TCTM – Cách đây 20 năm, ngày 13/10 hàng năm được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam, với ý nghĩa khuyến khích, tôn vinh vai trò của những doanh nhân có nhiều cống hiến, thành tựu.
Từng bị kỳ thị coi là giai cấp bóc lột trong quá khứ, doanh nhân hiện nay đã trở thành đội ngũ tiên phong trên nhiều mặt trận, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho xã hội. Không chỉ làm giàu cho bản thân, doanh nhân đồng hành cùng đất nước đi qua thiên tai, đại dịch – đồng hành cùng đất nước bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Một điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương năm 1998-1999 cho thấy, để thành lập công ty, doanh nhân phải xin đến 35 chữ ký và 32 con dấu trong thời gian bình quân 12-36 tháng với chi phí “bôi trơn” khoảng 10-30 triệu đồng – một khoản tiền lớn vào thời đó.
Trong 9 năm kể từ thời điểm Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 đi vào thực tiễn, chỉ có 43.000 doanh nghiệp tư nhân được cấp phép thành lập. Có thể xem con số này là một tiến bộ vượt bậc so với trước đó, song lại quá khiêm tốn đối với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước lúc bấy giờ.
Bởi thế, sau rất nhiều phiên thảo luận kỹ càng từng câu, từng chữ; biểu quyết thông qua từng điều, từng chương, Luật Doanh nghiệp 1999 đã được Quốc hội thông qua, thay thế hai luật trên. Các nhà soạn thảo Luật hồi đó đã từng hình dung sự xuất hiện của các tỷ phú USD, cũng như sự trỗi dậy của tầng lớp doanh nhân giàu có ở nước ta.
Các tầng lớp doanh nhân Việt Nam chịu nhiều thăng trầm trong quá khứ. Sau Đổi Mới, khi thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, các doanh nhân mới bắt đầu xuất hiện.
Và thành quả là khác xa so với trước đây, khi các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn còn đang giữ thế thượng phong ở nhiều lĩnh vực, các tập đoàn tư nhân lớn đang vươn lên rất mạnh mẽ, có thể kể đến như FPT, Vingroup, Sungroup, Hòa Phát,…
Giờ đây, chúng ta đã có những tỷ phú USD được thế giới vinh danh. Cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên tục phát triển, từng bước trở thành lực lượng “trung tâm” của nền kinh tế.
Dù vậy, sau ngần ấy thời gian, tới nay cả nước chỉ có hơn 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, mật độ 9,2 doanh nghiệp trên 1.000 dân là rất thấp – số liệu Sách Trắng Doanh nghiệp 2024. Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 đã lỡ, còn mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 lại trở nên quá xa vời.
Nhưng không chỉ vậy, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp lớn chiếm 2,7%, doanh nghiệp loại vừa chiếm 3,8%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 26,4% và số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 67,1%.
Ngoài ra, xét về đóng góp tổng sản phẩm trong nước (GDP), khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 20% GDP, doanh nghiệp nhà nước khoảng 27%, khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức chỉ khoảng 10%, còn khu vực kinh tế phi chính thức (hơn 5 triệu hộ gia đình) vẫn lên đến 33%.
Điều này còn cho thấy doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là khu vực tư nhân phần lớn nhỏ lẻ, manh mún nên năng lực đầu tư sản xuất và kinh doanh còn khá thấp.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc phát triển khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong gần 3 thập kỷ qua.
Chỉ 40% số doanh nghiệp tư nhân trong nước kinh doanh có lãi, so với 50% doanh nghiệp FDI và 80% doanh nghiệp nhà nước. Có 47% doanh nghiệp FDI, hơn 50% doanh nghiệp tư nhân trong nước, gần 20% doanh nghiệp nhà nước khai báo kinh doanh thua lỗ.
Chưa đầy 30% số doanh nghiệp siêu nhỏ kinh doanh có lãi. Hiệu quả kinh doanh trên tất cả các chỉ số của doanh nghiệp nhóm này nói chung rất thấp, (thường bằng 0 hoặc âm). Nghĩa là, phần đông doanh nghiệp siêu nhỏ không bảo toàn được vốn, không thể tự tích lũy để tái đầu tư.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Thực tế trong nhiều năm vừa qua, khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước có nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh do tiếp cận đất đai, nguồn vốn và thủ tục hành chính thuận lợi hơn doanh nghiệp tư nhân.
Kể cả ưu đãi về chính sách thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%. Trong khi đó, trước khi áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của các doanh nghiệp FDI là 12,3%. Trong đó, các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 2,75% đến 5,95%.
Câu chuyện đã lâu nhưng vẫn còn mới: Doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện đang yếu thế so với doanh nghiệp FDI, yếu cả về hội nhập và năng lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp, tạo giá trị gia tăng thấp. Nền kinh tế còn phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài.
Tính đến tháng 5/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement- FTA), trở thành quốc gia mở cửa rộng nhất thế giới.
Điều này đã mở ra cơ hội chuyển dịch lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, đứng trước thời đại hội nhập toàn cầu, những con số trong bài viết lại cho thấy doanh nghiệp Việt Nam lại như đội “thuyền thúng ra khơi”.
Số doanh nghiệp trong nước đủ tiềm lực vươn ra thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn còn lại có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên chưa có khả năng tận dụng cơ hội của hội nhập.
Bài viết này hi vọng góp thêm tiếng nói về thực trạng mà khu vực doanh nghiệp trong nước – được nhiều người gọi với lòng tự hào là doanh nghiệp dân tộc – đang phải đối mặt.
Nền kinh tế muốn độc lập, tự chủ và phát triển bền vững phải có đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững vàng và phát huy được hết sự năng động, sáng tạo của tư duy. Nghị quyết 10- NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân ngày 3 tháng 6 năm 2017 đã nêu rõ các nguyên nhân, mục tiêu, giải pháp.
Đã đến lúc chúng ta cần xem xét toàn diện, tổng thể xem đâu là vướng mắc, đâu là bài học kinh nghiệm từ trong thể chế, luật pháp cũng như thực thi trong thực tế, để khởi tạo tinh thần kinh doanh tươi mới, để doanh nghiệp Việt Nam – doanh nghiệp dân tộc – ra khơi xa bằng hạm đội thuyền lớn.
Hoàng Quân
Thông tin mới cập nhật