TCTM – Ngày 22/5, một ca tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do thang máy vận chuyển thức ăn của nhà hàng rơi trúng đầu. Trước đó, ngày 13/3 cũng có trường hợp nhân viên phục vụ tại một trường mầm non gặp tai nạn ngã vào hố thang nâng dẫn đến tử vong. Mối nguy hiểm khôn lường từ thang tải thực phẩm cần có sự can thiệp quyết liệt hơn.
Theo Báo Bắc Giang, ngày 22/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa cấp cứu một ca tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do thang máy vận chuyển thức ăn của nhà hàng rơi trúng đầu.
Bệnh nhân là bà D.T.H (SN 1965) ở xã Tiền Phong (Yên Dũng, Bắc Giang) được người nhà đưa vào viện lúc 12 giờ ngày 21/5 trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, kích thích vật vã, thở yếu, tím môi và đầu chi, mạch đập nhanh, phía trước cổ có vết hằn tím như bị dây thắt.
Bệnh nhân D.T.H đang được theo dõi sức khỏe tại Khoa Cấp cứu (Ảnh: Mai Toan/Báo Bắc Giang)
Người nhà cho biết, gia đình mở nhà hàng, có thang máy vận chuyển thức ăn. Ngày 21/5, gia đình gọi thợ đến sửa thang máy trong lúc bà H đi vắng. Khi bà trở về và dọn dẹp ở tầng 3, lúc nghiêng người vào buồng thang máy đúng thời điểm thợ sửa chữa ở tầng 4 vận hành khiến thiết bị rơi xuống trúng đầu, đè vào ngang cổ làm bà H bất tỉnh. Rất may khi đó có nhiều người ở nhà nên được phát hiện, xử trí cấp cứu tạm thời sau đó đưa đi cấp cứu kịp thời.
Khi đến bệnh viện, nhận thấy tình trạng người bệnh rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, kíp trực đã nhanh chóng xử trí cấp cứu bằng cách truyền dịch chống sốc, đặt nội khí quản đồng thời cho bệnh nhân thở máy xâm nhập để theo dõi các chỉ số sinh tồn. Đến ngày 22/5, bệnh nhân đã qua nguy kịch, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và có thể tự thở.
Trước đó, báo Dân trí cũng đưa tin về sự việc đau lòng xảy ra tại Trường Mầm non 14 (quận Tân Bình, TP. HCM): Bà T.T.X.C (SN 1970) làm nhân viên phục vụ tại trường thì gặp tai nạn ngã vào hố thang nâng tại trường vào sáng ngày 13/3. Sau sự việc, nhà trường đã sơ cứu, đưa nạn nhân vào Bệnh viện quận Tân Bình rồi chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất. Tới ngày 15/3, bà C. qua đời.
Việc gặp sự cố với thang nâng, thang máy tải thực phẩm cũng không phải mới.
Tối 26/9/2017, một nam thanh niên làm việc tại một nhà hàng trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã bị kẹt đầu trong thang tải thực phẩm khi đang lấy đồ ăn từ thang ra ngoài. Khi lực lượng cứu hộ cứu nạn đến hiện trường, nạn nhân đã tử vong.
Ngày 8/2/2020, vụ rơi thang chở hàng xảy ra tại hộ kinh doanh Ngô Văn Hậu trên đường Nguyễn Văn Vịnh (quận Tân Phú, TP. HCM), hậu quả làm chết 1 người, 2 người bị thương.
Ngày 29/5/2020, thang nâng hàng tại Trường mầm non Kim Đồng, địa chỉ 287ª Tân Hòa Đông (quận Tân Bình, TP. HCM) bị kẹt khiến 1 người tử vong.
Cơ chế vận hành của thang tải thực phẩm: Đặt hàng hóa trực tiếp trên các khay hoặc dùng xe đẩy có nhiều tầng đẩy vào cabin thang máy, ấn nút để thang vận chuyển đến tầng cần chuyển đến. Thông thường, tốc độ của thang máy tải thực phẩm trong khoảng 0,3 – 0,5 m/phút. Khi thang máy đến nơi, người tại tầng nhận hàng mở cửa (thường là loại cửa mở bằng tay) để nhận hàng rồi đóng cửa lại. Bất kì tầng nào có nhu cầu dùng thang máy để vận chuyển hàng đến tầng khác sẽ ấn nút gọi tầng để gọi thang máy đến, mở cửa và đặt hàng hóa vào. Thang tải thức ăn không yêu cầu có cửa trong cabin.
Do thao tác đơn giản, có sử dụng thao tác tay, nhiều người xem nhẹ yếu tố an toàn và có khi vì lý do kinh phí đầu tư hạn chế, thang máy không được gia công chính xác với thiết bị an toàn tốt có thể gây ra tai nạn trong quá trình sử dụng.
Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành ngày 30/12/2019 có kèm theo danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có bao gồm thang máy các loại. Theo phân loại, thang máy tải thực phẩm thuộc Loại V: Thang máy điều khiển ngoài cabin chỉ dùng để chuyển chở hàng. Tuy nhiên, hầu hết các thang tải thực phẩm đang được lưu hành đều theo hình thức tự chế, khó kiểm soát chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Thang máy, thang cuốn thuộc Mục I. Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Theo ông Trần Thọ Huy – Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam, với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề sản xuất thang máy, ông nhận định có các nguy cơ gây mất an toàn từ thang máy tải thực phẩm, thang nâng như:
– Dây cáp: Do hạn chế về diện tích lắp đặt, hố thang quá chật hẹp nên lựa chọn loại tời nâng kéo chỉ gồm 1 sợi cáp, hệ thống điều khiển không an toàn rất dễ xảy ra đứt cáp.
– Hệ thống an toàn không đầy đủ: không có khóa an toàn cửa tầng, hệ thống phanh, cảm biến tải trọng,…
– Tính toán, phân tích tải trọng để bố trí hệ thống cáp, phanh dự phòng,… không đầy đủ.
– Không được kiểm định về tải trọng, phòng ngừa,… theo đúng quy định.
Thang máy tải thực phẩm thường sử dụng tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, tại các trường học có hoạt động ăn nội trú, bán trú,… đều là những nơi thường xuyên có nhiều người qua lại. Tuy nhiên quá trình sử dụng, bảo trì lại tồn tại nhiều vấn đề:
– Người sử dụng yêu cầu hoặc thợ bảo trì tự ý câu tắt chốt an toàn cửa tầng để có thể mở cửa tầng khi thang không ở vị trí bằng tầng.
– Người sử dụng mở cửa ngó vào giếng thang để quan sát vị trí thang, gây ra kẹt đầu, thang va vào đầu.
– Thang đang dừng để lấy đồ ra thì có tín hiệu gọi ở tầng khác và di chuyển dẫn đến kẹp tay, đổ hàng hóa,…
– Quá trình bảo trì không có biện pháp đảm bảo về an toàn lao động, có biển cảnh báo, chăng dây bảo hiểm,…
– Không thực hiện bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, dễ dẫn đến hỏng hóc và sự cố thang máy.
Không chỉ riêng với thang máy tải thực phẩm, thang nâng, đây cũng là lỗi thường gặp gây ra sự cố với các thang máy nói chung và trở thành nguyên nhân của khoảng 70% tai nạn thang máy.
Cửa tầng của các thang máy tải thực phẩm có hai loại là cửa loại bản lề hoặc loại cửa lùa mở bằng tay. Dù sử dụng loại cửa nào cũng hoạt động theo một quy trình chặt chẽ theo 2 yếu tố cơ bản là cơ khí và hệ thống điện. Về hệ thống cơ khí, cửa tầng có một chốt hình móc câu khép chặt, bình thường không thể mở ra, nếu muốn mở cưỡng chế cần có một chìa khóa chuyên dụng. Theo quy trình hoạt động, khi cabin dừng ngang sàn tầng, kiếm cửa sẽ gạt chốt của cửa tầng, khi đó mô tơ cửa trên nóc cabin sẽ được kích hoạt để cửa mở ra.
Chốt cơ khí cửa tầng thang máy
Về hệ thống điện, cửa chỉ được mở khi thang đã về vị trí bằng tầng. Còn nếu cửa tầng tự nhiên mở ra sẽ cắt mạch điện an toàn và cả hệ thống thang máy sẽ ngừng hoạt động vì bộ xử lý hiểu là thang máy không đủ an toàn để hoạt động.
Thang máy khi được lắp đặt đúng kỹ thuật thì sẽ không hoạt động nếu một trong các tiếp điểm chưa đóng kín hẳn (khi đó mạch hở). Chính vì nguyên lý này mà thang máy được thiết kế một hệ thống khóa liên động đảm bảo cửa tầng sẽ không thể mở ra được nếu cabin chưa dừng đúng điểm bằng tầng đó.
Sau quá trình sử dụng lâu dài gây hao mòn cửa tầng, do sản xuất không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật hoặc thậm chí do bị “câu tắt” các chốt phanh an toàn, thang máy dễ gây ra lỗi “cửa đóng mở không sát” hoặc cửa mở dù thang chưa về vị trí bằng tầng, điều này dễ gây nguy hiểm người dùng mở cửa tầng đưa tay hay đưa cả đầu vào nhìn xem thang đang ở đâu trong lúc thang đang di chuyển gây ra tai nạn kẹt tay, kẹt đầu,…
Là một thiết bị dùng để vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, tưởng như thang máy tải thực phẩm, thang nâng không chở người thì sẽ hạn chế các tai nạn lao động về con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thang máy tải thực phẩm, thang nâng hàng được lắp đặt trong môi trường có nhiều người, người sử dụng tương tác liên tục với thiết bị. Các nguy cơ về mất an toàn lao động luôn rình rập.
Do đó, mối nguy hiểm khôn lường từ thang tải thực phẩm cần có sự can thiệp quyết liệt hơn và đồng bộ từ cả người sử dụng, nhà sản xuất, đơn vị bảo trì – sửa chữa và các cơ quan chức năng.
Vũ Dương
Thông tin mới cập nhật