TCTM – Giả mạo, giả danh hay không đủ năng lực để làm việc nhưng vẫn thực hiện những công việc yêu cầu trình độ, năng lực, quy trình. Hậu quả khôn lường!
Bé gái 9 tháng tuổi tại TP.HCM tử vong sau tập vật lý trị liệu với bác sĩ mạo danh. Tiếp cận người nhà bệnh nhân ngay tại Bệnh viện Nhi đồng 2 với trang phục áo blouse và “tự giới thiệu là bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng kiêm giảng viên của bệnh viện”, một người đàn ông đã tập trị liệu cho bé gái 9 tháng tuổi có bệnh lý não dẫn đến tím tái – mất phản xạ, gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu nhưng bé không qua khỏi.
Nhiều vụ bỏ quên học sinh trong xe đưa đón gây ra những hậu quả thương tâm trong những năm qua.
Ngày 6/8/2019, một học sinh lớp 1 Trường Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô đưa đón từ sáng. Đến chiều cùng ngày, L. được phát hiện bị bỏ quên trong ô tô và đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi nhập viện.
Ngày 13/9/2019, một cháu bé 3 tuổi ở Tiên Du (Bắc Ninh) bị bỏ quên trên ô tô đưa đón suốt từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Cháu được chuyển đi cấp cứu trong tình trạng sốc nhiệt, hoảng loạn, sốt, hạ đường huyết, mất nước.
Và ngày 29/5/2024, một sự việc thương tâm lại tái diễn với cháu bé 5 tuổi tại Vũ Thư (Thái Bình) bị bỏ quên trên xe đưa đón từ sáng, đến 17h cùng ngày khi người thân đến đón nhưng không thấy cháu mới báo cho nhà trường, tổ chức tìm kiếm và phát hiện bé vẫn ở trong xe đưa đón. Do không tìm được chìa khóa, những người có mặt đã phá cửa xe để đưa bé tới bệnh viên, tuy nhiên, nạn nhân được cơ quan y tế xác định đã tử vong.
Rất nhiều sự việc đã xảy ra nhưng “sợi dây kinh nghiệm” rút mãi cũng chỉ nằm ở một vài vấn đề.
Không có quy trình làm việc hoặc đã có nhưng không tuân thủ nghiêm ngặt là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến những sự việc thương tâm. Không phải là làm việc “cẩu thả” hay làm việc “có tâm”, mà là làm đúng – làm đủ quy trình và trách nhiệm của công việc.
Một quy trình làm việc không chỉ nhằm đạt được mục tiêu công việc mà còn kiểm soát toàn diện các vấn đề rủi ro có thể phát sinh. Vì vậy, việc xây dựng quy trình cho từng công việc và yêu cầu người lao động tuân thủ việc thực hiện đúng quy trình, song song là việc giám sát của doanh nghiệp sử dụng lao động, người tiêu dùng.
Như đối với xe buýt đưa đón học sinh tại Mỹ được thiết kế thêm nút bấm tại cuối xe, điều này yêu cầu người lái xe cần đi từ đầu xe đến cuối xe để kiểm tra hiện trạng xe sau khi đã trả học sinh rồi mới bấm vào nút bấm này để tiếp tục các tác vụ về báo cáo. Việc thiết lập lên một quy trình với các thiết kế công cụ, tính năng,… yêu cầu người thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt là điều bắt buộc nhằm phòng tránh các rủi ro.
Không phải ngành nghề nào cũng “ai làm cũng được”, mỗi công việc lại có những yêu cầu khác nhau.
Trong khi tại Nhật người chở từ 8kg ga trở lên đã bắt buộc phải có chứng chỉ thì tại Việt Nam, những chiếc xe máy chở vài bình ga 45kg tay không ngông nghênh trên đường bởi những người không có yêu cầu gì về huấn luyện, chứng chỉ.
Tương tự, thang máy là hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn, việc huấn luyện và cấp chứng chỉ năng lực cho kỹ thuật viên ngành thang máy là cần thiết.
Chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ an toàn lao động yêu cầu người lao động có các kỹ năng và thực hiện quy trình đảm bảo an toàn lao động. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho cả người lao động và những người xung quanh, môi trường, tài sản,…
Đối với lĩnh vực thang máy, việc xây dựng quy trình làm việc đối với những công việc cụ thể và thiết lập nó trở thành chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ là việc làm cần thiết. Đối với từng công việc cần trang bị những dụng cụ gì, định mức nhân sự về trình độ, số lượng,…
Khi đó, người lao động làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng được đào tạo và yêu cầu cam kết việc thực hiện song song với việc giám sát của doanh nghiệp sử dụng lao động, người tiêu dùng và đơn vị quản lý.
