TCTM – Sau tai nạn lao động ngày 17/4 tại Vĩnh Phúc, đến nay, anh Việt vẫn trong tình trạng hôn mê kéo dài do ngã từ tầng 5 xuống giếng thang máy dẫn đến đa chấn thương: chấn thương sọ não, gãy xương sườn, gãy xương quai hàm, tổn thương thận và tràn dịch màng phổi đang điều trị.
Tiếp nhận được thông tin về hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng anh Đỗ Công Việt sau khi gặp tai nạn lao động khi lắp đặt thang máy, tối ngày 8/5, đại diện Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Ông Nguyễn Huy Tiến – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội đã thăm hỏi và động viên anh Việt tại Bệnh viện Việt Đức.
Chị Lê Thị Trang, vợ anh Việt chia sẻ: Anh Việt trước đây là nhân viên lắp đặt thang máy tại một công ty thang máy ở Thanh Hóa nhưng đã nghỉ việc tại đây. Gần đấy, anh Việt theo 2 người anh họ làm lao động tự do lắp đặt một thang máy 14 tầng cho công trình tại Vĩnh Phúc, không may vào ngày 17/4, anh Việt gặp tai nạn lao động ngã từ tầng 5 xuống giếng thang máy. Lúc gặp tai nạn, 2 người anh họ đã đi ra ngoài trước, “anh Việt ở lại một mình làm nốt việc”.
Tình trạng sức khỏe của anh Việt hiện đang rất xấu, do ngã chúi đầu từ tầng 5 xuống nên bị đa chấn thương: chấn thương sọ não (phải nuôi một bộ phận bên ngoài), gãy xương sườn, gãy xương quai hàm, tổn thương thận và tràn dịch màng phổi.
Hiện anh Việt vừa trải qua cuộc phẫu thuật chấn thương sọ não, vẫn đang hôn mê
(Ảnh: Gia đình nạn nhân cung cấp)
Tình cảnh gia đình hiện tại đang vô cùng khó khăn, chị Trang đã vay mượn khắp nơi được 150 triệu đồng để phẫu thuật sọ não cho chồng, dù vậy tình trạng của anh Việt vẫn chưa có bước tiến triển và dự kiến còn mất nhiều chi phí điều trị khác.
Qua trao đổi với chị Trang, hiện gia đình chưa nắm được thông tin anh Việt đã lắp đặt thang tại công trình nào, do công ty nào thuê lắp hay chỉ nhận việc qua người quen, và hiện gia đình đang phải tự xoay xở chi phí điều trị chứ chưa nhận được hỗ trợ.
Trong sự việc này, có 2 vấn đề còn bỏ ngỏ: Ai tiếp nhận thông tin tai nạn lao động xảy ra và chuyển anh Việt vào bệnh viện cấp cứu? Và các cơ quan quản lý sẽ vào cuộc như thế nào để bảo vệ người lao động, điều tra nguyên nhân sự việc và đưa ra phương án cảnh báo phòng ngừa?
Theo Điều 2 Luật an toàn, vệ sinh lao động, người lao động bao gồm cả người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động và người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Theo Điều 38 của Luật này, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xảy ra tai nạn lao động bao gồm:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Ngoài ra, theo Nghị định 37/2016/NĐ CP quy định hỗ trợ kinh phí khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có quy định:
– Đối với người lao động tham gia bảo hiểm hiểm xã hội bắt buộc (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc thì người sử dụng lao động và tổ chức bảo hiểm y tế có trách nhiệm chi trả các khoản chi phí và bồi thường cho người lao động theo Luật bảo hiểm xã hội.
– Đối với người lao động không tham gia đóng BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm: Thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động; Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; Bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động; Thông báo bằng văn bản cho những người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại biết về tình trạng sức khoẻ của người lao động.
Lắp đặt thang máy thuộc nhóm công việc dịch vụ đi kèm sản phẩm. Có công ty cung cấp sản phẩm có đội ngũ nhân sự cứng thực hiện lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng. Cũng có những công ty chỉ cung cấp sản phẩm, khi lắp đặt sẽ thuê một đơn vị khác hoặc thuê người lao động tự do thực hiện theo hình thức “khoán”. Các hình thức nhận việc làm khoán hoặc làm công không theo hợp đồng lao động và thiếu các ký kết hợp tác có thể khiến người lao động thiếu căn cứ pháp lý để đòi hỏi quyền lợi của mình. Khi đó, các cơ quan quản lý cần có biện pháp can thiệp đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Để phòng ngừa các trường hợp tai nạn lao động xảy ra, phòng ngừa cả tình huống tai nạn lao động xảy ra đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên đều được thực hiện, các bên cần chủ động thực hiện:
1. Đối với chủ đầu tư:
– Yêu cầu xác thực các yếu tố về năng lực, kỹ năng nghề, kỹ năng an toàn lao động, các giấy tờ chứng từ liên quan đến người lao động đối với các nhà thầu.
– Giám sát người ra vào công trình chặt chẽ, đảm bảo chỉ những người đã được các nhà thầu đảm bảo về năng lực và đăng ký mới được thực hiện công việc tại công trình.
– Có các thỏa thuận rõ ràng về vấn đề an toàn lao động đối với các nhà thầu.
– Khi xảy ra tai nạn lao động, cầm báo cáo và thực hiện theo đúng quy trình của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
2. Đối với doanh nghiệp thang máy:
– Xác minh năng lực người lao động về kỹ năng an toàn lao động, kỹ năng nghề,…
– Thực hiện đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực kỹ năng nghề, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng an toàn lao động,…
– Trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động và có quy trình phòng ngừa các yếu tố rủi ro gây mất an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.
– Thực hiện giám sát, kiểm tra quá trình làm việc của người lao động để phòng ngừa các yếu tố rủi ro gây mất an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.
3. Đối với người lao động:
– Ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động dù là làm việc chính thức hay hợp tác theo đầu việc, sự vụ.
– Chủ động yêu cầu các quyền lợi về nâng cao năng lực kỹ năng nghề, tập huấn kỹ năng an toàn lao động, trang thiết bị bảo hộ lao động,…
– Nghiêm túc thực hiện các quy định, quy trình làm việc để đảm bảo an toàn lao động.
Ngoài ra, người lao động tự do cũng cần gia tăng nhận thức về quyền lợi lao động, cùng đó là chủ động phòng ngừa nguy cơ bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện và một số loại bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ phù hợp với năng lực tài chính nhằm phòng ngừa các tình huống tai nạn lao động.
Hy vọng trong thời gian tới, dự thảo Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội triển khai cũng sớm được phê duyệt và ban hành, hướng đến nhiều quyền lợi hơn cho người lao động tự do.
Đọc thêm: Xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia là vấn đề cấp thiết
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật