TCTM – Cộng đồng những người làm kỹ thuật ngành thang máy đang dậy sóng bởi “tâm sự mỏng” của một kỹ thuật viên. Đó là những nỗi niềm về cơ chế đãi ngộ với lực lượng trực tiếp thực hiện các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, là sự giằng xé giữa việc gắn bó tổ chức với nỗi lo cơm áo gạo tiền, là những mông lung với suy nghĩ nhảy việc để có mức thu nhập cao hơn nhiều so với tăng lương cho thâm niên công tác,…
TCTM – Cộng đồng những người làm kỹ thuật ngành thang máy đang dậy sóng bởi “tâm sự mỏng” của một kỹ thuật viên. Đó là những nỗi niềm về cơ chế đãi ngộ với lực lượng trực tiếp thực hiện các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, là sự giằng xé giữa việc gắn bó tổ chức với nỗi lo cơm áo gạo tiền, là những mông lung với suy nghĩ nhảy việc để có mức thu nhập cao hơn nhiều so với tăng lương cho thâm niên công tác,…
TM, 26 tuổi, đã có 4 năm làm kỹ thuật thang máy và trải qua… 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Cậu làm từ vận hành điện, sang bảo trì rồi thực hiện công việc xử lý sự cố.
Do sự đa dạng đó nên cậu nắm vững về nguyên lý của nhiều hệ điều khiển thang máy khác nhau. Công việc cũng tạo cơ hội để cậu được trải nghiệm khi đi tới gần hết dải đất hình chữ S. Đó là những điều mang tới sự hứng khởi và làm cho tình yêu với công việc của cậu được nuôi dưỡng kể từ khi theo đuổi lĩnh vực này. Niềm đam mê, sự trải nghiệm, kinh nghiệm trong nghề đã giúp TM trở thành một nhân viên kỹ thuật lành nghề mà nhiều công ty thang máy muốn tuyển dụng.
Nhưng rồi, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại kéo cậu về với thực tại. Cậu liên tục nhảy việc.
Những mốc lương khởi điểm mà cậu đã được nhận qua các nơi làm việc ở mức 5 triệu, 6 triệu, 8 triệu, 9 triệu rồi lên 12 triệu. Mỗi lần nhảy việc sẽ có được một mức đãi ngộ cao hơn đáng kể ở nơi làm cũ.
Chúng ta đều mong muốn có một mức thu nhập tốt hơn, thậm chí cao hơn rất nhiều theo thâm niên và khả năng phát triển trong nghề nghiệp. Điều đó hoàn toàn chính đáng.
TM khá thật thà khi kê ra những khoản dịch vụ cần chi trả cho cuộc sống của cậu: Tiền ăn: 3 triệu; tiền nhà: 3 triệu; điện nước: 1 triệu; xăng: 3 triệu; gửi xe: 700 nghìn; bia rượu kết nối tình cảm: 2 triệu. Sơ sơ các khoản đó là 12 triệu 700 nghìn. Với thu nhập như vậy thì tài khoản của cậu “chưa bao giờ có số dư dương”.
Thu nhập chưa phải là tất cả. Môi trường làm việc, cơ hội học tập, nâng cao tay nghề, cơ hội thăng tiến… cũng là những yếu tố để giữ chân lao động tay nghề cao. Nhưng thật tiếc, TM chưa tìm được “bền đỗ” công việc lâu dài cho mình. Đơn giản là vì ở đơn vị cậu làm thì mức tăng lương định kỳ rất nhỏ. Và cậu cũng không được tham gia các khóa nâng cao tay nghề vì công việc quá nhiều. Trong khi đó, người được tuyển mới lại có thể có mức thu nhập cao hơn người đã có thâm niên cống hiến tại doanh nghiệp. Những điều này đã lý giải cho việc cậu nhẩy việc tới 5 công ty chỉ trong 4 năm. Cậu không dám gắn bó lâu dài với một tổ chức bởi mong mỏi “tài khoản luôn dương” để giải quyết những hóa đơn thường nhật và có sự tích lũy cho tương lai.
