TCTM – Việc duy trì mô hình phát triển công nghiệp theo chiều rộng với nền sản xuất gia công thâm dụng lao động trong thời gian dài đang khiến Việt Nam rơi vào nỗi lo bẫy chồng bẫy: “bẫy thu nhập trung bình” và “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi”.
Trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường; từ nền kinh tế đóng và thay thế nhập khẩu sang một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chuyển từ nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp sang nền kinh tế có thu nhập trung bình.
Hiện nay, chúng ta đang hướng đến mục tiêu lớn lao hơn là trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Việt Nam để đạt được mục tiêu này này chính là nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong vòng hơn 20 năm tới.
Liệu Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao như Hàn Quốc và Đài Loan đã làm được trong thời gian qua hay chúng ta lại bước theo vết xe đổ của một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia sau một thời gian dài vẫn loay hoay chưa thể thoát ra khỏi mức thu nhập trung bình, rơi vào bẫy thu nhập trung bình là một câu hỏi lớn.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 75% lao động Việt Nam thu nhập không đủ chi tiêu cơ bản
Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều biểu hiện về bẫy thu nhập trung bình như tăng trưởng chậm lại; thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao, năng suất lao động ở mức trung bình,…
Tại tọa đàm “30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới” diễn ra ngày 22/2/2024 mới đây, GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo) cho biết, từ thập niên 90 Việt Nam tăng trưởng đáng kể nhưng nền kinh tế lại chưa có được thời kỳ phát triển cao (tăng trưởng mỗi năm đạt 10% duy trì liên tục trong 10 năm).
Nguyên nhân nằm ở khu vực công nghiệp không đủ mạnh để kéo theo một sự chuyển dịch mạnh mẽ. Công nghiệp hóa cũng ở mức tương đối thấp so với các nước Đông Á trong cùng giai đoạn dân số vàng.
Dù sản phẩm công nghiệp gắn kết được với chuỗi giá trị toàn cầu, chất lượng tham gia vào chuỗi vẫn thấp. Vai trò của Việt Nam được xem là công xưởng lắp ráp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu linh kiện, hàng sơ chế từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trần Văn Thọ – ĐH Waseda, Nhật Bản
Thực tế cho thấy, mô hình phát triển theo chiều rộng với nền sản xuất gia công thâm dụng lao động đã giúp Việt Nam giải quyết bài toán việc làm cho số đông lao động phổ thông, gia nhập nhóm các nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Song vấn đề đã bộc lộ rõ khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ngày càng giảm dần trong nhiều năm qua.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 1991-2000 của Việt Nam đạt khoảng 7,6%; giai đoạn 2001-2010 tăng trưởng trung bình đạt 7,26%; giai đoạn 2011-2020 tăng trưởng trung bình đạt 6,58%.
Tương ứng với mỗi chu kỳ 10 năm là ba đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Gần đây nhất là thời kỳ khủng hoảng 2020-2021 do COVID-19, trước đó lần lượt là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2011 và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1999.
Như vậy, sau mỗi kỳ khủng hoảng trong ba thập niên qua, xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm dần rõ nét. Trên nền tảng đó, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định mô hình tăng trưởng chậm kéo dài trong nhiều năm đã khiến Việt Nam loay hoay trong bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam đang đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.500 USD vào năm 2030 và 27.000 – 32.000 USD vào năm 2050, trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Những mốc thu nhập và mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao của Việt Nam như trên được đặt ra trong bối cảnh chỉ có khoảng 18 quốc gia thành công trong chuyển từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao, và nhiều quốc gia bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình – số liệu trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Worldbank).
Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và hoàn thành mục tiêu, GS Trần Văn Thọ cho rằng quan trọng nhất là tăng năng suất lao động. Lợi thế của kinh tế Việt Nam giai đoạn trước là lao động giá rẻ, dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp khi quá trình công nghiệp hóa khởi phát.
Tuy nhiên, tới khi tiền lương tăng, lao động rẻ đã hết, các nước phải chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên khu vực cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn có hàm lượng công nghệ, tư bản cao hoặc lao động trình độ cao.
