Lĩnh vực thang máy xuất hiện ở Việt Nam chỉ mới hai thập kỷ và đến cuối năm 2014 thì thang máy chính thức được công nhận là mặt hàng đã sản xuất được trong nước. Ngành công nghiệp thang máy nước nhà đang chập chững những bước đầu tiên để dần nâng cao năng lực làm chủ công nghệ. Bởi lý do đó, chúng ta có điều kiện để “chuẩn hóa” nhân lực ngành, tạo tiền đề vững chắc để ngành công nghiệp này phát triển bền vững. Đó cũng chính là khát vọng của Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức.

Tạp chí Thang máy: Việt Nam đã nhập cuộc trong lĩnh vực sản xuất thang máy và đây trở thành ngành công nghiệp trẻ, đang trên đà phát triển. Những mặt được và hạn chế theo ông là gì?

Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam:

Quãng thời gian vừa qua, có thể nói như là một cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất thang máy Việt Nam tập sự, dần định hình nên một ngành công nghiệp. Vài năm trước thì khái niệm này là không rõ ràng bởi chúng ta mới chập chững tham gia cuộc chơi. Trước hết, so sánh với các nước có cơ cấu dân số, mật độ tương tự như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia,… chúng ta sẽ thấy tiềm năng khá lớn. Việt Nam hiện có mật độ dân số cao so với thế giới và khu vực với mức 290 người/km2, trong đó trên 34% sinh sống ở thành thị. Và với tốc độ đô thị hóa diễn ra thì sẽ cần hai đến ba mươi năm nữa thị trường thang máy mới đạt đến trạng thái bão hòa. Với cơ hội tiềm năng đó thì chúng ta nhìn nhận đây là một ngành công nghiệp thực sự, có doanh thu nhiều tỷ đô trong tương lai.

Thời kỳ đầu, nếu các doanh nghiệp chỉ tập trung vào thương mại thì hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc lắp ráp, sản xuất thang máy nội địa. Đây là tiền đề tạo nền móng cho ngành công nghiệp thang máy trong nước phát triển. Chúng ta đã có những thương hiệu thang máy Việt uy tín, sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa ngày một tăng lên. Hay việc liên kết, liên doanh sản xuất đã tạo điều kiện để Việt Nam gia nhập vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu trong lĩnh vực thang máy.

Nhưng có một thực tế mà chúng ta phải dũng cảm nhìn nhận lại. Đó là đa phần doanh nghiệp trong nước đang chạy theo bằng việc bắt chước, là mua thiết bị, linh kiện, lắp ghép với giá trị gia tăng rất nhỏ. Mặt cơ khí thang máy, phần nào đó chúng ta đã từng bước xây dựng năng lực sản xuất nhưng về phần điện thì cơ bản chúng ta phụ thuộc nhập khẩu. Chúng ta có “đau” không khi sản phẩm làm ra ít mang dáng dấp, hồn cốt của trí tuệ Việt?

Nếu không có định hướng thật sự nghiêm túc và có trách nhiệm thì không biết chừng trong mười năm tới thay vì chúng ta có những sản phẩm cao cấp, chất lượng do chính bàn tay khối óc của người Việt chế tạo thì lại tạo ra một “bãi rác” khổng lồ. Và khi đó chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà.

Tạp chí Thang máy: Tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp phải chăng cũng cần phù hợp?

Ông Nguyễn Hải Đức:

Tôi cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong ngành thang máy còn có tầm nhìn hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của doanh nghiệp nói riêng và tác động ngành công nghiệp thang máy nói chung. Nếu doanh nghiệp nào cũng làm thương mại, cũng lựa chọn nhập khẩu thiết bị về lắp ráp thay vì tham gia chuỗi giá trị cung ứng công nghiệp phụ trợ như chế tạo linh kiện, thiết bị thì công nghiệp thang máy Việt Nam phát triển thế nào được?

Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không bình đẳng bằng hàng giả, hàng nhái. Chúng tôi đã nhận thấy có không ít đơn vị lựa chọn thiết bị có giá trị thấp, không qua con đường chính tắc, lắp ráp thành phẩm thang máy và bán phá giá thị trường. Nếu những vấn đề như vậy không được giải quyết triệt để thì không thể tạo ra môi trường lành mạnh cho ngành phát triển.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có những chiến lược khác nhau để tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh. Đó là động lực cho sự phát triển. Chúng ta là người Việt Nam máu đỏ da vàng, chúng ta hiểu văn hóa của người Việt. Vậy tại sao chúng ta lại không khai thác chiến lược cạnh tranh bằng văn hóa?

