TCTM – Cơn bão số 1 (Talim) đang di chuyển và được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam ngày 18/7. Việc sử dụng thang máy trong thời điểm mưa bão cũng có nhiều nguy cơ cả về an toàn con người và thiết bị, do đó người dân cần có các biện pháp phòng ngừa.
Chiều 17/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Talim đã mạnh lên cấp 12, giật cấp 15. Đây là thời điểm bão mạnh nhất trong suốt quá trình quần thảo trên biển.
Theo dự báo, chiều 18/7, bão khả năng tiến vào vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12. Cơ quan khí tượng cảnh báo từ đêm nay (17/7) đến ngày 19/7, khu vực Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ đều xuất hiện mưa lớn trên diện rộng.
Người dân cần đặc biệt lưu ý mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị. Đồng thời, lũ quét và sạt lở đất nguy cơ cao xảy ra tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Cùng với đó, dông, lốc kèm gió giật mạnh có thể xuất hiện trong vùng ảnh hưởng hoàn lưu bão, cả trước và trong khi bão đổ bộ.
Tình hình mưa bão có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người dân, trong đó có liên quan đến vấn đề sử dụng thang máy, ở cả nhà dân và các tòa nhà cao tầng, chung cư. Dưới đây là các khuyến cáo từ chuyên gia Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy giúp người dân phòng ngừa và đảm bảo an toàn trong việc sử dụng thang máy cũng như bảo quản thiết bị.
– Không sử dụng thang máy khi thiết bị đang ngập nước: Tuyệt đối không bấm nút gọi thang. Sử dụng thang máy trong lúc thang máy đang ngập nước bởi việc này có thể gây hỏng thiết bị thang máy và có nguy cơ gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Mưa lớn kéo dài có thể gây ngập úng đô thị, nước ngập hố thang, cabin thang làm hỏng thiết bị
– Không sử dụng thang máy khi nguồn điện không ổn định: Mưa bão có thể gây cháy chập điện tại một số khu vực do đứt dây, sét đánh,… hoặc nhiều khu vực cắt điện bất ngờ để phòng ngừa nguy cơ cháy chập, do đó, thời điểm này nguồn điện sẽ không ổn định. Để tránh các nguy cơ thang máy dừng đột ngột do bị ngắt nguồn điện mà các hệ thống cứu hộ tự động, nguồn điện dự phòng gặp trục trặc không hoạt động khiến người dùng bị mắc kẹt trong cabin thang. Đặc biệt trong tình huống mưa bão lớn, các lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng khó khăn hơn để tiếp cận hiện trường và hỗ trợ giải cứu người mặc kẹt thang máy.
Tại các tòa nhà cao tầng, chung cư, lực lượng kỹ thuật tòa nhà cần đánh giá tình hình thực tế để có hướng dẫn cho người sử dụng thang máy. Nếu nhận định tình hình không an toàn, quản lý tòa nhà có thể yêu cầu ngừng sử dụng thang máy và thông báo cho cư dân, có hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế nhằm tránh các tình huống nguy hiểm.
– Trang bị hệ thống cảnh báo ngập nước: Để phòng ngừa hiện tượng ngập úng do mưa bão, người dùng có thể trang bị cho thang máy những công nghệ hiện đại như hệ thống cảnh báo ngập nước FDS (Flood Detection System). Nguyên lý hoạt động của các hệ thống này là khi có nước bị rò rỉ, tràn vào thang máy thì hệ thống sẽ cảnh báo đến khách hàng bằng tin nhắn đến điện thoại để người dùng nhận biết, đồng thời tự động đưa cabin từ tầng thấp lên tầng cao hơn để tránh ngập nước, gây ra chập điện, rò rỉ điện.
– Kiểm tra, bảo dưỡng thang máy: Phòng ngừa tình huống nguy hiểm xảy ra với thiết bị khi có mưa bão, người dùng nên bảo trì – bảo dưỡng thang máy định kỳ và có thể đề nghị đơn vị dịch vụ thang máy kiểm tra, đánh giá tình trạng thang máy trước mùa bão, trước các đợt mưa bão lớn. Việc này giúp xác định tình trạng thang và có các hướng xử lý cần thiết để bảo vệ thiết bị trước các nguy cơ rò rỉ, ngập úng đồng thời che chắn phòng máy, nóc cabin, các vị trí có nguy cơ nếu cần thiết.
– Đưa cabin thang máy lên tầng cao: Nếu không có hệ thống cảnh báo tự động thì người dùng cũng nên đưa cabin thang máy lên tầng cao ngay từ khi nước chưa ngập giếng thang. Người dùng nên đưa thang máy lên tầng cao nhất hoặc ít nhất là tầng 2 trở lên, giúp cabin lên càng cao khỏi mặt đất càng tốt để tránh bị ngập nước hoặc ẩm do hơi nước.
– Ngắt điện toàn bộ thang máy: Trước khi ngắt điện cần đảm bảo không còn ai ở trong cabin thang. Đây là động thái giữ an toàn cho thiết bị tránh bị sự cố chập, cháy điện khi mưa lớn, sấm chớp có thể ảnh hưởng dòng điện hoặc có nước xâm nhập.
