TCTM – Một kỹ thuật viên đã bị cắt đứt một phần cẳng tay phải trong khi kiểm tra thang cuốn tại Bệnh viện Tseung Kwan O, Hồng Kông. Sự việc xảy ra vào khoảng 1h chiều thứ Bảy vừa qua, nạn nhân hiện đang điều trị tại khoa cấp cứu của bệnh viện.
Theo South China Morning Post đưa tin gần đây, Chính quyền Hồng Kông đang điều tra vụ việc một công nhân bị cắt đứt một phần cẳng tay phải khi đang thực hiện công tác kiểm tra định kỳ thang cuốn tại Bệnh viện Tseung Kwan O vào chiều thứ Bảy vừa qua (tức ngày 8/7/2023). Các nhà chức trách nước này cũng thông tin, tính tới buổi tối hôm xảy ra vụ việc, người đàn ông 50 tuổi này vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Phát ngôn viên của bệnh viện cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, nhân viên đã lập tức gọi cảnh sát và thông báo cho các cơ quan liên quan, bao gồm cả Ban Quản lý Bệnh viện.
“Chúng tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất với nạn nhân và sẽ cố gắng hết sức để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp”, đại diện bệnh viện cho hay.
Bệnh viện Tseung Kwan O nơi xảy ra vụ việc.
Các cuộc điều tra sơ bộ của Cục Dịch vụ Cơ điện và Cơ khí Hồng Kông đã loại trừ khả năng hỏng hóc cơ học, đồng thời cho biết thêm, thang cuốn được kiểm tra lần cuối vào ngày 11/2/2023 và được bảo trì định kỳ vào ngày 17/6/2023.
“Cục đã yêu cầu nhà thầu nộp báo cáo điều tra về vụ việc và sẽ tích cực hỗ trợ các bộ phận liên quan trong công tác điều tra”, đại diện Cục Dịch vụ Cơ điện và Cơ khí thông tin và cho biết thang cuốn chỉ có thể hoạt động trở lại sau khi được kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng bởi chuyên gia kỹ thuật. Nhà thầu liên quan cũng nên tạm dừng tất cả các công việc bảo trì thang cuốn không khẩn cấp tại bệnh viện.
Bộ Lao động nước này cho biết cơ quan đã nắm bắt được thông tin vụ việc và đã cử người đến hiện trường vụ tai nạn để tìm hiểu, điều tra nguyên nhân.
Phía bệnh viện và nhà thầu thang máy Kone cũng cho hay cả hai bên sẽ tích cực phối hợp trong các cuộc điều tra của Chính phủ Hồng Kông về vụ việc này.
Theo ông Lo Kok-keung, 74 tuổi, một cựu chuyên gia cơ khí từ Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho biết những vụ tai nạn như trên thường xảy ra khi xích và động cơ của thang cuốn vẫn đang chạy. Điều này có nghĩa là các bộ phận này sẽ bắt đầu di chuyển trong khi công nhân vẫn đang kiểm tra bên trong máy.
Thang cuốn có hai bộ nhông xích, bộ nhông xích phía trên dẫn động các bậc thang và bộ nhông xích khác phía dưới có chức năng quay các bậc thang. Theo vị chuyên gia này, người công nhân trong vụ tai nạn lao động trên có lẽ cũng đang tra dầu bôi trơn vào nhông xích của máy.
“Các bộ phận chuyển động của thang cuốn cần được bôi trơn và bảo dưỡng thường xuyên”, ông Lo nói và cho biết những vụ tai nạn thế này thường xảy ra khi công nhân quên tắt một trong các bộ phận này.
Hiệp hội Bảo vệ quyền của Nạn nhân Tai nạn Công nghiệp cũng thông tin Hiệp hội đã liên lạc với gia đình của nạn nhân và kêu gọi các cơ quan chức năng “điều tra kỹ lưỡng” vụ việc.
Vào tháng 5/2021, cựu thanh tra viên Winnie Chiu Wai-yin thông tin gần 2/3 trong số 80.000 thang máy và thang cuốn của Hồng Kông không đáp ứng các nguyên tắc an toàn mới nhất của quốc gia này.
Tại Thái Lan mới đây cũng xảy ra một vụ việc tương tự, cụ thể, vào ngày 29/6/2023 tại sân quốc tế Don Mueang ở thủ đô Bangkok, một cô gái bị đứt lìa một phần chân trái sau khi mắc kẹt trên thang máy băng chuyền sàn ngang tại sân bay quốc tế Don Mueang ở thủ đô Bangkok.
Video từ camera an ninh tại sân bay cho thấy cô bị vali va phải và ngã xuống khi đang di chuyển trên thang máy băng chuyền giữa cổng khởi hành số 4 và số 5. Sau cú ngã, chân trái của cô kẹt vào mép thang máy băng chuyền. Cô đau đớn khi cố rút chân ra và bị đứt lìa một phần chân.
Đội ngũ y tế tại sân bay đã tiến hành sơ cứu trước khi cô được đưa tới bệnh viện. Các bác sĩ cho biết chân cô có thể được nối lại.
Ông Karun Thanakunjeeraphat, Giám đốc Sân bay, cho biết phía sân bay sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí y tế của người phụ nữ và sẵn sàng thương lượng về các khoản bồi thường khác.
Tại Việt Nam cũng đã xảy ra rất nhiều vụ việc mất an toàn lao động dẫn đến thương tật, tử vong khi lắp đặt, bảo trì, sửa chữa thang máy. Để phòng ngừa, hạn chế tối đa các tai nạn liên quan đến quá trình lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy, việc tiêu chuẩn hóa về mặt nhân lực trong ngành này là vô cùng cấp thiết.
Cho tới nay, nguồn nhân lực ngành thang máy vẫn chủ yếu lấy từ sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật liên quan như điện, điện tử, cơ khí,… không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn liên quan đến thang máy.
Hầu hết các doanh nghiệp phải thực hiện tổ chức các khóa học để đào tạo thêm các kiến thức chuyên sâu cả về lý thuyết và thực tế về thang máy cho nhân sự. Tuy nhiên, các khóa học này khá ngắn và chỉ thực hiện trong phạm vi tương đối hẹp.
Đứng trước những yêu cầu cấp thiết của ngành, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm như Hội thảo “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy Việt Nam”, Hội thảo “Định hướng phát triển ngành thang máy Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Tọa đàm của các doanh nghiệp hạt nhân trong ngành thang máy Việt,… để tìm giải pháp và tham mưu xây dựng chính sách có ý nghĩa cho sự phát triển ngành, đồng thời cũng tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực ngành thang máy.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã giao cho Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở về thang máy, tập trung vào các vấn đề an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy; kỹ năng nghề thang máy; định mức lao động trong bảo dưỡng, sửa chữa thang máy… nhằm hoàn thiện Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) từ quá trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt tới sử dụng, vận hành, bảo trì, sửa chữa.
Tiêu chuẩn cơ sở TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” do Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy – Hiệp hội Thang máy Việt Nam xây dựng
Thông tin mới cập nhật