TCTM – Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp thang máy ham lợi nhuận trước mắt và bỏ qua an toàn khách hàng, nhiều người tiêu dùng dù biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền.
Hàng giả hàng, hàng nhái kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của người sử dụng, mà còn tác động tiêu cực tới uy tín doanh nghiệp thang máy Việt, rộng hơn là làm giảm xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái luôn cam go bởi lợi nhuận trong lĩnh vực này cực kỳ lớn.
Theo Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý I/2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý hơn 28.000 vụ việc vi phạm, giảm 11,24% so với cùng kỳ 2022; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng, tăng 76,66%; khởi tố hình sự 278 vụ với 679 đối tượng.
Về phía doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn này chính là do siêu lợi nhuận mà thu được từ việc sản xuất, buôn bán những mặt hàng này. Chi phí sản xuất hàng giả, hàng nhái bao giờ cũng rẻ hơn hàng thật bởi chất lượng không kiểm soát, giá đầu vào rẻ, không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế,..
Những linh kiện thang máy bị làm giả, làm nhái thường là những sản phẩm có thương hiệu của các hãng thang máy nổi tiếng, có giá bán cao. Các loại hàng hóa này không chỉ xuất hiện ở những ổ nhóm sản xuất lớn trong nước, mà còn nhập lậu ở nước ngoài vào Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, buôn bán các linh kiện thang máy nhái, giả vì lợi nhuận cá nhân trước mắt mà bỏ qua sự an toàn của người tiêu dùng. Các đối tượng xấu này lợi dụng các kẽ hở của cơ chế, chính sách, chế tài xử lý để thực hiện các hành vi phạm tội.
Máy kéo Ziehl-Abegg thật (bên trái) và giả (bên phải).
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chân chính hiện tại chưa triển khai cầu nối xác thực hàng hóa với người tiêu dùng, giúp khách hàng phân biệt được hàng hóa do mình sản xuất và hàng hóa bị làm giả.
Ngoài ra, không ít các doanh nghiệp hoạt động trong sạch chưa thực sự phối hợp với các cơ quan chức năng, xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật.
Về phía người tiêu dùng, đối với các linh kiện thang máy, khách hàng thường không hiểu biết quá nhiều, cộng với tâm lý sính hàng ngoại, ham hàng rẻ vì thế mà các đối tượng xấu có cơ hội lợi dụng để “tuồn” hàng giả, hàng nhái vào thị trường.
Các sản phẩm linh kiện thang máy thường được làm giả, nhái một cách rất công phu, khiến người tiêu dùng khó có thể nhận biết, phân biệt nếu không phải là một chuyên gia trong ngành. Tất cả thông tin mà người tiêu dùng biết hầu như chỉ dựa vào những gì được in trên bao bì hoặc từ thông tin từ người bán hàng trực tiếp.
Tuy nhiên, khi phát hiện bị lừa, phần lớn người tiêu dùng thường chọn cách im lặng với tâm lý ngại va chạm “thôi dại thì chịu” hay “lần sau né chỗ này ra” đối với những sản phẩm không quá đắt đỏ.
Hoặc, có không ít người sau khi phát hiện mua phải hàng giả, hàng nhái vì ngại vướng vào kiện tụng, tố giác nên tự giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình bằng cách tự thỏa thuận, hòa giải.
Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được hàng thật hay giả, cũng không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ.
Chính sự “tiếp tay” của người tiêu dùng cũng chính là nguyên nhân khiến những kẻ sản xuất, buôn bán mặt hàng này được đà và tiếp tục hoành hành.
Về phía quản lý – chính sách, hiện hoạt động quản lý thị trường còn lỏng lẻo. Chế tài xử lý đối với việc sản xuất, lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng còn “giơ cao đánh khẽ”, nhiều khi chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Chế tài chưa đủ tính răn đe để cho các đối tượng sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng phải chùn tay trước khi quyết định thực hiện hành vi.
Đáng chú ý, sự “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái còn có thể đến từ một bộ phận các lực lượng, đơn vị quản lý. Qua xử lý nhiều vụ việc, các lực lượng chức năng đã phát hiện một số cán bộ, công chức, sĩ quan có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) diễn ra ngày 11/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh người đứng đầu các lực lượng, đơn vị chức năng phải quản lý cán bộ của mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bảo kê, bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng tốt yêu cầu trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, và hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải nỗ lực cố gắng, quyết tâm nhiều hơn.
Muốn chống hàng giả thì trước tiên các doanh nghiệp phải tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp cần phải thực hiện những chiến dịch truyền thông, giới thiệu tên những nhãn hàng để cho người tiêu dùng nắm được những cái nhãn hàng của công ty, phân biệt được những nhãn hàng chính hãng từ công ty.
Thực tế, doanh nghiệp nhỏ thường rất sơ suất trong việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đây là việc cần phải làm ngay. Tất cả các doanh nghiệp, thứ nhất là phải xây dựng được thương hiệu; thứ hai là phải có những giải pháp bảo vệ thương hiệu của mình.
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện các chính sách, đặc biệt là những chính sách liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có những cam kết đối với người tiêu dùng và thực hiện đúng các cam kết, bởi vì trong xu thế hiện nay, người tiêu dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Đối với định hướng, tầm nhìn của doanh nghiệp, các doanh nghiệp thang máy cần tính toán mục tiêu lâu dài thay vì kiếm tiền bằng mọi giá, cạnh tranh không lành mạnh hay bất chấp lợi ích, an toàn của khách hàng. Nếu không, hậu quả lâu dài để lại chính là sự mất lòng tin của người Việt vào doanh nghiệp thang máy Việt.
Thêm vào đó, việc đưa ngành thang máy là ngành nghề có điều kiện và tiêu chuẩn hóa ngành thang máy từ linh, phụ kiện, thiết bị tới nhân lực làm việc trong ngành là điều vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp loại bỏ vấn nạn hàng giả, hàng nhái mà còn gây dựng niềm tin về thang máy Việt trong lòng người tiêu dùng.
Luật pháp dù có hoàn thiện đến đâu thì các đối tượng vi phạm luôn luôn tìm cách để lách, tìm ra sơ hở để trốn tránh kiểm tra. Vụ việc này không chỉ đe dọa đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các doanh nghiệp hoạt động chân chính.
Muốn ngành thang máy Việt tồn tại và phát triển, con đường duy nhất là các doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh, lành mạnh, công bằng và nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bên cạnh sự nỗ lựa từ doanh nghiệp, để diệt được hàng giả, hàng kém chất lượng, cần có sự kết hợp giữa hệ thống pháp luật, công quyền, cùng với người tiêu dùng. Cần có thể chế, chế tài pháp luật nghiêm khắc với hàng giả, hàng kém chất lượng, xây dựng hàng rào an ninh, an toàn bảo vệ người tiêu dùng.
Có thể thấy, các cơ quan nhà nước đều rất quan tâm tới việc đấu tranh phòng chống hàng giả, tuy nhiên lượng hàng giả sản xuất mua bán trên thị trường hiện nay vẫn rất nhiều và ngày càng tăng lên. Một trong những nguyên nhân dẫn tới vấn đề này là khuôn khổ pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn một số bất cập.
Chẳng hạn như chế tài xử phạt còn chưa thực sự nghiêm khắc, chủ yếu xử phạt hành chính. Mức xử phạt nhìn vào tưởng cao nhưng thực tế lại rất thấp so với lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả. Các đối tượng sản xuất và bán hàng giả sẵn sàng nộp phạt rồi lại tái diễn vi phạm.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng cần phải tập hợp, gắn kết các doanh nghiệp thang máy trong nước để nâng cao trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, cùng nhau tìm kiếm giải pháp, loại bỏ hàng giả, hàng nhái trong thị trường thang máy Việt.
Song song với đó, Hiệp hội cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng trong đấu tranh, phòng chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong ngành thang máy.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng giả.
Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, Hiệp hội cũng như doanh nghiệp chân chính, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức hơn trong đấu tranh, phòng chống hàng giả bởi có cầu thì mới có cung.
Trong khi vấn nạn hàng giả trong linh kiện thang máy cũng giống như vấn nạn hàng giả trong thuốc hay thực phẩm chức năng, đây đều là những sản phẩm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, do đó không thể xem nhẹ, không thể mặc cả.
Bên cạnh việc xử phạt các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, nhiều quốc gia trên thế giới còn đưa ra những quy định xử phạt người tiêu dùng khi cố ý “tiếp tay” cho mặt hàng này.
Chẳng hạn như tại Nhật Bản, dù với mục đích cá nhân hay kinh doanh, tất cả các loại hàng giả, nhái được gửi từ nước ngoài hay mang đến bởi người nước ngoài đến đây đều bị cấm. Quốc gia này cũng đưa ra hình phạt tù cho hành vi trên đến 10 năm và/hoặc phạt tiền lên đến 10 triệu yên (khoảng 1,7 tỷ VND).
Tại Mỹ và khu vực châu Âu, những vấn đề liên quan tới bản quyền, thương hiệu luôn được đề cao. Việc sử dụng hàng giả, hàng nhái khiến cho người sử dụng phải chịu một mức phạt rất nặng hoặc có thể bị truy tố nếu đem một lượng lớn hàng giả, dù đó là người dân trong nước hay du khách nước ngoài.
Cụ thể tại Pháp, người tiêu dùng có thể bị phạt với mức tối đa lên tới 300.000 Euro (khoảng hơn 7,5 tỷ VND) hoặc ngồi tù 3 năm nếu người dân hoặc du khách đem một số lượng lớn hàng giả nhập cảnh vào nước này.
Tại Việt Nam, pháp nhân thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội được quy định tại khoản 5 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14), cụ thể như sau:
– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14) thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14) thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14), thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
– Pháp nhân thương mại phạm tội buôn bán hàng giả còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy, theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người phạm tội buôn bán hàng giả có thể chịu mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Đường dây nóng phản ánh hàng giả, hàng kém chất lượng, đạo nhái thương hiệu trong lĩnh vực thang máy:
Số điện thoại: 0989761499
Email: contact@tapchithangmay.vn
Hồng Nhung
Thông tin mới cập nhật
Công HUỆ
Làm thế nào để phân biệt được đâu là hàng nhái, hàng giả. Tôi đang muốn mua thang máy, bên bán họ báo động cơ là của puji Tếch của Hàn Quốc
Tạp chí Thang máy
Cảm ơn anh đã thông tin, khi có nghi ngờ về nguồn gốc của thiết bị, anh có thể gửi đơn/liên hệ qua hotline (0989761499) đến Tạp chí thang máy để Tạp chí phối hợp với các bên liên quan kiểm tra xác minh làm rõ sự việc. Hoặc trong quá trình mua bán, anh yêu cầu họ cam kết ghi rõ trong hợp đồng về nguồn gốc xuất xứ và sẵn sàng phối hợp với các bên liên quan như Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam, Tổng cục Quản lí Thị trường, Cơ quan công an,…. để làm rõ.