Theo luật định, VNEA là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập trên cơ sở tự nguyện của cá nhân, tổ chức cùng thực hiện hoạt động xã hội nghề nghiệp nhưng lại hoạt động phi lợi nhuận, không nhằm mục đích kinh doanh nên không ít người boăn khoăn về tính hiệu quả của nó.

Ban đầu, thậm chí có người còn dè bỉu cho rằng, có lẽ ngoài việc chọn được “Ngày Thang máy Việt Nam – Vietnam Lift Day”, ngày 16/7/2019, thời điểm diễn ra phiên họp đầu tiên của Ban vận động thành lập Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) thì tổ chức này khó làm nên trò trống gì?

“Trong Điều lệ hoạt động của VNEA có 9 nhiệm vụ nhưng ngay từ đầu, BCH của Hiệp hội đã tập trung vào 3 vai trò quan trọng: phát triển nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiệm kỳ đầu tiên của Hiệp hội, cũng như quá trình hoạt động lâu dài của chúng tôi”- Chủ tịch VNEA Nguyễn Hải Đức chia sẻ.

Đánh giá về kế hoạch hoạt động 5 năm lần thứ Nhất (2020-2025) Thạc sỹ, NCS Nguyễn Phan Anh (Đại học Thương mại) cho rằng, trong 4 nhiệm vụ cụ thể của VNEA: tổ chức, xây dựng cơ chế hoạt động; công tác chuyên môn; hội nhập quốc tế; các công tác khác, tôi đánh giá cao VNEA trong việc triển khai 3 nhiệm vụ lớn.

Đó là, phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước để tham mưu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chứng chỉ chất lượng cho các sản phẩm và thiết bị thang máy, thang cuốn; Kết hợp với các hiệp hội thang máy của nước ngoài trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tập huấn cho đội ngũ cán bộ và quản lý của hội viên Hiệp hội; Tạo diễn đàn cung cấp các thông tin bổ ích cho doanh nghiệp của ngành và người tiêu dùng.

Thành công lớn nhất về lĩnh vực nghiên cứu khoa học của VNEA trong 5 năm đầu tiên, chính là việc sớm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy (vào tháng 3/2024) – TCCS 01: 2023/VNEA Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy.

Đây là tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) đầu tiên về yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy. Đây là thành quả của sự nghiên cứu nghiêm túc của Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy Việt Nam theo phương pháp lấy thang máy làm cốt lõi, người sử dụng thang máy làm trung tâm, tiêu chuẩn ngành. Nội dung đề cập đến 4 vấn đề chính: Công việc kỹ thuật thang máy (kiểm tra định kỳ, bảo trì, cứu hộ khẩn cấp, sửa chữa, hiện đại hóa…); yêu cầu đối với chủ sở hữu và người sử dụng; yêu cầu đối với đơn vị chuyên môn; yêu cầu về trình độ nhân sự kỹ thuật thang máy.

Tiếp nối thành công của TCCS 01: 2023/VNEA, Hiệp hội tiếp tục công bố TCCS 02:2024/VNEA – Định mức lao động trong bảo trì và sửa chữa thang máy, mang lại giải pháp tiêu chuẩn hóa định mức lao động trong bảo trì và sửa chữa thang máy.

Theo đó, Tiêu chuẩn TCCS 02:2024/VNEA tập trung vào đối tượng người lao động trong ngành thang máy, bao gồm: nhân viên vận hành, nhân viên bảo trì tại các tòa nhà hoặc đơn vị dịch vụ. Đây là nhóm nhân sự đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa đơn vị bảo trì và khách hàng. Các nội dung chính của TCCS 02:2024/VNEA bao gồm: Định mức thời gian; Định mức công việc; Yêu cầu số lượng nhân sự; Yêu cầu chất lượng nhân sự (bậc nghề).

Theo chuyên gia Nguyễn Ân (Bộ GTVT) TCCS ngành thang máy do VNEA công bố cùng với các bộ tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN về thang máy: TCVN 6396-28:2013: Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy; TCVN 6395:2008: Thang máy điện – Yêu cầu về an toàn và lắp đặt; TCVN 6396: 1998 Thang máy thuỷ lực – Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặp; TCVN 5866 : 1995: Thang máy – Cơ cấu an toàn cơ khí, đã giúp chúng ta có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ, tạo được hành lang pháp lý đủ mạnh để thang máy Việt phát triển.

Theo quy định của Nhà nước thì thang máy là loại thiết bị đặc thù, có yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất, lắp đặt, sử dụng. Do đó tất các các loại thang máy trước khi đưa vào sử dụng cần được tiến hành kiểm định, nhưng thực thế trong bộ Tiêu chuẩn quốc gia không thể đề cập hết được tất cả các vấn đề liên quan. Chính vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích các tổ chức xã hội nghề nghiệp nghiên cứu, ban hành thêm Tiêu chuẩn cơ sở ngành.

