TCTM – Thang máy là thiết bị yêu cầu an toàn nghiêm ngặt, cần được bảo trì định kỳ bởi kỹ thuật viên có đủ trình độ và đúng quy định. Nhưng thế nào là đúng, thế nào là đủ và giá bao nhiêu thì phù hợp?
Liệu bạn có yên tâm khi vào viện mổ ruột thừa nhưng người thực hiện ca phẫu thuật lại là một bác sĩ nha khoa hay một y tá? Đó là vấn đề về nhân sự cần có chuyên môn và trình độ phù hợp với tính chất công việc. Một bác sĩ Y học cổ truyền Việt Nam được quy định theo Quyết định 3159/QĐ-BYT về chuẩn năng lực cơ bản có nêu rõ cơ cấu khung năng lực cơ bản bao gồm 5 lĩnh vực, 27 tiêu chuẩn và 106 tiêu chí. Hầu hết các ngành có tính chất đặc thù về kỹ thuật và công nghệ hay liên quan trực tiếp đến an toàn lao động đều đã có quy định rõ về khung năng lực nhân lực. Tham khảo về một số lĩnh vực có yếu tố tương đương với ngành thang máy Tạp chí Thang máy từng nêu (tại đây) cũng thể hiện các quy định rõ ràng về khung năng lực nhân lực như ngành hàng không, ngành xây dựng,…. Thế nhưng, ngành thang máy chưa có.
Theo khảo sát của Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy – Hiệp hội Thang máy Việt Nam thì có đến hơn 60% kỹ thuật viên hoạt động trong ngành thang máy hiện nay không được đào tạo và sát hạch bài bản.
Vấn đề này xuất phát từ ba nguyên nhân:
Thứ nhất, Nhà nước chưa có quy định nào rõ ràng về năng lực của nhân sự ngành thang máy.
Thứ hai, doanh nghiệp hoạt động của ngành thang máy đa số mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, hình thành theo kiểu tự phát. Không ít trường hợp một nhân sự đã từng làm trong ngành đứng lên kêu gọi bạn bè người thân, lập nên doanh nghiệp, phần nào về tư duy dài hạn, năng lực quản trị và năng lực tài chính đều yếu kém. Những doanh nghiệp này hoạt động mang tính chộp giật ngắn hạn, không tuyển được nhân sự có năng lực cần thiết, không có kiến thức, tiêu chí tuyển dụng đôi khi là… chi phí lương càng rẻ càng tốt.
Thứ ba, người tiêu dùng và ý thức chung của xã hội dễ dãi đã tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp kể trên có cơ hội phát triển. Người tiêu dùng còn chạy theo tâm lý ham rẻ mà vô tình giao phó công việc yêu cầu gắt gao này cho những người mà mình không biết có đủ năng lực để thực hiện kỹ thuật bảo trì, sửa chữa thang máy cho mình hay không. Giả sử có sơ suất và sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Chính vì vậy, câu hỏi “Ai được bảo trì thang máy?” là một vấn đề cấp thiết cần tìm lời giải.
Ngoài các nguyên nhân liên quan vừa được nêu trên, chúng ta còn một nguyên nhân nhức nhối nữa chính là định mức về giá dịch vụ sửa chữa và lắp đặt thang máy. Không chỉ người tiêu dùng cá nhân mà ngay cả các cơ quan nhà nước cũng hết sức hoang mang khi giá bảo trì thang máy có thể dao động từ 600.000 đồng/lần cho đến hơn 8.000.000 đồng/lần.
Giá thấp có phải là rẻ và giá cao có phải là đắt? Khi chúng ta mua hoa quả, loại hoa quả nhiều hóa chất với giá chỉ 20.000 đồng/kg, ăn nhiều bị tích tụ hóa chất rồi phát bệnh ung thư thì giá 20.000 đồng/kg là quá đắt, nhưng nếu chúng ta mua một chiếc xe ô tô giá 5 tỷ, tình huống xảy ra tai nạn có đủ các công nghệ để bảo vệ sự an toàn của chúng ta thì đó vẫn là quá rẻ.
Mọi người có xu hướng sẵn sàng trả giá cho lợi ích an toàn, sự dễ chịu,… mà họ cảm thấy phù hợp, coi là đáng giá. Có những mặt hàng người tiêu dùng đánh giá được nhưng một số mặt hàng phức tạp như thang máy thì không dễ. Khó khăn này nằm ở chỗ chúng ta thiếu một tiêu chuẩn, một định mức để người tiêu dùng hiểu: Cần bao nhiêu người? Thời gian bao lâu? Để bảo trì một thang máy của họ và những công việc này thì cần những kỹ thuật viên nào (lao động phổ thông hay lao động cao cấp…)?
Do không có kiến thức đó nên người tiêu dùng hoang mang và phó thác cho sự may rủi, cảm tính khi lựa chọn dịch vụ bảo trì, sửa chữa.
