TCTM – Buôn lậu, hàng giả là vấn đề lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét buôn lậu, hàng giả trong thời gian từ ngày 15/5-15/6.
Sáng 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Theo các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp, những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm.
Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương, lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đạt kết quả nhất định, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, thị trường, kiểm soát hàng hoá, bảo vệ sức khoẻ người dân, bảo đảm an ninh, trật tự…
Tuy nhiên, gần đây nhiều vụ án nghiêm trọng được khám phá như vụ sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hoá, thực phẩm giả ở Phú Thọ, thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội, hàng giả tại TPHCM; hàng giả buôn bán tràn lan trên mạng xã hội; tình trạng thao túng, găm hàng, đội giá… tác động, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý người dân, ảnh hưởng đến an ninh tật trự, thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội.
Nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng và thẳng thắn cho rằng do có sự buông lỏng của một số cơ quan và một số địa phương liên quan, Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi phải chăng do thiếu tinh thần trách nhiệm; chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ…
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân còn chưa hiểu hết các thủ đoạn vi phạm do công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ; việc xử lý sai phạm chưa kịp thời, triệt để; phối hợp giữa các cơ quan có lúc chưa chặt chẽ; hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng sự quản lý chưa theo kịp tình hình…
Một số cá nhân tham gia công tác phòng chống lại có vi phạm, như lực lượng chức năng vừa khởi tố, bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)…
Nguyên Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cùng 4 người bị khởi tố với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ sản xuất hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả. Ảnh: Bộ Công an
Công an thu giữ tổng số lượng khoảng 100 tấn các loại thực phẩm chức năng giả – Ảnh: Bộ Công an
Đánh giá thời gian tới, tình hình còn diễn biến phức tạp và có thể diễn biến phức tạp hơn; Thủ tướng nêu rõ mục tiêu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.
Từ đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước, thúc đẩy tăng trưởng, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, uy tín, thương hiệu đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Về quan điểm, Thủ tướng nêu rõ, đây là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, tăng cường quản lý nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, huy động sự vào cuộc của nhân dân; là nhiệm vụ mang tính lâu dài, phải làm thường xuyên, toàn diện, không ngừng nghỉ.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu trước hết mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.
Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, Các địa phương thành lập tổ công tác do chủ tịch UBND làm tổ trưởng, có sự tham gia của đại diện các ngành để triển khai đợt cao điểm trong thời gian từ ngày 15/5-15/6, sau đó sẽ tiến hành sơ kết…
Tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại không chỉ diễn ra phổ biến trên thị trường hàng tiêu dùng thông thường mà còn len lỏi vào nhiều lĩnh vực chuyên biệt, trong đó có ngành thang máy. Vấn nạn linh kiện, thiết bị thang máy nhái giả, gian lận xuất xứ đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Nhiều đối tượng và doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý, khai báo hải quan để thực hiện các hành vi gian lận như khai sai tên hàng hóa, chủng loại, xuất xứ. Đặc biệt phổ biến là hành vi che giấu nguồn gốc thật của lô hàng, nhập khẩu hàng hóa từ nước A sang nước B chỉ để lấy xuất xứ của nước B rồi mới nhập về Việt Nam nhằm hợp thức hóa nguồn gốc.
Lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp gian lận xuất xứ bằng cách che dấu tuyến đường của lô hàng.
Trên thị trường, không ít loại thang máy được chào bán dưới cái tên “thang máy liên doanh”, chủ yếu sử dụng máy kéo và tủ điều khiển sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì khai báo đúng xuất xứ, các doanh nghiệp này lại làm giả giấy tờ hoặc nhập khẩu vòng qua các nước thứ ba như Thái Lan, Malaysia… rồi đưa về Việt Nam dưới tên, nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng là sản phẩm của Nhật Bản, châu Âu…
Ngoài ra, một số đối tượng còn lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng xanh) để gian lận về số lượng, chủng loại. Các thủ đoạn khác bao gồm khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; hàng quá cảnh; hàng tuồn vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm để nhập lậu.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã phải phát đi thông báo về việc phát hiện một số công trình tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đã sử dụng máy kéo Ziehl-Abegg giả, không phải do Ziehl-Abegg sản xuất, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại thay đổi nhãn mác, sử dụng logo trái phép, cung cấp giấy tờ CO CQ giả mạo để trục lợi. Sản phẩm được làm giả tinh vi từ màu sơn, tem mác máy, tem phanh máy gây nhầm lần cho người tiêu dùng.
Máy kéo Ziehl-Abegg thật (bên trái) và giả (bên phải)
Việc sản xuất hàng giả, hàng nhái cũng như tiếp tay cho loại hàng hóa này lưu thông trên thị trường không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, an toàn tính mạng và quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm tổn thương sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính. Nếu không có biện pháp xử lý triệt để, vấn đề này sẽ triệt tiêu năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Nhằm hướng tới những lợi ích thiết thực cho cộng đồng ngành thang máy, ngày 20/4/2023, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) và Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng thang máy.
Mọi thông tin cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ Đường dây nóng Hiệp hội thang máy Việt Nam và Tạp chí Thang máy – Số điện thoại: 02473099868; Email:contact@vnea.com.vn hoặc contact@tapchithangmay.vn
Phương Trang
Thông tin mới cập nhật