Thực tế, không nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp làm được điều này, nhất là khi VNEA không có thành viên là các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt. Thành công này xuất phát từ việc trong mô hình tổ chức VNEA có Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy Việt Nam, đơn vị có chuyên môn sâu. Viện đã tập hợp được các giảng viên đại học, các chuyên gia kỹ thuật giỏi nhất về lĩnh vực thang máy, các nhà làm luật có nhiều kinh nghiệm để trong vòng 3 năm đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ.

Thành công này giúp cho các doanh nghiệp thang máy Việt có trong tay những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế lẫn thực tế tại Việt Nam, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được lắp đặt tại các công trình của mình. Việc VNEA đã công khai minh bạch thông tin, được xem là thông điệp chính thức của tổ chức đến cộng đồng, xã hội để các cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng cùng giám sát chất lượng sản phẩm.

Điều quan trọng tiếp theo là với cách làm như vậy, sau khi công bố bộ tiêu chuẩn, VNEA hoàn toàn chủ động tiếp tục có các hoạt động nhằm ứng dụng Tiêu chuẩn cơ sở vào thực tế ngành thang máy qua các hoạt động phổ biến tới các nhóm đối tượng liên quan, đào tạo, hướng dẫn và xây dựng các công cụ, hệ thống giám sát, quản lý. Thực tế tại thời điểm đó, VNEA đã nghiên cứu thành công dự án Mã định danh thang máy nhằm minh bạch hóa thông tin về tình trạng thang máy; tăng hiệu quả quản lý, sửa chữa, cứu hộ.

Ngay những ngày đầu thành lập, ông Massimo Bezzi – Chủ tịch Liên đoàn Châu Âu các doanh nghiệp Thang máy Vừa và Nhỏ trong thư gửi Ban lãnh đạo VNEA khẳng định “Chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau trong tương lai, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và quy định, hợp tác về kỹ thuật để hỗ trợ phát triển và trao đổi thông tin để hỗ trợ ngành thang máy của chúng ta trên toàn cầu”. Quan sát cách các sáng lập viên vận động thành lập VNEA và quan điểm cá nhân Chủ tịch VNEA “Hai cái đầu tốt hơn một cái đầu”, ông Massimo Bezzi bày tỏ sự thích thú, hợp tác.

Quan điểm này của VNEA xuyên suốt quá trình phát triển, hội nhập quốc tế, hiện thực chủ trương “Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước”.

Tháng 10 năm 2024, VNEA chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương (PALEA). Sự kiện này là cột mốc quan trọng, khẳng định vị thế của thang máy Việt Nam trên trường quốc tế, mở ra những cơ hội mới cho ngành thang máy Việt Nam. Việc trở thành thành viên của PALEA tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh trình bày tham luận tại Hội nghị Thông tin Thang máy, Thang cuốn thường niên của PALEA tại Hồng Kông.

“Tham gia PALEA, VNEA sẽ đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế. Trước đó, VNEA đã phối hợp với PALEA tổ chức Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế 2023 với chủ đề “Quy tắc và An toàn trong Thang máy” tại Hà Nội. Với tư cách là thành viên, VNEA đã tích cực tham gia các hoạt động của PALEA, đóng góp ý kiến vào các tiêu chuẩn của ngành thang máy trên toàn cầu” Chủ tịch VNEA Nguyễn Hải Đức chia sẻ.

Lễ cắt băng Khai mạc Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam - Vietnam Elevator Expo 2024

Chắc chắn đại diện của hơn 100 thương hiệu thang máy, phụ trợ như Mitsubishi Thượng Hải, Toshiba, CANNY, NBSL M&E, Glarie, LG Elevator… tham dự Triển lãm quốc tế Vietnam Elevator Expo 2024 đã ấn tượng về 3 ngày có mặt tại TP.HCM. Các hoạt động xung quanh triển lãm như hội thảo, kết nối doanh nghiêp,… đã gây ấn tượng đối với khách tham quan, khẳng định năng lực kết nối của Ban tổ chức. Thực tế không ít thỏa thuận, hợp đồng đã được hình thành tại Vietnam Elevator Expo.

Khó có thể liệt kê hết dấu ấn nhiệm kỳ đầu tiên của VNEA trong một vài bài báo nhưng với góc nhìn của một người từng sát cánh với mảng đô thị, có thể khẳng định cả trong đối nội lẫn đối ngoại, Hiệp hội đã tạo được những tiếng vang lớn.

Nội dung: An Thanh

Thiết kế: Kim San