Để bạn đọc của Tạp chí Thang máy hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia kinh tế, các giảng viên cao cấp của các trường đại học. Ngành thang máy đã có cơ hội để tăng tốc chưa?

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ thì có 3 dấu hiệu chính để nhận biết ngành kinh tế đang có lợi thế phát triển, cụ thể:

Thứ nhất, có năng suất cao trong mối tương quan với các ngành, nghề khác trong nước và cùng ngành nghề khác trên thế giới.

Thứ hai, có quy mô thị trường lớn, có lợi thế về nguồn lực dồi dào, có chi phí đầu vào thấp. Có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác (tác động tích cực nhất đến các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế thông qua các mối liên kết kinh tế, gắn liền với phát triển các cụm ngành tạo ra hiệu ứng cộng hưởng và tác động lan tỏa)

Thứ ba, có tính mới, tính tiên phong, tính đột phá, tính công nghệ, tính động, tính độc đáo. 

Ngoài ra, cần xét đến các yếu tố quá trình phát triển ngành nghề đó sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường;  sử dụng nhiều lao động mà Việt Nam vẫn còn đang có lợi thế (có lợi thế so sánh về nguồn lực dồi dào, có chi phí đầu vào thấp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế); có tính ổn định, kế thừa trong ngắn hạn và trung hạn, đột phá trong dài hạn; hợp tác được với các tổ chức quốc tế, các quốc gia mà ngành này đang phát triển.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho biết, đối với các quốc gia khác nhau, tùy thực tế, bối cảnh và điều kiện thực tế, trong từng giai đoạn sẽ đưa ra các chính sách ưu tiên để phát triển lĩnh vực nào, những ngành nghề nào. Giảng viên cao cấp này cho biết, giai đoàn hiện này việc xác định ngành kinh tế có lợi thế phát triển của Việt Nam được xác định dựa Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018, của Bộ Chính trị, “Về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (sau đây gọi là Nghị quyết số 23-NQ/TW) chỉ rõ, công nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, là một trong những ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước trong những năm gần đây, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.

Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW, “mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại”.

Trong đó, chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên ghi rõ “Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…” và “tổ chức lại thị trường các sản phẩm công nghiệp”.

Trao đổi với tác giả bài viết, chuyên gia Nguyễn Đình Lương khẳng định, đối chiếu với các tiêu chí đầu bài viết, ngoài Nghị quyết số 23-NQ/TW, các văn bản pháp lý khác đều cho thấy ngành Thang máy non trẻ của Việt Nam đang có được hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển.

Trở ngại duy nhất để gia nhập vào danh sách ngành kinh tế đang có lợi thế phát triển đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có việc phải sớm có mã ngành lao động thang máy thì bước đầu VNEA đã đưa ra giải pháp. Việc mới đây VNEA bắt tay với Đại học Thang máy Hàn Quốc – Korean Lift College (KLC) thành lập Trung tâm đào tạo Thang máy tại Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội là một hướng đi được cho là phù hợp, tiết kiệm chi phí.

Không chỉ hợp tác trong đào tạo nhân lực, Hiệp hội Thang máy Việt Nam và trường Đại học Thang máy Hàn Quốc còn tham gia chung vào công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ

Không lâu sau khi có mã ngành tuyển sinh, VNEA đang tích cực xúc tiến để sớm có mã ngành lao động, nhằm chính danh ngành thang máy Việt Nam. Như vậy, sau khi công bố TCCS ngành thang máy và tổ chức được việc đào tạo kỹ thuật viên thang máy, VNEA cơ bản đã đạt được mục tiêu thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật ngành. Đây được cho là những tính toán khôn ngoan, tầm nhìn dài hạn để thang máy Việt Nam trở thành ngành có lợi thế phát triển, điều mà nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp khác khó có thể đảm đương được.

Trong bài bài viết “PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN – ĐÒN BẨY CHO MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì trong hai thập niên trở lại đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 năm 2011 và Trung ương ban hành Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia”.

Đây thực sự là tin vui đầu năm cho hơn 400 doanh nghiệp thang máy Việt, bởi đến nay phần lớn các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực này đều thuộc thành phần kinh tế tư nhân.

“Ngoài phát huy nội lực, việc mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng kinh tế tư nhân (KTTN) không chỉ là một thành phần của nền kinh tế, mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo sẽ giúp nhiều ngành, trong đó có ngành thang máy Việt phát triển nhanh”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Chủ nhiệm khoa Vận tải – Kinh tế (ĐHGTVT) khẳng định.

Trong năm 2025 và đến năm 2030 chỉ tính các dự án nhà ở xã hội, dành cho người thu nhập thấp đang được hoàn thành và tiếp tục triển khai (với tổng số 1 triệu căn nhà) đã cho thấy nhu cầu về thang máy là rất lớn. Việt Nam là một trong những thị trường thang máy triển vọng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Với thực tế của tốc độ phát triển đô thị, mỗi năm nhu cầu thị trường cần khoảng 30.000 – 35.000 thang máy. Với hệ thống chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho ngành thang máy nói riêng, kinh tế tư nhân nói chung phát triển thì VNEA đang đứng trước “thiên thời, địa lợi”, cơ hội mà sau hàng chục năm phát triển mới có được.

Dù vậy, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh của chính các doanh nghiệp thang máy Việt đối với dòng sản phẩm thang máy sản xuất, lắp ráp trong nước dấy lên nỗi lo của người tiêu dùng. Không tin tưởng sản phẩm do người Việt sản xuất, lắp ráp ắt người tiêu dùng sẽ hướng tới các thang máy nhập ngoại nguyên chiếc, đó là điều tất yếu.

Tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) với 92 chung cư cao tầng, nơi cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp thang máy đã và đang liên tục để xẩy ra rất nhiều sự cố thang, khiến dân cư bất bình

Hiện nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường không tập trung vào dịch vụ chăm sóc sau bán hàng (bảo dưỡng, bảo trì…) do lợi nhuận thấp, chi phí tốn kém mà chỉ ưu tiên doanh số bán hàng. Các doanh nghiệp này thường giảm giá mạnh giá lắp đặt do không phải nuôi bộ phận nhân sự bảo trì, bảo dưỡng, tạo sự bất ổn trong kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp này đều không tham gia VNEA, không bị ràng buộc bởi các quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Đây chính là điều mà các doanh nghiệp thang máy Việt làm ăn chân chính, các thành viên VNEA phải đối diện và sớm phải bàn nhau đưa ra các giải pháp để tạo dựng uy tín cho ngành thang máy đang được đánh giá non trẻ.

Một trong các giải pháp chính là việc tối ưu hóa năng lực, sở trường của từng thành viên VNEA, theo hướng chuyên môn hóa, dùng chung dịch vụ, áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), và phân tích dữ liệu lớn (Big Data)…để tối ưu hóa vận hành, giám sát và bảo trì từ xa, tiết kiệm năng lượng và an toàn.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng bên cạnh thời cơ, bao giờ cũng xuất hiện những thách thức, thời cơ càng lớn thì thách thức càng nhiều. Vấn đề quan trọng nhất là lãnh đạo VNEA, giám đốc các doanh nghiệp thang máy phải ngồi lại, thẳng thắn chia sẻ, đánh giá các điểm mạnh, yếu và cùng nhau đưa ra được các giải pháp tổng thể. Sau khi “Vạn sự khởi đầu nan”, tạo dựng những thành công ban đầu, đây cũng là lúc mà Chủ tịch VNEA cùng các cộng sự bắt tay hoạch định chiến lược kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (2025-2030) với mục tiêu tăng tốc.