Lưu ý: Một số thang máy được cài đặt chế độ cứu hộ tự động (ARD, SRS,…), cabin thang sẽ được đưa về tầng thấp nhất trong trường hợp bị cắt điện đột ngột. Trong trường hợp này, khi ta ngắt điện thang máy như hướng dẫn phía trên, thang máy sẽ tự động sử dụng nguồn điện dự phòng từ Bộ lưu điện UPS (Uninterruptible Power Supply) để đưa thang về tầng thấp nhất. Vậy nên, bên cạnh việc ngắt điện thang thì phải ngắt cả nguồn điện dự phòng (tắt cầu dao cứu hộ) để tránh tình trạng “thang máy ngập nước chết chìm” dù đã thực hiện phương án bảo vệ theo chỉ dẫn.
Nếu tình hình mưa bão nghiêm trọng gây ra tình trạng ngập úng thang máy hoặc rò rỉ nguồn nước vào thang máy, cần liên hệ đơn vị dịch vụ thang máy và thực hiện các công việc dưới đây ngay sau khi mưa bão kết thúc:
– Thực hiện hút nước ra khỏi cabin/giếng thang máy: Tránh để thang máy ngập nước quá lâu, cần tìm cách hút nước ra khỏi thang máy càng sớm càng tốt. Nếu cần thiết, hãy nhờ tới sự hỗ trợ của đơn vị bảo trì, bảo dưỡng thang máy để có cách xử lý kịp thời và chính xác nhất.
Công tác hút nước ngập úng trong giếng thang bằng máy bơm chuyên dụng
– Kiểm tra tình trạng thang: Sau khi nước rút, cần phải gọi nhân viên kỹ thuật thang máy đến kiểm tra toàn bộ thang trước khi đưa thang trở lại hoạt động bình thường.
Kỹ thuật viên đang kiểm tra thang máy bị nước tràn vào
Quy trình xử lý thang máy bị ngập nước theo tư vấn của chuyên gia:
Khi có hiện tượng nước ngập thang máy, người sử dụng/quản lý thang máy cần liên hệ bộ phận kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng thang máy đến xử lý và kiểm tra trước khi vận hành lại thang máy. Theo chuyên gia Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy, quy trình xử lý của bộ phận kỹ thuật sẽ gồm các bước:
Bước 1: Kiểm tra nguồn điện và các thao tác đã hướng dẫn người sử dụng (ngắt nguồn điện, đưa cabin lên cao, che chắn,…). Nếu người sử dụng chưa thực hiện thì thực hiện ngay lập tức.
Bước 2: Kiểm tra nguyên nhân, vị trí nước xâm nhập, hiện trạng giếng thang (ngập úng, ẩm ướt, đã khô ráo,…).
Bước 3: Xử lý nguyên nhân nước xâm nhập, rò rỉ; xử lý nước còn đọng, úng trong giếng thang.
Bước 4: Kiểm tra linh kiện (lau khô, sấy, hong khô tự nhiên,…).
Bước 5: Đo, kiểm tra linh kiện trước khi mở điện lại để vận hành (kiểm tra nguội).
Bước 6: Kiểm tra vận hành sau khi mở điện lại.
Khi thực hiện đầy đủ các bước trên sẽ giúp cho thang máy hạn chế tối đa những rủi ro trong mùa mưa, tiết kiệm không ít các chi phí sửa chữa và thay thế thiết bị hư hại, hao mòn do nước.
– Bảo trì – bảo dưỡng định kỳ: Ngay cả trong tình huống thang máy không bị ảnh hưởng bởi mưa bão, việc bảo trì – bảo dưỡng thang máy định kỳ, thường xuyên cũng vô cùng quan trọng. Do đó, chủ sở hữu thang máy cần chủ động tìm kiếm đơn vị dịch vụ thang máy uy tín để thực hiện công tác này thường xuyên theo quy định, đồng thời cũng đảm bảo chất lượng vận hành và tuổi thọ thang máy tốt nhất.
Ngoài các vấn đề liên quan đến thang máy, các khía cạnh khác trong cuộc sống của người dân khi bão đổ bộ cũng cần đặc biệt lưu ý. Chuyên gia Biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo thêm các hoạt động cần chuẩn bị trước khi cơn bão Talim đổ bộ vào đất liền:
– Người dân ven biển tuyệt đối tuân thủ yêu cầu của chính quyền địa phương, sơ tán khỏi vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão. Tuyệt đối không ở lại trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản và các phương tiện đường thủy khi neo đậu gần bờ ở Hải Phòng và Quảng Ninh.
– Hạ các biển quảng cáo ngoài trời ở các thành phố ven biển.
– Gia cố các mái tôn bằng thép hàn phủ qua mái hoặc bao cát, bao nước. Đóng kín cửa sổ khi bão vào.
– Cắt tỉa cành cây, đặc biệt là các cây có nguy cơ đổ gãy vào công trình nhà ở, đường dây điện.
– Dù bão được dự báo sẽ giảm cấp khi vào đất liền nhưng không được chủ quan. Các cơn gió giật ở phạm vi hẹp vẫn có thể làm bay mái tôn và gãy đổ cây cối. Tuyệt đối không đi ra ngoài trời khi bão vào bờ.
Minh Dương
Thông tin mới cập nhật