Trao quyền giám sát và cung cấp hệ thống tra cứu cho người dân vừa là gia tăng mức độ sâu sát khi người dân là người trực tiếp sở hữu, sử dụng sản phẩm và dịch vụ.
Để trao quyền, người dân cần có hệ thống tra cứu. Thứ nhất, về sản phẩm, cần có quy định về truy xuất dữ liệu đối với mọi sản phẩm để từ đó người dân dễ dàng xác minh nguồn gốc, xuất xứ, các thông số kỹ thuật liên quan.
Tiếp đó, về dịch vụ – tức liên quan đến yếu tố con người, cũng cần có hệ thống truy xuất dữ liệu về người thực hiện công việc, các loại chứng chỉ, bằng cấp, phạm vi công việc được phép làm,…
Chỉ khi đó, người dân mới chủ động trong việc lựa chọn sử dụng thiết bị, dịch vụ, tự bảo vệ bản thân khỏi hàng giả hàng nhái, người không đủ năng lực làm việc, thậm chí là mạo danh trục lợi,…
Ngành thang máy cũng đang gặp những vấn đề tương tự.
Ngày 14/12/2021, gia đình ông L.N.T tại Hải Phòng bất ngờ phát hiện người lạ đột nhập vào gia đình và tự xưng là nhân viên bảo trì thang máy. Tuy nhiên, nhận thấy người này lạ mặt, đeo khẩu trang, không mặc đồng phục của đơn vị bảo trì, cũng không gọi điện thoại báo trước cho gia đình như quy trình mà đơn vị bảo trì thực hiện trước nay nên ông T. đã mời người này ra khỏi nhà. Đồng thời, ông cũng báo cho đơn vị bảo trì để xác nhận rằng đối tượng lạ mặt không phải người của đơn vị này.
Có thể thấy, làm việc theo quy trình và có hệ thống tra cứu thông tin nhân viên là do doanh nghiệp này chủ động thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và sự an toàn cho khách hàng. Đây chưa phải một quy định đồng bộ cho tất cả doanh nghiệp và việc xử lý tình huống lý trí cũng là sự may mắn riêng của ông T.
Ngày 27/5/2022, vụ tai nạn thang máy xảy ra tại ngôi nhà 7 tầng phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) khiến 2 công nhân sửa chữa tử vong, một người được phát hiện tại nóc cabin, một người dưới hố thang bị cabin đè lên. Tai nạn xảy ra trong quá trình 2 công nhân thực hiện sửa chữa, nâng cấp thang máy.
Trong tai nạn này, việc lên phương án thi công đảm bảo an toàn, giám sát và tuân thủ quy trình làm việc đang có vấn đề. Và liệu 2 công nhân này có đáp ứng năng lực, chứng chỉ an toàn lao động,… để được phép làm công việc này?
Từ hiện trạng còn nhiều rối ren đó của ngành, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã đánh giá được tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro từ hệ thống, từ đó xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa ngành với các hệ thống phòng ngừa. Từ đó, xây dựng lộ trình nhằm thực hiện các dự án cụ thể.
– Xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy: Thiết lập lên quy trình làm việc, định mức nhân sự và tiêu chuẩn trình độ năng lực nhân sự với từng công việc.
– Dự án đào tạo và cấp chứng chỉ kỹ thuật viên thang máy: Xây dựng chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ kỹ thuật viên thang máy đáp ứng yêu cầu của từng vị trí công việc. Đồng thời, xây dựng hệ thống truy xuất thông tin kỹ thuật viên, cho phép người dân xác thực thông tin cá nhân, trình độ năng lực của kỹ thuật viên thang máy.
– Hệ thống mã định danh thang máy: Xây dựng hệ thống truy xuất thông tin thiết bị thang máy, đồng thời cũng là kênh để người sử dụng thang máy cập nhật, phản ánh tình trạng thực tế của thiết bị.
Đây là một hướng phát triển nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho cả người lao động và người sử dụng thang máy, thông qua đó, các đơn vị quản lý, kinh doanh lĩnh vực thang máy cũng đều được lợi. Do đó, VNEA đang phối hợp, đồng hành với các cơ quan chức năng nhằm chuẩn hóa toàn diện ngành thang máy, từ con người đến thiết bị.
Quản trị rủi ro là vấn đề có tầm quan trọng với tất cả các ngành, và để thực hiện được điều đó sẽ có nhiều thách thức, khó khăn. Ngay cả với ngành thang máy, để tập trung các doanh nghiệp cùng đồng lòng phát triển theo một hướng chung, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống công cụ – công nghệ, triển khai trong thực tế,… sẽ còn là một hành trình dài. Nhưng phải có bước bắt đầu để phòng ngừa những bi kịch tái diễn.
Lưu Hiền Minh
Thông tin mới cập nhật