc).
Chi tiết thể lệ cuộc thi đọc tại:
Thông tin mới cập nhật