TCTM – Tôi đã làm việc về an toàn thang máy trong hai thập kỷ. Do đó, tôi đã rất cố gắng tiếp cận người dùng, kỹ thuật viên, thành viên Ủy ban xã hội, cơ quan an ninh và cơ quan bảo trì tòa nhà để nâng cao nhận thức của họ về an toàn thang máy. Nhưng có vẻ như cách tiếp cận của tôi còn nhiều hạn chế, và vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm để đạt được mục tiêu “Không có tử vong trong tai nạn thang máy ở Ấn Độ”.
Theo thống kê năm 2021, Ấn Độ có 24 trường hợp tử vong trong 8 vụ tai nạn. Còn năm nay, tính đến thời điểm này đã có 15 trường hợp tử vong được báo cáo trong số các vụ tai nạn tương tự. Điều đáng ngạc nhiên là số ca tử vong của các kỹ thuật viên thang máy làm việc trực tiếp với thang máy ngày một tăng lên. Đây là hồi chuông cảnh báo cho ngành công nghiệp thang máy của Ấn Độ.
Các vụ tai nạn thang máy gần đây khiến các kỹ thuật viên thang máy tử nạn được tổng hợp thành hồ sơ để chúng tôi nghiên cứu và đưa ra các yêu cầu hành động khắc phục. Tất nhiên cũng không loại trừ những vụ tai nạn mà hành khách cũng mất mạng và con số này cũng là một con số đáng phải suy ngẫm.
Từ tháng 1 – 6/2022 đã có 15 trường hợp tử vong được báo cáo, trong đó 8 kỹ thuật viên và 7 hành khách thiệt mạng. Chúng tôi không thể bỏ qua thương vong của hành khách nhưng trong bài viết này, tôi tập trung vào những cảnh báo riêng cho ngành công nghiệp thang máy. Đối với tất cả những tai nạn mà kỹ thuật viên thang máy mất mạng, các công ty thang máy cần phải điều tra và tìm ra nguyên nhân gốc rễ.
Có thể có một vài vụ tai nạn nữa, trong đó một số vụ tai nạn có thể không được báo cáo hoặc có thể do tôi bỏ sót. Ngoài ra, xin lưu ý rằng đây chỉ là danh sách các tai nạn gây tử vong. Trong số những sự cố này:
1. Nhà máy thép điện Bokaro nằm ở phía đông trung tâm Bokaro, Ấn Độ. Ba công nhân hợp đồng thang máy tử vong khi đang làm việc bên trong giếng thang máy.
2. CHS PMGP mới, Mulund, gần Mumbai. Kỹ thuật viên tử vong khi đang làm việc trên nóc cabin.
3. Khu phức hợp Shreeji Darshan, Vadodara, phía tây trung tâm Ấn Độ. Kỹ thuật viên tử vong khi đang làm việc trên nóc cabin.
4. Hanuman Ganj, Bhopal, miền trung Ấn Độ. Kỹ thuật viên tử vong khi đang làm việc trên nóc cabin.
5. S.G.S.Hospital, Nashik, miền bắc Ấn Độ. Một nhân viên cơ quan khác bị ngã và tử vong khi đang làm việc ở lối vào thang máy.
6. Siddhajyot CHS, Đường Grant, Mumbai. Một kỹ thuật viên thiệt mạng và một kỹ thuật viên bị thương khi làm việc trên nóc cabin.
Sáu vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của tám kỹ thuật viên trong ngành. Các kỹ thuật viên dịch vụ đáng lý phải là người đảm bảo sự an toàn của hành khách, cứu hộ cứu nạn khi xảy ra sự cố. Vậy mà trong những trường hợp trên, họ đã không thể bảo toàn mạng sống của chính mình. Điều này buộc chúng ta phải nghĩ đến trình độ huấn luyện an toàn, thiếu ý thức về an toàn, thiếu sự giám sát chặt chẽ và thiết bị an toàn không phù hợp hoặc không đủ. Chúng ta cần phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về tất cả những vấn đề này.
Để hiểu nguyên nhân gốc rễ và tìm ra biện pháp khắc phục, chúng ta cần biết:
1. Những thang máy này được bảo trì bởi các công ty có tổ chức hay từ nguồn lao động tự do?
2. Ngay cả khi họ là kỹ thuật viên tự do, chúng ta vẫn cần biết liệu các công ty này có được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và có hệ thống giám sát, kiểm tra chéo hay không?
3. Liệu các kỹ thuật viên này có được đào tạo bài bản hay không?
4. Liệu những kỹ thuật viên này có các công cụ và thiết bị thích hợp hay không?
5. Liệu những kỹ thuật viên này có đủ sức khỏe khi làm việc trên công trường hay không?
Tôi chắc chắn rằng có một số người có thể không thích quan điểm của tôi, nhưng giải pháp cụ thể nằm trong câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. Chúng ta hãy tìm hiểu sâu trong ngành của mình để ngăn chặn những tai nạn và những thiệt hại về tính mạng các đồng nghiệp của chúng ta.
(Theo Rajnikant Lad – Elevator World)
Lời tòa soạn: Trên đây là ý kiến của một chuyên gia về an toàn thang máy tại Ấn Độ chia sẻ về vấn đề tai nạn thang máy diễn ra tại quốc gia này, đặc biệt cảnh báo với tình trạng kỹ thuật viên thang máy chính là nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn. Qua những chia sẻ, chúng ta cũng có được những bài học cho vấn đề tương tự đang diễn ra tại Việt Nam. Đặc biệt là với số lượng người tử nạn do thang máy hàng năm không phải con số nhỏ, trong đó tỷ lệ thương vong với kỹ thuật viên thang máy là không nhỏ. Phía sau nhiệm vụ trả lời 5 câu hỏi được tác giả nêu ra, chúng tôi cho rằng cần có một chương trình chuẩn hóa chất lượng nhân lực và có các hình thức cấp phép lao động trong ngành thang máy phù hợp, một hệ thống quản lý dựa trên Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia như Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã đề cập trong thời gian qua và đang tiến hành xây dựng. Đã đến lúc ngành công nghiệp thang máy cần “thức tỉnh” và tiến hành chuẩn hóa toàn diện, trong đó có vấn đề chuẩn hóa nguồn nhân lực.
Tác giả Rajnikant Lad là một nhà tư vấn thang máy có trụ sở tại Thane. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Jabalpur Madhya Pradesh năm 1982 và đã thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tai nạn thang máy ở Ấn Độ trong 35 năm qua. Ông là thành viên của cuộc nghiên cứu về xu hướng bảo trì thang máy trên thị trường thang máy Ấn Độ với sự hợp tác của ValueNote Database, Ltd. Ông là thành viên tích cực của Hội đồng An toàn Quốc gia (The National Safety Council) và Hiệp hội Tín nhiệm và An toàn (Society for Reliability and Safety). Ông đã gắn bó với ngành công nghiệp thang máy hơn 4 thập kỷ.
Nguyên Minh
Thông tin mới cập nhật