“Nếu thất bại trong việc chuyển dịch này các nước này sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, GS. Trần Văn Thọ cho hay.
Như vậy, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải giải quyết đồng thời hai bài toán. Thứ nhất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thu hút đầu tư vào các ngành nghề có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao. Thứ hai là đẩy mạnh nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gia tăng năng suất lao động.
Bàn về bài toán thứ hai, năng suất lao động được coi là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Dù vậy, theo ước tính của Tổ chức Năng suất Châu Á (AFO) cho thấy, năm 2020, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD/giờ làm việc. Con số này chỉ bằng 2/3 Philippines và không bằng 1/2 so với Thái Lan và 1/10 so với Singapore.
Bên cạnh những vấn đề như doanh nghiệp trong nước chủ yếu là siêu nhỏ, nhỏ; trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới còn thấp,… thì chất lượng nguồn nhân lực hạn chế cũng là yếu tố tác động không nhỏ. Dù Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, chất lượng lao động lại được đánh giá “chưa vàng”.
Bộ phận lao động qua đào tạo vẫn còn vướng nhiều bất cập về số lượng cũng như chất lượng, cơ cấu đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động,… Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn quá thấp, tính chung năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính chiếm khoảng 27%.
Như vậy, trong khi tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 đạt 51,3 triệu người, thì tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn tới 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
Đáng chú ý, số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tính chung năm 2023, số lao động phi chính thức là 33,3 triệu người, chiếm khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.
Trong khi đó, theo một thống kê của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) năm 2019, có tới 61% lao động trong khu vực phi chính thức Việt Nam chỉ có trình độ tiểu học. Còn theo đánh giá của World Bank (2019) chỉ 10% người lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số.
Có 47% người lao động phi chính thức có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng
Những bất cập về chất lượng, số lượng kéo theo nhiều hệ lụy đối với cả người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế. Dễ thấy nhất là nhiều người lao động bị mắc kẹt trong bẫy “kỹ năng thấp, việc làm tồi” và nguy cơ mất việc có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Lương thấp khiến người lao động sống chật vật. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 75% số người lao động khẳng định thu nhập không đủ mức chi tiêu tối thiểu.
Thậm chí, 47% người lao động trong khu vực phi chính thức có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Bên cạnh đó, thời gian làm việc cũng thường kéo dài, khi có đến hơn 35% lao động phi chính thức làm việc quá 48h/tuần, vượt quá quy định của Bộ Luật Lao động; 10,18% phải làm từ 2 công việc trở lên để có thu nhập nuôi sống gia đình.
Thu nhập thấp cũng khiến người lao động khó có điều kiện nâng cao kỹ năng để có công việc tốt, lương cao, còn doanh nghiệp với số đông lao động thiếu kỹ năng thì không có điều kiện tạo ra việc làm tốt và do vậy khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái bẫy trong bẫy: “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi” và “bẫy thu nhập trung bình”.
Giải thích thuật ngữ:
Bẫy thu nhập trung bình là một tình huống mà một quốc gia bị mắc kẹt tại mức thu nhập được quyết định bởi nguồn lực nhất định với lợi thế ban đầu và không thể vượt quá mức thu nhập đó. (*)
Theo bảng phân nhóm của Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia được phân thành 4 nhóm tương ứng với mức thu nhập bình quân đầu người.
Cụ thể, nhóm nền kinh tế thu nhập thấp với thu nhập bình quân đầu người ở dưới mức 1.035 USD; nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp với mức thu nhập bình quân đầu người từ 1.036 USD – 4.045 USD; nhóm nền kinh tế thu nhập trung bình cao với mức thu nhập bình quân đầu người từ 4.046 USD – 12.535 USD; nhóm nền kinh tế thu nhập cao với mức thu nhập bình quân đầu người trên 12.536 USD.
(*) Theo định nghĩa của GS. Kenichi Ohno – Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) trong nghiên cứu “Bẫy thu nhập trung bình tại Việt Nam thực trạng và giải pháp”.
Thông tin mới cập nhật