 

Sẽ không thể áp dụng một chiến lược cả một chặng đường dài mà mỗi giai đoạn cần một chiến lược phù hợp. Mỗi doanh nghiệp sẽ hiểu rõ thế mạnh và sự hạn chế của mình hơn ai hết. Cá nhân tôi luôn trăn trở, mong muốn các doanh nghiệp thang máy nước nhà có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và vươn xa ra khỏi phạm vi lãnh thổ. 

Tạp chí Thang máy: Năm 2022 được dự báo vẫn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp ngành thang máy. Nhưng hẳn là cũng sẽ có những cơ hội mới phải không?

Ông Nguyễn Hải Đức:

Vài năm trở lại đây, hẳn chúng ta đã nghe nhiều về khái niệm thế giới VUCA nơi chúng ta đang sống – môi trường không thể kiểm soát. VUCA là viết tắt của Volatility (Sự biến động), Uncertainty (Sự không chắc chắn), Complexity (Độ phức tạp) và Ambiguity (Sự mơ hồ).

Các doanh nghiệp ngành thang máy chúng ta cũng không thể nằm ngoài sự chi phối của những tác động này. Thay vì đi ngược thì chúng ta phải thuận theo quy luật để tìm hướng đi phát triển cho doanh nghiệp của mình.

Cả thế giới đang trải qua những tác động khủng khiếp của đại dịch COVID và kể cả khi nó kết thúc sẽ còn để lại nhiều “di chứng” cho nền kinh tế. Các bạn cũng biết, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 đã xuống thấp kỷ lục khi chỉ còn 2,6%. Trong đó, công nghiệp sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng đã mang đến nhiều tín hiệu tiêu cực.

Bên cạnh đó, các yếu tố địa chính trị phức tạp trên thế giới và khu vực cũng tác động không nhỏ đến yếu tố cung – cầu của ngành thang máy trong nước. Bởi vậy, tôi cho rằng sẽ còn nhiều khó khăn trước mắt chứ không chỉ là năm 2022 mà chúng ta vừa mới bước sang.

Thách thức mà chúng ta vừa đánh giá cũng chính là một bài “test” hết sức quan trọng. Khả năng và sức chịu đựng của doanh nghiệp sẽ được phô diễn một cách tự nhiên nhất. Những doanh nghiệp nào có năng lực quản trị, uy tín khách hàng, tư duy dài hạn thì sẽ vượt qua. Còn doanh nghiệp nào mà sống nương nhờ vào những tư duy ngắn hạn thì cũng sẽ bị teo tóp lại và có thể sẽ biến mất. Đây cũng như một “lưới lọc” tự nhiên mà thôi. Cũng như bạn trồng cây. Cây có giống tốt, khả năng thích ứng chịu đựng tốt sẽ phát triển. Cây nào không vượt qua nổi sự thử thách của thiên nhiên thì sẽ què quặt, không thể phát triển. Những doanh nghiệp ngành thang máy non trẻ của chúng ta cũng vậy thôi.

Ngành thang máy hiện đang phụ thuộc vào hai lĩnh vực có nhiều tác động là công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp xây dựng. Tính đến cuối năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo của chúng ta vẫn đang có đà tăng trưởng tích cực trong khi khối lượng hàng tồn kho có xu hướng giảm dần. Công nghiệp chế biến, chế tạo đặc biệt quan trọng đối với công nghiệp thang máy vì đó là nền tảng chúng ta sản xuất được linh kiện, thiết bị trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm thang máy Việt Nam. Nhưng tôi cũng xin nhấn mạnh lại một lần nữa là cần hành động quyết liệt để loại bỏ hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì mới khuyến khích được các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong nước phát triển.

 

Còn công nghiệp xây dựng chúng ta cũng đang phục hồi tích cực. Năm qua, mỗi quý, chúng ta đều tăng trưởng hơn 30% so với quý trước đó. Sang năm 2022, dự báo tốc độ tăng trưởng vẫn sẽ khả quan và đây là một tiền đề quan trọng để tạo ra nhu cầu thang máy, kích thích nguồn “cung” trong và ngoài nước. 

Tạp chí Thang máy:  Ông mới nhắc đến nguồn “cung” trong và ngoài nước. Vậy để sản phẩm thang máy nội địa không còn “lép vế” so với sản phẩm ngoại, chúng ta cần quan tâm vấn đề gì thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Đức:

Ý bạn muốn nói đến một cuộc chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nội và ngoại đúng không? Tôi cho rằng khó. Vì chúng ta đều biết, doanh nghiệp trong nước với nền tảng tài chính, công nghệ, nhân lực còn nhiều hạn chế. Nếu đem so với doanh nghiệp nước ngoài đã đi trước nhiều năm, có tiềm lực hùng hậu và nắm giữ bí quyết về công nghệ thì sẽ là sự khập khiễng.

