TCTM – Nhờ quá trình đô thị hóa và phát triển theo chiều dọc, số lượng thang máy được đưa vào sử dụng đã tăng lên đáng kể trong vài thập kỷ gần đây. Và tại nhiều quốc gia trên thế giới, những chiếc thang máy này đã trở nên “lỗi thời, già cỗi”, nhưng để thay thế hoàn toàn lại là một bài toán chi phí vô cùng lớn.
Thế kỷ XIX đã chứng kiến làn sóng di dân khổng lồ từ các khu vực nông thôn thưa thớt đến các thành phố đô thị nhộn nhịp của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Mức sống cao hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn, tiếp cận với các tiện nghi và dịch vụ hiện đại là một số yếu tố chính thúc đẩy cho hoạt động này.
Theo số liệu cập nhập năm 2023 từ Ngân hàng Thế giới (Worldbank), hiện có khoảng 56% dân số thế giới – 4,4 tỷ người – sống ở các khu vực thành thị trong khi phần trăm còn lại vẫn sống ở khu vực nông thôn.
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục với dân số đô thị sẽ tăng gấp đôi so với quy mô hiện tại vào năm 2050, tại thời điểm đó, cứ 10 người thì có gần 7 người sẽ sống ở các thành phố. Và với con số 4,4 tỷ người đang tập trung tại các đô thị đã gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này.
Kết quả là, khi đô thị hóa tăng lên, nhu cầu về nhà ở và cơ sở hạ tầng từ phân khúc người tiêu dùng cũng ngày càng tăng. Các hệ thống thang máy cũ và hiện tại đang được sử dụng trong các tòa nhà thương mại, văn phòng, trung tâm mua sắm và các địa điểm công cộng khác có thể sẽ rơi vào tình trạng không thể đáp ứng đủ với nhu cầu sử dụng ngày càng lớn.
Con người có thể phải đối mặt với thời gian chờ đợi lâu hơn trong dòng người đang xếp hàng dài ở các hành lang của các tòa nhà thương mại và công cộng. Trong thời đại phát triển vận động nhanh chóng, bất kỳ cá nhân nào cũng không mong muốn phải tiêu tốn thời gian quá lâu cho việc chời đợi.
Do đó, nhu cầu về một hệ thống vận chuyển thẳng đứng mượt mà, hiệu quả và nhanh hơn đã dẫn đến nhu cầu lớn về hiện đại hóa các hệ thống thang máy hiện tại.
Thang máy, thang cuốn và băng chuyền sàn ngang được sử dụng hơn 1 tỷ lần mỗi ngày ở khu vực Liên minh Châu Âu và được coi là loại phương tiện giao thông được sử dụng nhiều nhất và an toàn nhất cho đến nay. Với hơn 6 triệu thang máy được lắp đặt trên khắp châu Âu, khả năng tiếp cận và di chuyển theo phương thẳng đứng tại các tòa nhà cao tầng đã được cải thiện rõ rệt.
Nhưng, số lượng thang máy khổng lồ này cũng đặt ra thách thức ngày càng lớn. Tại nhiều quốc gia, hơn một nửa số thang máy hiện có đã hoạt động suốt 25 năm hoặc thậm chí còn lâu hơn thế. Chỉ một tỷ lệ nhỏ các thang máy được hiện đại hóa để đáp ứng các yêu cầu về an toàn và hiệu suất.
Và khi tất cả những thang máy ngày càng cũ đi, các bộ phận trở nên lỗi thời thì lo ngại về vấn đề an toàn hay tiêu tốn quá nhiều năng lượng là điều ngày càng hiện hữu.
Những lo ngại về thang máy cũ không chỉ là vấn đề của riêng châu Âu. Tại Trung Quốc, cuối tháng 6/2023 vừa qua, Tiểu Kiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC) – cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, đã kêu gọi Chính phủ nước này cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản lý thang máy trong các tòa nhà dân cư vì những rủi ro an toàn thang máy ngày càng tăng theo thời gian sử dụng.
Báo cáo của Phó Chủ tịch NPC được xây dựng dựa trên dữ liệu từ các chuyến thị sát tại các tỉnh Liêu Ninh, Phúc Kiến, Giang Tô và Chiết Giang. Cụ thể, Chiết Giang có 86.000 thang máy dân dụng đã hoạt động hơn 15 năm, trong khi đó Phúc Kiến có 32.000 thang máy cũng đã hoạt động trên 15 năm. Số thang máy này chiếm khoảng 10% trong tổng số thang máy của các địa phương trên.
Trong khi đó tại Hàn Quốc, một số lượng đáng kể thang cuốn phục vụ tại các ga tàu điện ngầm do Tàu điện ngầm Seoul và Đường sắt Hàn Quốc (Korail) vận hành cũng đang trong tình trạng phải được thay thế nhưng lại gặp hạn chế về ngân sách.