Đối với cơ quan nhà nước, vấn đề còn nan giải hơn. Các quy trình đấu thầu, lựa chọn sản phẩm, bảo trì, thay thế linh kiện đều chưa có một căn cứ cụ thể nào để đánh giá. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng nhiều công trình chung cư sử dụng nguồn ngân sách nhà nước khi thang máy hỏng hóc đều rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Quy trình từ khâu khảo sát đến lập kế hoạch phê duyệt để mua sắm không có một định mức, tiêu chuẩn nào làm căn cứ khiến cho các cơ quan thẩm định đều lúng túng. Nếu chỉ lựa chọn tiêu chí sử dụng dịch vụ ít tiền thì có nguy cơ thang máy tiếp tục tình trạng lỗi hỏng liên tục. Còn lựa chọn dịch vụ nhiều tiền hơn thì phải đối mặt với việc kiểm toán, thanh tra không có căn cứ giải trình.
Hiểu rằng các cơ quan chức năng cũng không phải “nhắm mắt làm ngơ” với nỗi khổ của người dân nhưng quả thực “bút sa gà chết”, không ai dám phê duyệt và giải ngân cho những kế hoạch không có căn cứ như trên. Ngay cả với những công trình chung cư, ban quản lý, ban quản trị cũng không có căn cứ để đánh giá và giám sát chất lượng bảo trì thang máy. Đó cũng chính là nguyên nhân của những khu tái định cư, những công trình công cộng chịu nỗi khổ cực vì thang máy.
Người dân tại khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) hàng ngày phải chui qua gầm bể nước để đi nhờ thang máy tòa bên cạnh khi thang máy hỏng, kế hoạch sửa chữa đã cónhưng cả năm vẫn chưa được giải ngân do thiếu căn cứ (Đọc thêm)
Đã đến lúc chúng ta cần đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi này:
– Ai được làm? Trình độ nào?
Kỹ thuật viên thang máy phân ra 3 nhóm: lắp đặt – vận hành, bảo trì – bảo dưỡng và nâng cấp – sửa chữa, ngoài ra còn nhóm quản lý – giám sát. Mỗi nhóm này lại có những yêu cầu đặc thù riêng. Tất nhiên trong thực tế cũng có những nhân sự có khả năng học hỏi và tự nâng cao năng lực bản thân, có kinh nghiệm làm qua tất cả các nhóm công việc này. Tuy nhiên, số lượng này chắc chắn không nhiều và cũng không có căn cứ để kiếm chứng thế nào là đủ.
Do đó, có một khung năng lực rõ ràng để cả người lao động và doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng cùng tham chiếu là một nhu cầu cấp thiết.
– Làm trong bao lâu?
Thời gian bảo trì định kỳ đã có quy định tối thiểu 1 – 3 tháng/lần, nhưng hiện chưa có một thang phân chia về định mức giờ thực hiện một công việc cụ thể, số người cần thiết để thực hiện,… Ví dụ chỉ kiểm tra tổng quát thang thì trong bao nhiêu giờ, thay thế đèn cabin thì trong bao nhiêu giờ, thay dầu của thang máy thủy lực thì mất bao lâu? Khi có định mức cụ thể cho tất cả các hạng mục bảo trì, sửa chữa thang máy thì mới có căn cứ để tính toán giá nhân công cho căn cứ lập định mức kỹ thuật cũng như phục vụ cho việc giám sát.
Như ngành xây dựng đã có thang đo năng lực nhân sự, từ đó có thể ước tính một công trình được xây dựng trong bao lâu, sửa chữa trong bao lâu,… để làm căn cứ cho mỗi trường hợp thực tế. Còn với ngành thang máy, chưa có bất kỳ một hệ thống đo lường nào dùng cho mục đích tham chiếu và tính toán ngân sách, những dữ liệu này đều vẫn còn bỏ ngỏ.
– Ai quản lý, giám sát?
Không chỉ có kỹ thuật viên trực tiếp làm việc cần được đào tạo và sát hạch, ngành thang máy Hoa Kỳ đã thiết lập quản lý ngành thang máy toàn diện đối với các nhóm nhân sự: cấp phép, kiểm tra, giấy phép, quản trị. Điều đó có nghĩa là người quản lý, người giám sát cũng đã được chỉ định và tuân theo khung năng lực rõ ràng. Còn tại Việt Nam, các đơn vị thực hiện chức năng quản lý, cấp phép, kiểm tra đều đang thiếu về nhiều mặt: khung năng lực nhân sự, tiêu chuẩn chất lượng nhân lực, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, căn cứ giám sát và quản lý,…
Đã đến lúc Việt Nam chúng ta cũng cần phải tham khảo, xây dựng để cho ra đời những tiêu chuẩn đó.
Hồng Vân
Thông tin mới cập nhật