Năng lực hiện trường của doanh nghiệp trong ngành theo cách gọi của tôi còn yếu. Đó là một quá trình không thể nào đốt cháy giai đoạn được. Bạn phải sản xuất và không may khi tạo ra những sản phẩm lỗi, rồi nhận “feedback”, đúc rút, cải tiến,… Bề dày doanh nghiệp càng lớn thì năng lực hiện trường càng cao nhưng nó không đúng tuyệt đối. Vấn đề là doanh nghiệp của bạn sẽ cải thiện năng lực đó thế nào, nó phụ thuộc vào chính bạn.

 

Chúng ta đã và đang sống trong thế giới phẳng, mậu dịch tự do, không còn “trời của ta, đất của ta”. Nhưng chúng ta phải có sự tự tôn chúng ta là người Việt Nam, chúng ta hiểu văn hóa Việt, con người Việt. Vậy có lý do gì chúng ta không phát huy yếu tố ấy để giành lấy lợi thế? Nếu không làm được điều đó thì sẽ là cả vấn đề. 

Tạp chí Thang máy: Dường như ông đang rất trăn trở với vấn đề chuẩn hóa nhân lực ngành. Ông có thể chia sẻ?

Ông Nguyễn Hải Đức:

Đúng thế! Tôi sẽ lấy ví dụ thế này cho dễ hình dung. Khi thang máy ở các tòa nhà hay trong gia đình cần bảo trì, bảo dưỡng hay khắc phục sửa chữa, những doanh nghiệp thang máy sẽ cử nhân viên kỹ thuật đến để thực hiện nhiệm vụ. Giả sử bạn trong vai người quản lý tòa nhà, hay một thành viên trong gia đình có thang máy đó, liệu bạn có biết những thông tin gì về nhân viên kỹ thuật hay chỉ có thể đặt niềm tin vào cảm tính? Liệu anh ta có được đào tạo nghiệp vụ bài bản như những gì công ty cam kết? Về sức khỏe, đạo đức, những yếu tố khác, có vấn đề gì hay không?

Bạn định hỏi giải pháp nào đúng không? Tôi sẽ đưa ra một gợi ý mà tôi cho là thiết thực thế này. Nếu Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức đào tạo, sát hạch cho lao động ngành với nhiều cấp độ thì sao? Ở đây, chúng tôi không chỉ huấn luyện nghiệp vụ mà còn chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, để chúng ta có những con người “vừa hồng, vừa chuyên”. Thông tin nhân sự qua sát hạch sẽ được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu chung của ngành, đơn giản như một mã QR, vừa phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, vừa là cơ sở để các đơn vị, nhà quản lý, khách hàng tra cứu thông tin cần thiết.

Rộng lớn hơn, thì việc chuẩn hóa nhân lực ngành sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp xây dựng năng lực hiện trường như tôi đã nhắc đến tốt hơn, hiệu quả hơn. Từ người lao động, đến doanh nghiệp phải điều chỉnh hành vi bởi chúng ta có Cơ sở dữ liệu thông tin để giám sát. Các doanh nghiệp ngoại khi vào thị trường Việt Nam cũng phải tuân thủ hàng rào kỹ thuật này để cung ứng sản phẩm và dịch vụ đạt chất lượng. Đó là nền tảng cơ bản để từng bước phát triển ngành thang máy nước nhà còn non trẻ.

Tôi cũng có ấn tượng sâu đậm với Phật giáo mà ở đó quan niệm Nhân – Quả là vô cùng sâu sắc. Với các doanh nghiệp thì “quả” có thể là những thứ vật chất hiện hữu như tiền bạc chẳng hạn. Nếu chỉ chạy theo “quả” mà không chịu “trồng cây” thì sẽ là không thực tế, không xác định được bản chất của vấn đề. Khi hiểu được Nhân – Quả thì doanh nghiệp sẽ làm những điều hướng thiện, lợi người, lợi mình trong hoạt động kinh doanh từ đó sẽ giúp họ nắm giữ được chìa khóa mở cửa thành công.

Gieo nhân lành ắt hái quả ngọt. Tôi kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp thang máy trong nước sẽ kết nối chặt chẽ, phát triển bằng nội lực thực chất và giành được những thành quả xứng đáng.

 

Tạp chí Thang máy: Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công nhân dịp năm mới.

Thực hiện: Hải Nguyên
Thiết kế: Trọng Tấn