Các kỹ thuật viên như cậu đôi khi cũng phải “tranh thủ” kê khống một vài hạng mục cần thanh toán với công ty để có thêm thu nhập không chính thức. Nhưng “những điều này toàn do sếp dạy trong lúc anh em ta đều say men.”
TM cũng chia sẻ, có công ty cậu từng làm việc, chuyên nhập các linh kiện, thiết bị thang máy từ Trung Quốc, Đài Loan nhưng khi ký bán thang cho khách thì lại báo hàng nhập khẩu Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,… Khi các điều kiện về quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn không đảm bảo, như thắng cơ không ăn, cứu hộ không hoạt động, cảnh báo quá tải không ổn định,… thì cậu và đồng nghiệp của mình phải “đánh mắt lấp liếm với kiểm định viên” để được cho qua.
Rồi những khi thang máy của khách hàng gặp trục trặc đơn giản nhưng phía công ty yêu cầu cậu phải “phán những bệnh nặng” như hỏng Encoder, hỏng biến tần,… Toàn những thứ phức tạp mà khách hàng không thể hiểu.
Những điều đó khiến cậu và đồng nghiệp dần đánh mất sự chính trực lúc nào không hay biết. Điều đó cũng làm cậu luôn cảm thấy áy náy với những gì đã trải qua.
Cậu cũng chứng kiến cảnh anh em kỹ thuật viên tranh giành nhau đi tỉnh, thậm chí đến mức xô xát, chỉ để có được những khoản thù lao cao hơn (gấp đôi ngày công) bù đắp vào mức lương “còm” mà họ được nhận mỗi tháng. Đó là môi trường nhiều sân si, thiếu sự lành mạnh để tổ chức lẫn con người có thể phát triển và gắn bó lâu dài.
Tìm hiểu thị trường, cậu cũng biết mức lương bình quân cho kỹ thuật viên thang máy mà nhiều doanh nghiệp đang chi trả chỉ ở mức 7-10 triệu/tháng. Và cậu đặt câu hỏi: “Trong cái thời bão giá như này mà em thấy chạnh lòng quá, có lẽ nghề thang máy này quá dễ làm hay sao mà lương thấp vậy?”
Đó chỉ là một phần những gì mà TM chia sẻ. Nhưng câu chuyện này đặt ra nhiều vấn đề rất đáng lưu tâm.
Ở góc độ doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần quan tâm hơn tới chính sách đãi ngộ đối với các kỹ thuật viên thang máy bởi họ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm, nặng nhọc. Môi trường làm việc cũng cần trở nên lành mạnh hơn để bên cạnh việc tìm kiếm mức đãi ngộ xứng đáng, người lao động còn tìm thấy những lý tưởng, hoài bão cho lộ trình phát triển sự nghiệp của họ.
Ở góc độ người lao động, các kỹ thuật viên thang máy sẽ có gì để nâng cao khả năng đàm phán về mức thù lao cho công việc của họ? Kinh nghiệm ư, chưa đủ; thâm niên ư, cũng chưa. Họ cần được đào tạo bài bản, được sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề mang tính quốc gia để có thể phục vụ được bất cứ doanh nghiệp nào. Khi đó, kỹ thuật viên thang máy có rất nhiều lợi thế để tìm kiếm mức đãi ngộ xứng đáng với kỳ vọng.
Nhưng khi nào thì ngành thang máy sẽ có được Bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia để chúng ta có cơ sở chuẩn hóa đào tạo và nhân lực cho ngành thang máy nhỉ?
Khi đó các kỹ thuật viên có đủ năng lực và điều kiện sẽ hoàn toàn tự tin khi đàm phán về mức thu nhập bởi: Tôi giỏi, tôi có quyền!
Nguyên Hùng
Thông tin mới cập nhật