Cụ thể, có gần 32% (578 trên 1.827) thang cuốn tại các ga tàu điện ngầm Seoul được lắp đặt cách đây ít nhất 20 năm. Đối với Korail, con số này là hơn 18% (479 trên 2.640) thang cuốn có tuổi đời ít nhất là 15 năm.
Tại Việt Nam, nhờ vào quá trình đô thị hóa và phát triển theo chiều dọc với các tòa nhà chọc trời, số lượng thang máy được đưa vào sử dụng đã tăng lên đáng kể trong những năm qua. Việt Nam cũng dần trở thành thị trường tiềm năng để phát triển lĩnh vực thang máy.
Theo số liệu từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 6.000 thang máy và lắp ráp trong nước khoảng 25.000 thang.
Dù Việt Nam có các cuộc kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật dành cho thang máy. Nhưng chúng ta vẫn chưa có quy định rõ ràng về thời hạn sử dụng thang máy hay thay thế các linh kiện, thiết bị quan trọng của thang máy, nghĩa là thang có thể sử dụng cho đến khi… không chạy được nữa.
Và như thế, Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi lo về cuộc khủng hoảng thang máy “lỗi thời” trong tương lai gần.
Sẽ tới lúc việc tiếp tục sửa chữa các bộ phận thang máy từ năm này qua năm khác không còn ý nghĩa về mặt tài chính hay hậu cần nữa. Các cuộc gọi dịch vụ sẽ trở nên đắt đỏ, các linh kiện thay thế cũng trở nên khó tìm hơn và thời gian thang máy dừng hoạt động vì sự cố, sửa chữa có thể vượt quá thời gian hoạt động.
Mặc dù các thang máy hiện đại mới vẫn sẽ được tiếp tục lắp đặt trong các tòa nhà mới xây, song việc thay thế toàn bộ hệ thống thang máy cũ hiện có bằng thang máy mới đòi hỏi chi phí đầu tư cao và đây hoàn toàn không phải là một giải pháp bền vững và tiết kiệm chi phí.
Những chiếc thang máy “già cỗi” vẫn có thể trở nên an toàn hơn, tiết kiệm năng lượng hơn thông qua việc bảo trì thường xuyên hoặc qua các cải tiến như hiện đại hóa và nâng cấp kỹ thuật giúp tăng hiệu suất, đưa chúng trở lại trạng thái “hiện đại nhất”.
Hiện đại hóa thang máy là quá trình nâng cấp các bộ phận quan trọng của thang máy. Quá trình này thường liên quan đến việc hiện đại hóa thiết bị điều khiển, động cơ, máy tời, nút bấm và hệ thống điện. Công việc này giúp tăng cường sự an toàn tổng thể, hiệu suất và tính thẩm mỹ của thiết bị.
Theo thống kê, hơn 1,6 tỷ Euro được các khách hàng châu Âu chi ra chỉ riêng trong năm 2018 để nâng cấp, hiện đại hóa những chiếc thang máy.
Việc giữ cho thang máy cũ hoạt động hoàn hảo đã là công việc chính của nhiều công ty thang máy ở châu Âu và ngày càng tăng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, công việc hiện đại hóa những chiếc thang máy cũng đã được tiến hành vài năm nay và được nhiều khách hàng lựa chọn.
Có thể thấy, nâng cấp, hiện đại hóa thang máy hiện có là một lựa chọn bền vững hơn rất nhiều và có thể tạo ra các lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội đáng kể cho các cá nhân, xã hội nói chung và Trái Đất. Hiện đại hóa thang máy cũng là một phần trong quá trình chuyển đổi sang “nền kinh tế tuần hoàn” nhờ vào kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm, tái sử dụng các bộ phận hiện có và ngăn ngừa phát sinh chất thải.
Theo dự báo của Research and Market, quy mô thị trường hiện đại hóa thang máy toàn cầu được định giá hơn 7.781 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 19.941 triệu USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép CAGR hằng năm là 9,4% trong giai đoạn 2021 – 2030.
Thị trường hiện đại hóa thang máy toàn cầu cũng được dự đoán sẽ chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội do mối lo ngại về an toàn thang máy ngày càng tăng và các công nghệ mới liên tục được giới thiệu trên thị trường như Internet vạn vật (IoT). Và đây cũng có thể sẽ trở thành “miếng bánh” đầy hấp dẫn khi thị trường lắp mới rơi vào bão hòa.
Đứng trước những yêu cầu cấp thiết của ngành, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã giao cho Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy tiến hành xây dựng bộ Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 01:2023/VNEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy”.
Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thang máy tập trung vào các vấn đề an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy; kỹ năng nghề thang máy; định mức lao động trong bảo dưỡng, sửa chữa thang máy… nhằm hoàn thiện Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) từ quá trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt tới sử dụng, vận hành, bảo trì, sửa chữa.
Trong đó, liên quan tới vấn đề hiện đại hóa thang máy, bộ tiêu chuẩn cơ sở trên cũng đưa ra chi tiết khuyến cáo tuổi thọ các thiết bị chính của thang máy để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đại tu, hiện đại hóa thang máy.