Trong 7 ngành truyền thống của nghệ thuật, tôi cho rằng kiến trúc là ngành duy nhất có tính ứng dụng giữa giá trị nghệ thuật và giá trị sử dụng. Và bởi thế nên kiến trúc sư vừa là một nghệ sĩ, và vừa là một người thợ?
Điều đó giống như Brenda Laurel đã từng nói, “Một thiết kế chưa được coi là hoàn thành cho đến khi ai đó sử dụng nó.” Bá Nha phải có Tử Kỳ, nhưng một công trình kiến trúc thì dễ nhìn ra giá trị hơn bản đàn của Bá Nha: nếu bạn chưa thấy nó đẹp, ít ra là nó có thể sử dụng được.
Kiến trúc sư không phải là người chỉ biết vẽ đẹp. Dù rằng một trong các môn thi vào ngành Kiến trúc là vẽ, và kết quả của kiến trúc sư cũng chỉ là những tập giấy được vẽ nét dọc nét ngang. Bởi vì nếu chỉ đẹp, có thể đó chỉ là một bức tranh. Còn bản thiết kế công trình cần dựa trên cả hiểu biết về cấu trúc, kích thước, kỹ thuật, nguyên vật liệu,… và cả Luật Xây dựng.
Kiến trúc sư không chỉ vẽ ra bản mô tả một ngôi nhà để người thợ xây hiện thực hóa nó. Kiến trúc sư phải là người nắm bắt được nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư, tính cách của những người sử dụng từng góc không gian trong công trình đó; là người lựa chọn từng chiếc ghế, chiếc bàn; và là người hiểu ánh sáng chiếu rọi theo hướng nào để đặt một chiếc cây cho thỏa đáng.
Kiến trúc sư cần là người có tầm nhìn. Tầm nhìn của một kiến trúc sư không chỉ là từ phòng khách đến nhà bếp, không phải từ phòng ngủ đến ban công. Tầm nhìn của một kiến trúc sư còn là tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn. Một gia đình có con cái học cấp 1 thì liệu 10 năm nữa sẽ cần thay đổi không gian theo độ tuổi, một gia đình có phụ huynh sắp về hưu liệu có nên thiết kế thêm thang máy hay sẽ để phòng tại tầng 1,… Có khi, kiến trúc sư còn phải dò đoán xa xôi hơn cả thầy bói!
Nói đến tâm linh, kiến trúc sư có khi cũng lại là thầy phong thủy. Nghệ thuật có nguyên lý của nghệ thuật, hẳn nhiên là thế. Sự hiểu biết về khí hậu, môi trường tại nơi công trình kiến trúc mình thiết kế ra sẽ tọa lạc hẳn nhiên là điều cần thiết cho những lựa chọn khéo léo để tận dụng được các yếu tố tự nhiên, và cả phòng tránh nếu như đó là những yếu tố nguy hại. Nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng hiểu biết về nghệ thuật và khí hậu, có khi một sự thuyết phục dựa trên nguyên lý phong thủy lại nhanh chóng đạt được hiệu quả hơn là những diễn giải về cái đẹp?
Và kiến trúc sư – một nghệ sĩ hay một người thợ? Tôi từng nghĩ đến những kiến trúc sư dáng vẻ phong trần, nhìn “nghệ nghệ”, làm việc đầy cảm hứng và đôi khi vò đầu bứt tai vì tín ngưỡng sáng tạo tuyệt đối của mình. Nhưng chính sản phẩm cuối cùng của họ đã níu tôi lại. Nghệ thuật ứng dụng cần sự thuyết phục và hữu dụng. Không phải công trình nào cũng sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật để đời, đáng tự hào và có thể đưa bản thiết kế cùng hình ảnh thành quả đến những cuộc thi kiến trúc. Sẽ có những công trình kiến trúc được thiết kế không thể hiện một biểu tượng sáng tạo, một phong cách kiến trúc, chỉ đơn giản đó là một ngôi nhà để ở đáp ứng đầy đủ nhu cầu của chủ đầu tư. Phải chăng đó chính là hiện thực trong quan điểm của Richard Rogers: “Tôi tin rằng chúng tôi – những kiến trúc sư có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.”
Nghệ thuật thì xa xôi, nhưng tôi tin những kiến trúc sư đang cống hiến cho một hạ tầng xã hội có chất lượng sống ngày càng tốt hơn. Và dù kiến trúc sư là ai, kiến trúc luôn là một nền nghệ thuật vĩ đại và họ luôn là những người nghệ sĩ đáng kính.
Hiên Huyền
Thông tin mới cập nhật