TCTM – Để phân tích về nguồn gốc lợi nhuận ngành thang máy, chúng ta cần biết một số khái niệm: thị trường phát triển và thị trường bão hòa, lợi nhuận bán mới và lợi nhuận từ dịch vụ.
Đối với các thị trường phát triển, nhu cầu mua sắm thang máy mới rất lớn do tốc độ đô thị hóa cao thì lợi nhuận các doanh nghiệp thang máy được tập trung ở khâu bán mới và các doanh nghiệp thương mại cũng chỉ thu được lợi nhuận từ khâu này.
Tuy nhiên, khi thị trường đã bão hòa, tốc độ đô thị hóa đã chậm lại hay suy thoái kinh tế hay với sức cạnh tranh lớn thì chiến lược của các hãng chuyển sang thu lợi nhuận từ nguồn sau bán hàng: bảo trì, thay thế linh kiện và giảm giá bán mới để cạnh tranh lẫn nhau.
Đương nhiên, miếng bánh từ lợi nhuận sau bán hàng lại chủ yếu thuộc về túi của nhà sản xuất còn các công ty thương mại thì cơ bản là không được gì vì dịch vụ bảo trì họ chắc chắn không nhả ra cho bất kỳ bên nào khác.
Tại thị trường Việt Nam, sự xuất hiện của các hãng đều đến từ các nước phát triển và họ đã quá quen với chiến lược “thị trường bão hòa” cũng như sức mạnh về tài chính nên họ áp dụng chiến lược bán giá thấp, hi sinh lợi nhuận ở giai đoạn bán mới và kỳ vọng vào lợi nhuận thu lại ở giai đoạn hậu bán hàng, cung cấp linh kiện và dịch vụ.
Do vậy, việc để khách hàng phụ thuộc vào họ trong quá trình sử dụng là hết sức quan trọng đối với các hãng thang máy. Mỗi hãng đã nghiên cứu để phát triển một giao thức riêng của mình trên cơ sở truyền dữ liệu “Can bus”. Khi khách hàng đã mua thang máy của họ thì việc thay thế linh kiện hay nhân công thực hiện bảo trì sau này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Do vậy, lợi nhuận mà họ hy sinh ban đầu được bù lại ở giai đoạn này. Điều này đã khiến cho khách hàng vô cùng bối rối và khó chịu khi bị “giam lỏng” và nhiều nước đã đưa ra quy định để chống điều này nhưng chưa hiệu quả.
Việc thực hiện bảo trì, thay thế linh kiện thiết bị vẫn dựa trên cảm tính thay vì tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật (Ảnh: Hiệp hội Thang máy Việt Nam)
Vào năm 1986, đã có một xu hướng mở khác, một nhóm các doanh nghiệp đã đưa ra giao thức mở “CANopen” có thể giúp cho người tiêu dùng tự do, không phụ thuộc vào linh phụ kiện và dịch vụ mang tính độc quyền của một hãng.
Như vậy, có thể chia thị trường thang máy vào hai nhóm doanh nghiệp sản xuất là giao thức đóng “Can bus” của riêng doanh nghiệp để độc quyền linh kiện, thiết bị, kỹ thuật thay thế và “CANopen” là giao thức mở để người sử dụng có thể có nhiều lựa chọn khi thay thế linh kiện thiết bị.
Tuy nhiên, để hiểu và đánh giá phân tích lựa chọn khi mua sắm công hiện nay ở Việt Nam chưa có chủ đầu tư nào chú ý đối với điều này. Do vậy, chi phí đầu tư ban đầu có thể thấp nhưng chi phí vận hành lại rất cao mà không có sự thống kê để có kết luận về hiệu quả đầu tư lâu dài của vòng đời dự án.
Mã định danh thang máy có thể trở thành một hệ thống thống kê cho mục tiêu đo lường và phân tích, đánh giá nhằm mục đích mua sắm hiệu quả hơn – Ảnh: Hiệp hội Thang máy Việt Nam
Đối với các chung cư thì các chủ dự án cũng chỉ tập trung vào giai đoạn mua bán ban đầu nhằm đảo bảo giá rẻ và hiệu quả nhất còn gánh nặng bảo trì, bảo dưỡng thì chủ yếu lại do cư dân gánh vác vì nhà sau khi xây, bán xong nhà thì chi phí vận hành, thay thế bảo trì sẽ do người sử dụng chứ không thuộc về chủ dự án ban đầu.
Vì vậy, thực tế đã xảy ra những bức xúc thậm chí các cuộc biểu tình khi cư dân không đồng tình với những chi phí sau bán hàng mà các hãng quy định, còn đối với dự án công thì nguồn ngân sách nhà nước vẫn phải gánh chịu.
Thiết nghĩ, để có sự cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo cho quyền lợi lâu dài của người tiêu dùng, hiệu quả đầu tư công thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên xem xét ban hành chính sách phù hợp cũng như thị trường cần một công cụ, đo lường để người tiêu dùng có thể đánh giá, phản ánh xếp loại các hãng. Từ đó tạo áp lực với các hãng sản xuất thang máy để họ có chính sách dịch vụ sau bán “nhẹ tay” hơn với người sử dụng.
Gió Đông
Thông tin mới cập nhật