TCTM – Ngành thang máy hay bất cứ lĩnh vực công nghiệp nào, người lao động, doanh nghiệp không thể phát triển một cách dàn trải, mãi “lún sâu” vào bẫy gia công, lắp ráp ở đáy của chuỗi giá trị. Việc phát triển đi theo chiều sâu, nâng cao trình độ, tay nghề người lao động nhằm tiến tới khu vực cao hơn trong chuỗi giá trị là điều vô cùng cấp thiết.
Nhà kinh tế học Paul R. Krugman, đạt giải Nobel kinh tế từng đánh giá: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn, năng suất gần như là tất cả!”.
Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên khu vực cao hơn để tăng năng suất lao động, thoát “bẫy thu nhập trung bình” và hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 là gợi ý của chuyên gia đã được đề cập trong bài viết Lao động ‘chưa vàng’ và nỗi lo bẫy chồng bẫy.
Và để chuyển đổi thành công thì giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ cần phải đi trước một bước để “vàng hóa” lực lượng lao động. Thế nhưng, liệu chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt về nhân lực có kỹ năng và năng lực khoa học công nghệ để chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, tiến tới trở thành nước phát triển thu nhập cao?
Lao động có trình độ chuyên môn, có kỹ năng, có tay nghề tại Việt Nam vẫn rất thấp so với nhu cầu thực tế
Chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá khả năng tăng năng suất lao động bằng việc đổi mới công nghệ. Song, một thực trạng đáng lo ngại là mức đầu tư của Việt Nam vào hoạt động R&D vẫn còn rất thấp.
Như trong năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm 2022. Trong khi đó, con số này tại Singapore là 2,2%, Thái Lan là 1,3% và Malaysia là 1%.
Song song với đầu tư cho khoa học và công nghệ, trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo của Việt Nam cũng chỉ ở mức 15,7-19,1%, chưa năm nào đạt mức tối thiểu 20% theo Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục đề ra năm 2013.
Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học trong năm 2020 của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ đạt 0,18% GDP và khoảng 4,1% tổng ngân sách dành cho giáo dục các cấp. Trong khi đó, chi cho giáo dục đại học tại các nước chiếm ít nhất 1% GDP, hoặc như tại Thái Lan dù dưới 1%, đạt mức chi 0,64%, thì vẫn có phần trăm GDP chi cho giáo dục gấp nhiều lần con số tại Việt Nam.
Việc đầu tư quá ít và dàn trải cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng như khoa học và công nghệ khiến chúng ta lún sâu vào ‘bẫy’ gia công, lắp ráp ở đáy của chuỗi giá trị ở những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử,… Trong các ngành này, người Việt Nam vẫn chủ yếu dùng “cơ bắp” để kiếm sống, hàm lượng chất xám, công nghệ ít.
Chỉ khi có được nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp mới có thể đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, phức tạp.
Riêng với ngành sản xuất thang máy, đa phần các doanh nghiệp nội địa mới chỉ sản xuất được các bộ phận như khung thang, vách cửa tầng, đối trọng, vỏ tủ điện, sàn cabin, tay vịn,… nhìn chung vẫn là gia công cơ khí và nhập khẩu gần như 100% thiết bị, linh kiện điện – điện tử.
Sự thiếu đầu tư vào R&D cũng như đào tạo, nâng cao chất lượng lao động khiến cho lao ngành thang máy nói riêng cũng như bộ phận lao động trong nền kinh tế nói chung ngày càng dễ rơi vào “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi” và giấc mơ “việc tốt, lương cao” ngày càng trở nên xa vời hơn.
Trong phát triển công nghiệp, mô hình đàn nhạn bay hay đàn sếu bay (Flying geese paradigm – FGP) là một mô hình lý giải quá trình công nghiệp hóa của các quốc gia, dựa trên sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo trình tự nhất định.
Mô hình này được ví như hình ảnh đàn nhạn bay, với con nhạn dẫn đầu là quốc gia đi đầu trong công nghiệp hóa, và các con nhạn theo sau là các quốc gia đang phát triển, lần lượt tiếp nhận các ngành công nghiệp từ quốc gia dẫn đầu khi trình độ phát triển của họ cho phép.
Mô phỏng mô hình đàn nhạn bay trong phát triển công nghiệp (Nguồn: Econfix)
Việt Nam không nằm ngoài quy luật đàn nhạn bay trong phát triển công nghiệp và cũng không nằm ngoài làn sóng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo,… điều này không chỉ khiến cho nhu cầu sử dụng lao động phổ thông giá rẻ trong nền kinh tế giảm sút mà còn đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, chất lượng cao hơn, phù hợp với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.
Quy luật đàn nhạn bay còn thể hiện cho xu hướng dịch chuyển của các nhà đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Với năng suất và chất lượng lao động thấp, chúng ta không thể tăng nhanh lương tối thiểu, nếu không sẽ mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Tóm lại, việc nâng cao chất lượng và năng suất lao động thông qua giáo dục – đào tạo song hành cùng đầu tư khoa học – công nghệ là chìa khóa để Việt Nam có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao. Đặc biệt là tăng lương tối thiểu một cách bền vững và cho phép người lao động tiến tới “việc tốt, lương cao”.
Việt Nam đã đi qua quá nửa thời kỳ dân số vàng và thời gian để bứt phá, thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” không còn nhiều. Chính bởi thế, đây là lúc cần phải có cuộc đột phá về giáo dục – đào tạo, cũng như đầu tư khoa học – công nghệ với quy mô đủ lớn, mang tính chiều sâu hơn, , đáp ứng cho sự phát triển và chuyển dịch của nền kinh tế Việt Nam.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng dạy nghề, cải thiện đáng kể cơ hội việc làm của người lao động. Nó cũng là một phần quan trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuyển dụng được nhân viên có trình độ tốt, phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ.
Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Trường Cao đẳng Thang máy Hàn Quốc
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thang máy trong nước và quốc tế, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng như Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy đã hợp tác với trường Cao đẳng Thang máy Hàn Quốc (KLC) tiến tới thành lập trung tâm đào tạo thang máy tại Việt Nam.
Thông qua chương trình đào tạo giữa Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Cao đẳng Thang máy Hàn Quốc sẽ giúp học viên được đào tạo và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế, và đây cũng là một lợi thế cho phép các học viên ứng tuyển các công việc tốt, vị trí tốt trong tương lai tại Việt Nam cũng như trong khu vực.
Việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và năng lực người lao động ngành thang máy cũng là động lực để ngành thang máy Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu, gia tăng các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Đối với thị trường lao động quốc tế, tiềm năng xuất khẩu nhân lực ngành thang máy ra nước ngoài là rất lớn khi khảo sát tại các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore,… đều cho thấy nhân lực kỹ thuật thang máy lành nghề đều đang rất khan hiếm.
Nhìn chung, khi nền kinh tế phát triển, làn sóng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và quy luật đàn nhạn bay cùng ập đến, thị trường sẽ tự động đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới, tự động hóa,…
Dù muốn hay không, lao động phổ thông giá rẻ cũng sẽ mất đi “quyền năng” từng có của mình và cơ hội “việc tốt, lương cao” sẽ chỉ dành cho bộ phận lao động có năng suất cao hơn, đáp ứng được sự phát triển và chuyển dịch của nền kinh tế Việt Nam.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật