TCTM – Người Việt dễ chọn hàng Thái trong siêu thị, ưu tiên hàng Malaysia trên sàn thương mại điện tử, mở tủ lạnh có thể thấy thực phẩm Indonesia. Nhưng đến khi gặp sản phẩm “Made in Vietnam”, phản ứng đầu tiên lại là: “Linh kiện của nước nào?”, “có phải hàng liên doanh không?”. Chúng ta không thiếu tài năng, không thiếu nguồn lực – điều thiếu lớn nhất, có lẽ là niềm tin vào chính “chúng ta”
Một người bạn tôi từ Thái Lan về, háo hức khoe nồi cơm điện: “Chuẩn hàng Thái, dùng thích cực!”, nhưng khi xem kỹ, chiếc nồi ấy… “Made in Vietnam”. Chuyện tưởng như hài hước nhưng đằng sau đó là câu hỏi: Vì sao chúng ta dễ dàng tin hàng Thái hơn là tin vào sản phẩm do chính người Việt làm ra?
Không khó để thấy những sản phẩm từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia được người tiêu dùng Việt đón nhận nồng nhiệt: từ thực phẩm, mỹ phẩm đến đồ gia dụng. Trong khi đó, nhiều thương hiệu Việt dù chất lượng không thua kém vẫn bị “soi kỹ”, thậm chí phải đi một vòng qua thương hiệu nước ngoài để quay lại thị trường nội địa với tâm thế… dễ bán hơn.
Không ít người tiêu dùng vẫn giữ một “phản xạ phòng vệ” khi tiếp cận sản phẩm trong nước: dò xét, ngờ vực, yêu cầu minh chứng nhiều hơn mức cần thiết. Những câu hỏi tưởng như kỹ thuật như “linh kiện nhập khẩu từ đâu?”, “có liên doanh không?” – thực chất phản ánh một niềm tin đang bị “lung lay”.
Những chiếc thang máy tự xưng là liên doanh không chỉ khiến người tiêu dùng chọn mua nhầm sản phẩm mà còn gây phương hại tới uy tín của bản thân doanh nghiệp thang máy chân chính.
Niềm tin đó không tự nhiên mất đi. Nó bị bào mòn bởi những vụ bê bối hàng giả, thực phẩm bẩn, dịch vụ kém chất lượng. Mỗi lần như thế để lại một “vết rạn” trong nhận thức và tâm lý người tiêu dùng. Theo thời gian, vết rạn lớn dần tạo thành rào cản tâm lý vô hình nhưng rất thật – đẩy hàng Việt vào thế bất lợi ngay trên sân nhà.
Người Việt không hề thua kém. Chúng ta có lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng… những sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận về giá trị văn hóa và thẩm mỹ. Mới đây, làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc đã chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới – một mốc son cho ngành nghề thủ công Việt. Không dừng lại ở di sản, người Việt khi bước ra quốc tế còn khẳng định vị thế ở những lĩnh vực hiện đại: kỹ thuật, công nghệ, y học, nghiên cứu… Nhiều người đã trở thành chuyên gia, giám đốc, nhà sáng chế được các tập đoàn toàn cầu trọng dụng. Điều đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo của người Việt Nam.
Ngành đóng tàu Việt Nam thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, các sản phẩm tàu quân sự đã được Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Trong ảnh: Tàu tuần tra Damen Stan Patrol 5009 đóng cho Hải quân Venezuela tại nhà máy Damen Sông Cấm, Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp Việt đã có sự chuyển mình mạnh mẽ: đầu tư bài bản, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp. Họ hoàn toàn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Nhưng nghịch lý là ở chỗ: không ít thương hiệu đang loay hoay trên chính thị trường nội địa, không phải vì thiếu năng lực, mà vì thiếu niềm tin nội tại. Chúng ta có xu hướng nghi ngờ, dè chừng nhau và vô thức gán cho hàng Việt một “vạch xuất phát” thấp hơn. Tâm lý ấy tạo nên một rào cản vô hình nhưng dai dẳng, khiến hàng Việt dù chất lượng ngày một cải thiện vẫn khó bứt phá trên sân nhà.
Trong thị trường hội nhập, việc nhập khẩu linh kiện hay thiết bị từ các quốc gia khác là điều hoàn toàn bình thường. Vấn đề không nằm ở xuất xứ, mà ở chỗ doanh nghiệp có kiểm soát được chất lượng và minh bạch với khách hàng hay không. Khi doanh nghiệp đủ tin tưởng vào sản phẩm mình cung cấp, việc công khai nguồn gốc, kiểm nghiệm chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo an toàn cho người sử dụng là biểu hiện rõ ràng của trách nhiệm và sự tự tin.
Ngược lại, việc né tránh, vòng vèo qua trung gian chỉ để thay đổi nhãn mác xuất xứ nhằm chiều theo thị hiếu thị trường không chỉ làm tăng chi phí, khiến khách hàng phải gánh thêm giá thành mà còn gây thất thoát ngoại tệ, trong khi chất lượng sản phẩm không hề được nâng lên. Đó là hướng đi thiếu bền vững, dễ làm xói mòn niềm tin và đánh đổi uy tín lâu dài chỉ để đạt được lợi thế ngắn hạn.
Sự minh bạch không chỉ là chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, mà còn là chiến lược xây dựng thương hiệu có nền tảng và tạo dựng niềm tin thực chất từ người tiêu dùng.
Niềm tin là kết quả của quá trình trải nghiệm liền mạch được tích lũy qua thời gian, từ lời cam kết đến sản phẩm thực tế, chất lượng dịch vụ và trách nhiệm trong cách hành xử. Để tạo nên hành trình đó cần sự đồng thuận từ cả hai phía: người làm ra sản phẩm và người lựa chọn nó.
Không thể kỳ vọng một thương hiệu Việt lớn mạnh nếu chính người Việt vẫn ngần ngại trao niềm tin. Người tiêu dùng cần thay đổi góc nhìn – nhìn hàng Việt bằng con mắt công bằng hơn, cởi mở và trách nhiệm hơn. Bởi trao niềm tin đúng chỗ cũng là cách góp phần nuôi dưỡng một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để niềm tin thực sự được khơi dậy và duy trì, không thể thiếu vai trò của Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường minh bạch và công bằng. Một hệ thống pháp luật rõ ràng, thực thi nghiêm minh sẽ tạo ra mặt bằng cạnh tranh lành mạnh – nơi mọi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ chuẩn mực chất lượng. Sự thượng tôn pháp luật không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn là hàng rào bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn tử tế, giúp họ không bị đánh bật bởi những cách làm chộp giật, thiếu trách nhiệm. Đó không chỉ là cơ chế bảo vệ, mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp trưởng thành, phát triển bền vững và thực sự tạo dựng được niềm tin.
Niềm tin không phải là cảm xúc nhất thời mà là hành trình dài của sự đồng hành. Chúng ta đã đủ trải nghiệm để nhận ra rằng: không phải mọi thứ gắn mác “ngoại” đều vượt trội và không phải sản phẩm “nội” là bị hoài nghi. Niềm tin vào hàng Việt là một chuyển động văn hóa trong tâm thức doanh nghiệp và người tiêu dùng, được nuôi dưỡng bằng chuỗi trải nghiệm nhất quán – từ khâu tư vấn, chăm sóc khách hàng đến dịch vụ hậu mãi. Mỗi điểm chạm đều là một mắt xích trong hành trình định hình uy tín thương hiệu.
Chỉ khi niềm tin nội tại được khơi dậy và nuôi dưỡng, thương hiệu Việt mới thực sự bứt phá – không chỉ bằng chất lượng mà bằng sự nâng đỡ đầy tự hào từ chính niềm tin của người tiêu dùng./.
Băng Băng
Thông tin mới cập nhật